Dựa trên kết *** cáo tài chính hợp nhất Q4/2021, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 lần lượt là 62,160 tỷ đồng (+2% YoY, đạt 98% kế hoạch) và 11,240 tỷ đồng (-14% YoY, đạt 86% kế hoạch).
Biên lợi nhuận gộp sụt giảm từ 46.4% năm 2020 về 43.1% năm 2021. Nguyên nhân chính đến từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào khiến giá vốn hàng bán tăng 8% so với cùng kỳ (2021: 34,641 tỷ đồng vs. 2020: 31,968 tỷ đồng).
Doanh thu hoạt động tài chính năm 2021 giảm 366 tỷ đồng (-23% YoY) nguyên nhân do không phát sinh khoản lãi đột biến như năm ngoái. Năm 2020, VNM ghi nhận khoản lãi đột biến 300 tỷ đồng do đánh giá lại khoản đầu tư vào GTNFoods khi còn là công ty liên kết.
Chi phí bán hàng giảm 496 tỷ đồng (-4% YoY), trong đó, chi phí dịch vụ khuyến mãi, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng (chiếm 71% chi phí bán hàng) giảm 539 tỷ đồng (-6% YoY). Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 391 tỷ đồng (-20% YoY) nguyên nhân chủ yếu do khoản phân bổ lợi thế thương mại giảm 363 tỷ đồng (-60% YoY).
Thu nhập khác tăng 211 tỷ đồng (+100% YoY) do trong năm 2021, ghi nhận khoản hỗ trợ từ nhà cung cấp là 180 tỷ đồng (tăng 142 tỷ đồng so với 2020). Đồng thời, công ty có thêm phần thu nhập 70.7 tỷ đồng từ khoản vay được hỗ trợ miễn giảm bởi chính phủ.
![image.png](file-guid:88b29545-13eb-4eff-8615-72a282883247 "image.png")
![image.png](file-guid:93a81654-0dce-4f6a-a7f2-1a5c5f93ed47 "image.png")
*(Nguồn: Vinamilk, BCTC Q4/2021)*
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của VNM đạt 53,332 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 68%, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn ngắn (21,026 tỷ đồng) và hàng tồn kho (6,773 tỷ đồng) tăng lần lượt 21% và 38% so với đầu năm.
Nợ phải trả là 17,482 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, do vay ngắn hạn tăng 28% lên 9,382 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2021.
Covid ảnh hưởng phần nào đến thu nhập và mức tiêu thụ hàng hóa của người dân, đó là một trong những lý do khiến triển vọng ngành sữa năm 2022 chưa có nhiều khởi sắc. VNM đã tăng giá bán vào cuối tháng 12/2021 và chưa có kế hoạch tăng giá lần tiếp theo. Theo chia sẻ từ phía doanh nghiệp, biên lợi nhuận năm 2022 và những năm tới sẽ tiếp tục đi ngang.
Công ty vẫn chưa có kế hoạch đầu tư hay M&A mới trong năm.
Đối với mảng sữa bột, VNM khó khăn trong cạnh tranh với các nhãn hàng ngoại nhập tên tuổi như Abbott. Tuy nhiên, mảng này đang cho thấy những dấu hiệu tích cực khi VNM đánh giá tốc độ sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm và cho ra mắt sản phẩm Kenko Haru (sản phẩm sữa bột cho người lớn) với lượng hấp thụ tốt từ người tiêu dùng.
Đối với mảng sữa nước và sữa chua, các đối thủ của VNM chủ yếu là các công ty trong nước và có đặc điểm là không mạnh ở kênh truyền thống như VNM. Do đó, các công ty này tập trung nguồn lực đánh mạnh vào kênh siêu thị, khiến các sản phẩm của VNM tại kênh này gặp cạnh tranh lớn.
**Nhận xét**: Dựa trên triển vọng thị trường năm 2022 kém khả quan, cùng với những yếu tố về cạnh tranh vốn ngày càng lớn trong ngành khiến cổ phiếu VNM trở nên kém hấp dẫn hơn. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị CHỜ BÁN đối với mã này.