Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet từng chia sẻ về việc lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư: “Tôi không thích nợ và không thích đầu tư vào những công ty có quá nhiều nợ vay, đặc biệt là nợ vay dài hạn. Với nợ vay dài hạn, việc lãi suất tăng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lên lợi nhuận của doanh nghiệp và khiến dòng tiền trong tương lai khó dự đoán”. Vậy tại Việt Nam, tình hình vay nợ của doanh nghiệp trong danh mục ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả đầu tư dài hạn?
Nợ vay luôn được coi như một công cụ có thể thúc đẩy nhanh khả năng phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng các cơ hội trên thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy cao, đặc biệt nợ vay dài hạn với điều kiện vay kém linh hoạt sẽ tạo áp lực lên doanh nghiệp khi môi trường kinh doanh suy yếu. Mặt khác, các doanh nghiệp sử dụng tỷ lệ nợ dài hạn thấp so với trung bình ngành cho thấy lợi thế của họ khi không cần gia tăng rủi ro để duy trì năng lực cạnh tranh.
Với thị trường chứng khoán non trẻ như tại Việt Nam, nhất là khi vấn đề quản trị doanh nghiệp vẫn bị coi nhẹ, chúng tôi nhận thấy rằng hiệu quả đầu tư có cơ hội được cải thiện đáng kể nếu nhà đầu tư biết cân nhắc tỷ lệ nợ vay dài hạn/ tài sản khi ra quyết định đầu tư.
Để kiểm định nhận định này, chúng tôi sử dụng dữ liệu theo từng quý của toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX, không bao gồm cổ phiếu ngành ngân hàng trong giai đoạn 8 năm (từ năm 2015 đến năm 2022). Sau đó, chúng tôi xây dựng danh mục đầu tư toàn thị trường theo tỷ trọng đầu tư trong danh mục tỷ lệ thuận hoặc nghịch với xếp hạng tỷ số nợ vay dài hạn/tài sản. Cụ thể có 3 kịch bản như Hình 1 dưới đây:
**Hình 1: Diễn giải phương pháp đầu tư theo 3 Kịch bản danh mục**
![image.png](file-guid:b21d1ed2-0f9e-42a2-aac1-ec2ea7eda46e "image.png")
*(Chú thích: đây chỉ là ví dụ minh họa tên một số cổ phiếu tiêu biểu, thực tế có hơn 700 cổ phiếu được xét đến)*
Giả định với số vốn đầu tư ban đầu năm 2015 là 1 tỷ đồng và việc thay đổi tỷ trọng (“rebalancing”) được thực hiện hàng quý khi có cập nhật dữ liệu mới, mức tăng trưởng giá trị khoản đầu tư theo 3 kịch bản được thể hiện như Hình 2 dưới đây:
**Hình 2: Tăng trưởng giá trị khoản đầu tư theo 3 Kịch bản danh mục**
![image.png](file-guid:a0281437-97ab-4ace-87aa-4d65d96c25b7 "image.png")
*Nguồn: TCData, TCBS tổng hợp*
Theo dữ liệu quá khứ, việc tập trung phân bổ tài sản vào cổ phiếu có tỷ lệ nợ vay dài hạn thấp luôn đem lại kết quả vượt trội trong dài hạn. Sau khoảng thời gian 8 năm, tính chung toàn bộ cổ phiếu trên thị trường (không tính ngành ngân hàng), tài sản lũy kế của kịch bản C cao hơn 18% so với kịch bản B. Kịch bản B chỉ có ưu thế ngắn hạn trong những giai đoạn thị trường tăng nóng, và thể hiện kém hơn trong phần lớn thời gian còn lại. Chúng ta có thể nhận thấy: “Trong đa số các trường hợp, sử dụng quá liều luôn là điều không tốt”.
**Hình 3: Chênh lệch lợi suất đầu tư (%) của Kịch bản C (ưu tiên cổ phiếu có tỷ lệ Nợ vay dài hạn/Tài sản thấp) so với Kịch bản B (ưu tiên cổ phiếu có tỷ lệ Nợ vay dài hạn/Tài sản cao)**
![image.png](file-guid:adacce02-4f00-4820-9986-b8489081ae7f "image.png")*Nguồn: TCData, TCBS tổng hợp*
**Kết luận:** Hướng tới năm 2023, thị trường chứng khoán được nhận định sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nhiều biến số vĩ mô khó lường như: lạm phát leo thang và suy thoái kinh tế toàn cầu, biến động đột biến của mặt bằng lãi suất, nút thắt về thanh khoản của thị trường BĐS và TPDN… Nhà đầu tư nên luôn thận trọng với các quyết định đầu tư rủi ro của mình, bao gồm cả việc nên kiểm nghiệm lại tỷ lệ nợ vay của danh mục cổ phiếu mình nắm giữ. Việc duy trì một danh mục đầu tư có tỷ lệ nợ vay dài hạn thấp sẽ giúp nhà đầu tư đạt được kết quả vượt trội trong dài hạn.