Năm 2023, BLĐ công ty đánh giá đây vẫn là thời kỳ khó khăn do phụ thuộc vào tình hình chung của thế giới. Vì vậy, Công ty đặt kế hoạch thận trọng, tăng trưởng thị phần bền vững. Kế hoạch tổng doanh thu là 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2022 và Lợi nhuận trước thuế đặt kế hoạch là 10.496 tỷ đồng bằng mức năm 2022.
VNM đã kí kết thành công nhiều hợp đồng với tổng giá trị đạt 100 triệu USD, dự kiến được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2023 và dự kiến đạt trên 200 triệu USD cho cả năm 2023.
Từ tháng 4/2023, giá nguyên vật liệu có xu hướng tăng nhanh trở lại, giá sữa tươi nguyên liệu năm nay thu mua tăng lên 7%. Lợi nhuận quý I/2023 của công ty vẫn bị ảnh hưởng bới tình hình nguyên vật liệu của quý IV/2022 nên vẫn giảm so với quý I/2022. Kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ cải thiện từ quý III/2023.
Giá nguyên vật liệu đã được công ty chốt đến hết tháng 8/2023.Với mục tiêu phải dự trữ được ít nhất 3 tháng (1 tháng đi đường, 1 tháng sản xuất, 1 tháng tồn kho). Trong năm 2023, Công ty dự kiến tăng giá bán một số mặt hàng nhưng không quá 5% (chỉ tương đương mức lạm phát). Tương tự như năm 2022, khi mặt bằng giá nguyên liệu đầu vào tăng 30 - 50%, để hỗ trợ tiêu dùng Công ty đã không chuyển tất cả phần tăng giá đầu vào này vào giá bán, giá bán năm 2022 cũng chỉ tăng 5%.
Bà Mai Kiều Liên nhận định rằng để quay về mức lợi nhuận tới như thời kỳ trước dịch, cần ít nhất 1 năm nữa. Trang trại bò sữa tại Lào đã đi vào hoạt động với quy mô 1.000 con bò, và dự kiến tăng lên 8.000 con trong giai đoạn 1 tương đương với trang trại Greenfarm để đạt sản lượng 100 tấn sữa tươi/ngày.
Mảng bò thịt dự kiến sẽ cho sản phẩm ra thị trường vào năm 2024, kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán cải thiện biên lãi gộp cho Công ty.
Ngoài ra, cuộc họp cũng thông qua việc điều chỉnh, bổ sung các ngành, nghề kinh doanh sau: Sản xuất điện mặt trời (trừ truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối, thủy điện đa mục tiêu, điện hạt nhân…) với mục đích có thể bán lại điện mặt trời mái nhà dư thừa cho EVN.
Nguyễn Công Thành ·