Ngành dệt may đã trải qua một năm 2020 rất khó khăn với đơn hàng xuất khẩu bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19, thậm chí một số khách hàng lớn ở thị trường xuất khẩu bị phá sản. Bước sang 2021, khi mọi việc tưởng chừng suôn sẻ hơn trong nửa đầu năm thì dịch bệnh tại các tỉnh thành phía Nam lại một lần nữa làm cho ngành dệt may lao đao. Tuy nhiên, giữa bối cảnh u ám đó, một số doanh nghiệp dệt may như TNG, MSH lại nổi lên như điểm sáng của ngành khi hoạt động kinh doanh hầu như không bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Để lý giải cho điều này, chúng tôi lấy TNG làm ví dụ để tiến hành phân tích một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo như chia sẻ từ công ty, các thị trường xuất khẩu lớn nhất của TNG tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ và Châu Âu (Hình 1). Một số khách hàng tên tuổi có thể kể đến như Decathlon, Calvin Klein, Tommy Hilfiger, Nike, Puma, Levi’s…
![image.png](file-guid:4dd707b6-9887-4ce0-93fb-99bebd5f707f "image.png")
Trong năm 2020, khi các thị trường này bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kết quả kinh doanh của TNG cũng bị suy giảm. Mặc dù doanh thu chỉ giảm 3% do TNG nỗ lực kiếm đơn hàng, lợi nhuận sau thuế giảm đến 33% so với 2019 vì TNG chung tay hỗ trợ giảm giá bán cho khách hàng. Thế nhưng khi các nước Bắc Mỹ và Châu Âu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, sự ảnh hưởng của dịch bệnh dần được kiểm soát thì tình hình xuất khẩu của TNG đã khởi sắc trở lại. Điều thú vị là những thông tin về tiêm chủng tại các thị trường này có mối tương quan dương với giá cổ phiếu TNG (thể hiện ở đường xu hướng dốc lên) như ở Hình 2 dưới đây. Chỉ số R2 đều lớn hơn 50% cho thấy tính giải thích của mô hình ở mức khá cao. Có lẽ số người được tiêm vắc xin tăng lên giúp cho các hoạt động bình thường được khôi phục và nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại. Nhờ đó các mặt hàng xuất khẩu của TNG được tiêu thụ nhiều hơn, phản ánh tích cực lên giá cổ phiếu.
![image.png](file-guid:22deb8a7-8fe6-4394-839f-b9baa667811d "image.png")
Lũy kế 9 tháng 2021, TNG đạt doanh thu 4,080 tỷ đồng (+16% YoY) và lợi nhuận sau thuế 169 tỷ đồng (+31% YoY). Trao đổi với doanh nghiệp, chúng tôi được biết kết quả kinh doanh khả quan này có được nhờ hưởng lợi từ sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất đi dưới hình thức FOB (công ty chỉ giao hàng đến cảng Hải Phòng) nên TNG không bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển tăng cao. Tính đến thời điểm này, công ty đã nhận đủ đơn hàng cho cả năm và đang tìm kiếm đơn hàng cho Q1/2022.
Chúng tôi cũng được chia sẻ rằng TNG có thể công bố việc ký hợp đồng những lô diện tích đầu tiên của Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm trong tháng 10/2021, khởi đầu cho bước phát triển sang mảng đầu tư kinh doanh bất động sản khu công nghiệp. Năm nay TNG được dự báo có thể quay về mức lợi nhuận của 2019 (Hình 3). Lợi nhuận 2022 dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh nhờ phục hồi ở mảng dệt may và ghi nhận lợi nhuận từ bất động sản khu công nghiệp.
![image.png](file-guid:09fbe8e9-f038-4d70-bf87-c192a7f92e90 "image.png")
Chúng tôi đã khuyến nghị **MUA** TNG tại mức giá 21,100đ/cp (13/05/2021) và khuyến nghị gia tăng tỷ trọng tại mức giá 28,800đ/cp (05/10/2021). Ở thời điểm hiện tại, P/E forward 2021 đã đạt 12.5x - mức định giá chưa tính đến lợi nhuận từ bất động sản. Bên cạnh đó, tổng hợp các tín hiệu kỹ thuật (Hình 4) cho thấy thị trường vẫn đang mua mạnh cổ phiếu này. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư đã có TNG trong danh mục nên tiếp tục nắm giữ.
![image.png](file-guid:d9212ace-2df5-4d79-a58f-215537b093e3 "image.png")