Năm 2022, thị trường đã chứng kiến 3 đợt nâng lãi suất của FED, tổng cộng 150 điểm cơ bản, xác lập mức cao kỷ lục từ tháng 3/2020. Không dừng lại ở đó, FED đã phát đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7 tới đây. Ngoài ra, khả năng về việc FED bắt đầu chương trình thu hẹp bảng cân đối kế toán trong Q3 năm nay là điều có thể xảy ra khi quy mô mảng cân đối tính tới 22/06/2022 đạt 8.92 nghìn tỷ USD, với kỳ vọng siết thanh khoản thị trường nhằm kiềm chế lạm phát.
Bảng cân đối của FED có 2 thành phần là Tài sản (bao gồm trái phiếu chính phủ, các khoản cho ngân hàng khu vực vay) và Nợ phải trả (bao gồm tiền tệ của Mỹ đang lưu hành). FED có thể thực hiện việc thu hẹp bảng cân đối bằng việc bán tài sản hoặc để tài sản (trái phiếu chính phủ) tự động đáo hạn và không mua vào thêm trái phiếu mới nữa.
Trong quá khứ, việc thu hẹp bảng cân đối của FED chỉ mới diễn ra một lần duy nhất giai đoạn 09/2017 - 09/2019. Khi đó, quy mô bảng cân đối thời điểm bắt đầu thu hẹp đạt 4.46 nghìn tỷ USD. Kết thúc chương trình, quy mô bảng cân đối đạt 3.76 nghìn tỷ USD. Như vậy, trong 2 năm, FED đã rút ra 700 tỷ USD.
Hình 1: Quy mô bảng cân đối kế toán của FED giai đoạn 12/2002 - 06/2022 *(đơn vị: nghìn tỷ USD)*
![image.png](file-guid:01572855-fc27-4f8f-9a40-9970c0162aea "image.png")
*(Nguồn: Federal Reserve Economics Data)*
Cũng trong khoảng thời gian đó, FED đã tiến hành 5 lần nâng lãi suất. Diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ khi đó trái ngược với những gì đại đa số nhà đầu tư suy nghĩ: thị trường chứng khoán tiếp tục tăng sau những lần FED nâng lãi suất đầu tiên, tuy nhiên sau đó thị trường đã đảo chiều giữa năm 2018 sau những đợt tăng lãi suất liên tục qua các quý của năm 2018 và bật tăng trở lại trong năm 2019 khi Mỹ bắt đầu ngưng thu hẹp bảng cân đối và đồng thời tiến hành hạ lãi suất.
*Vậy thị trường Việt Nam đã phản ứng như thế nào trong giai đoạn đó? Bài nghiên cứu này sẽ theo dõi diễn biến của VN-Index trong và sau giai đoạn FED đồng thời nâng lãi suất và thực hiện thu hẹp bảng cân đối (giai đoạn 2 năm 2017 – 2019).*
Trước tiên, chúng tôi tiến hành thu thập thông tin diễn biến của chỉ số VN-Index sau 5 đợt nâng lãi suất trong giai đoạn FED đồng thời thực hiện thu hẹp bảng cân đối từ 09/2017 đến 09/2019 và 5 đợt giảm lãi suất sau thời gian kết thúc chương trình thu hẹp theo các khung thời gian 1, 10, 30, 60 và 90 ngày sau khi sự kiện thay đổi lãi suất được công bố.
**Diễn biến của VN-Index với các đợt nâng lãi suất trong thời gian FED thu hẹp bảng cân đối**
Hình 2 dưới đây đưa ra 2 câu chuyện khác nhau. Trong khoảng thời gian đầu tiên khi FED đồng thời nâng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối (lần nâng lãi suất ngày 14/12/2017), VN-Index dường như không phản ánh tiêu cực với các thông tin này khi chỉ số tăng dần qua các khung thời gian. Tuy nhiên, diễn biến giảm giá của VN-Index bắt đầu rõ ràng hơn sau các đợt FED nâng lãi suất dồn dập kể từ cuối Q1/2018 trải dài cho đến cuối năm 2018.
Hình 2: Diễn biến của chỉ số VN-Index qua các khung thời gian sau ngày FED công bố tăng lãi suất
![image.png](file-guid:4a530c67-7e83-4c48-ac54-5a2097a3713c "image.png")
*(Nguồn: TCBS, TCdata)*
**Diễn biến của VN-Index với các đợt giảm lãi suất sau thời điểm FED ngưng thu hẹp bảng cân đối**
FED kết thúc chương trình thu hẹp bảng cân đối từ tháng 09/2019 (sau giai đoạn khoản hơn 1 năm nâng lãi suất dồn dập) đồng thời tiến hành các đợt giảm lãi suất liên tục ngay sau đó. Quan sát từ Hình 3 cho thấy, trái với dự kiến, chỉ số VN-Index dường như không phản ánh tích cực với các thông tin này khi chỉ số có xu hướng giảm sau các đợt công bố giảm lãi suất.
Tuy nhiên, VN-Index đã phản ánh tích cực sau động thái mạnh mẽ của FED về việc hạ lãi suất thêm 1% vào 16/03/2020 để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ khỏi những tác động tiêu cực của Covid-19. Lưu ý: đây cũng là đợt giảm lãi suất mạnh nhất của FED từ 2005, đưa lãi suất về mức 0 – 0.25%.
Hình 3: Diễn biến của chỉ số VN-Index qua các khung thời gian sau ngày FED công bố giảm lãi suất
![image.png](file-guid:5f5fcf25-f653-403d-aeeb-c9ab06eb3341 "image.png")
*(Nguồn: TCBS, TCdata)*
**Kết luận**:
Trong ngắn hạn, dữ liệu quá khứ chỉ ra rằng chỉ số VN-Index không phản ứng tiêu cực ngay lập tức với thông tin FED đồng thời nâng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối, tương tự như những gì đã xảy ra tại thị trường Mỹ. Nếu các đợt nâng lãi suất xảy ra liên tục, VN-Index sẽ bị ảnh hưởng mạnh theo chiều hướng giảm giá.
Đồng thời, VN-Index cũng không phản ứng tích cực ngay lập tức với các đợt giảm lãi suất của FED, trừ các biến động giảm mạnh và nhanh.
Tuy nhiên, ở hiện tại có một điểm cần lưu ý đó là quy mô bảng cân đối của FED đã đạt 8.92 nghìn tỷ USD và dự đoán quy mô thu hẹp lần này sẽ lớn hơn rất nhiều, khoảng 4.6 nghìn tỷ USD so với 700 tỷ USD giai đoạn 2017-2019, đây có thể coi là một chỉ báo cho việc thu hẹp nhanh bảng cân đối. Đi kèm với các đợt nâng lãi suất liên tục mà Fed đang dự kiến hiện nay, nhà đầu tư cần thận trọng hơn trong các quyết định tham gia thị trường trong ngắn hạn của mình.