**Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm 2022 đầy biến động với mức sụt giảm hơn 30% và nằm trong top những thị trường giảm mạnh nhất thế giới. Một trong các câu hỏi được các nhà đầu tư quan tâm nhất là khi nào thị trường thoát khỏi xu hướng giảm và tạo đáy đi lên?**
Theo William O’Neil, huyền thoại đầu tư chứng khoán Hoa Kỳ, khi thị trường đang ở trong xu hướng giảm, để xác nhận thị trường ngừng rơi và cho sóng tăng trở lại, chúng ta sẽ đợi tín hiệu Bùng nổ theo đà, bởi không một xu hướng tăng nào bắt đầu mà không có sự xuất hiện của Ngày bùng nổ theo đà (Follow through day - FTD).
Ngày bùng nổ theo đà đánh dấu sự bắt đầu của một xu hướng mới. Đây là một khái niệm dùng để nhận diện thị trường chuyển từ giai đoạn giảm giá sang giai đoạn tăng giá.
Vậy FTD có hiệu quả khi ứng dụng vào thị trường chứng khoán Việt Nam? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bài viết được nghiên cứu dựa trên giữ liệu lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam (“Sử dụng chỉ số Vnindex) trong giai đoạn 2010 -2022.
**1. Thế nào là ngày bùng nổ theo đà**
Cách xác định ngày bùng nổ theo đà
\- Phiên Nỗ Lực Hồi Phục:
Khi VNindex đang ở trong xu hướng giảm (>10% tính từ đỉnh gần nhất), hãy tìm kiếm phiên VN-index có nỗ lực phục hồi, ngừng rơi và thiết lập đáy mới (Phiên mà Vnindex đóng cửa cao hơn mức thấp nhất phiên). Đây có thể là dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm giá của thị trường đã được chặn lại, thị trường đang thiết lập đáy và chuẩn bị xu hướng tăng trở lại
\- Ngày Bùng Nổ Theo Đà (FTD):
Khi phiên nỗ lực hồi phục xuất hiện, chúng ta bắt đầu tìm kiếm ngày bùng nổ theo đà để xác nhận xu hướng tăng giá mới đã bắt đầu. Các yêu cầu về ngày bùng nổ theo đà:
* Thường xuất hiện sau ngày thứ 3 của phiên nỗ lực hồi phục. Phổ biến xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, nhưng đôi khi có thể xuất hiện muộn hơn từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 10.
* Chỉ số phải có một ngày tăng giá mạnh, thông thường lớn hơn 1%, với khối lượng cao hơn so với ngày trước đó.
* Phải là một phiên bùng nổ, mạnh mẽ, dòng tiền lan tỏa khắp các mã và nhóm ngành.
**2. Phản ứng của thị trường khi có phiên bùng nổ theo đà**
Lịch sử Vnindex từ năm 2010 đến nay đã trải qua 27 phiên bùng nổ theo đà. Xác suất để thị trường bước vào một xu hướng tăng (ngắn hạn hoặc dài hạn) sau phiên bùng nổ theo đà là khoảng 67%, vẫn có 33% xác suất thị trường tiếp tục bước vào xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn sau phiên bùng nổ theo đà hay ngày bùng nổ theo đà thất bại.
Chi tiết các lần bùng nổ theo đà thành công của Vnindex được chúng tôi thống kê như Hình 1 dưới đây:
**Hình 1: Thống kê các phiên FTD thành công**
![image.png](file-guid:bbd270ce-6d58-458c-ae99-a84262873984 "image.png")
*Nguồn: TCdata, TCBS tổng hợp*
Quan sát các phiên bùng nổ theo đà chúng ta rút ra một số kết luận:
\- Phiên FTD có thể kết thúc một xu hướng giảm giá trong ngắn hạn nhưng không có nghĩa thị trường đã kết thúc 1 xu hướng giảm dài hạn khi xuất hiện FTD. Nhiều phiên FTD theo sau bởi một sự phục hồi ngắn ngủi (khoảng 1 tháng) trước khi chỉ số tiếp tục điều chỉnh.
Ví dụ như trong phiên FTD ngày 1/08/2022, ngày 25/11/2022, chỉ số sau đó phục hồi ngắn ngủi và quay lại xu hướng giảm. Tuy nhiên cũng có những phiên FTD thị trường bước vào một xu hướng tăng dài hạn mới ví dụ phiên 06/04/2020.
- Phiên FTD có sự bùng nổ về giá và thanh khoản càng mạnh mẽ thì sự tăng giá sau đó càng thuyết phục, các phiên FTD có mức tăng mạnh về cả giá và thanh khoản như phiên 17/08/2011, 19/01/2012 hay 06/04/2020 là các phiên FTD tương đối thuyết phục và theo sau bởi một xu hướng tăng mạnh mẽ
Kết quả thống kê của chúng tôi cũng chứng minh khoảng 1/3 số phiên FTD sẽ diễn ra thất bại, ví dụ các phiên FTD ngày 27/10/2022, thị trường có một phiên tăng giá và thanh khoản trên 3% nhưng sau đó lại đảo chiều và tiếp tục xu hướng giảm. Do vậy, để phiên FTD diễn ra thành công và đảo chiều sang một xu hướng tăng giá dài hạn mới cần có sự ủng hộ của các yếu tố kinh tế vĩ mô. Nếu không các phiên FTD thông thường sẽ chỉ xác nhận một xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Một số phiên FTD thất bại khác các nhà đầu tư có thể tham khảo như trong Hình 2 dưới đây:
**Hình 2: Thống kê các phiên FTD không thành công**
![image.png](file-guid:c40bedbe-f621-4995-93cf-6586a700c844 "image.png")
*Nguồn: TCdata, TCBS tổng hợp*
**3. Kết luận**
\- FTD là một chỉ bảo tốt cho thấy thị trường đang bước vào một xu hướng tăng ngắn hạn, theo thống kê trong lịch sử, có khoảng 2/3 số phiên FTD tại thị trường Việt Nam thành công.
\- Phiên FTD có thể kết thúc một xu hướng giảm giá trong ngắn hạn nhưng không có nghĩa thị trường sẽ kết thúc xu hướng giảm dài hạn khi xuất hiện FTD, để phiên FTD diễn ra thành công và đảo chiều từ xu hướng giảm dài hạn sang xu hướng tăng dài hạn cần có sự ủng hộ của các yếu tố kinh tế vĩ mô
\- Mức tăng giá và khối lượng trong phiên FTD càng cao thì xác suất thành công càng lớn.