Việc Trung Quốc phát đi tín hiệu sẽ tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trước giữa năm 2023 chắc hẳn là thông tin có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi lựa chọn thời điểm cũng như nhóm ngành nào sẽ hồi phục mạnh nhất với tin tức này để tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
Nhìn về số liệu xuất khẩu hàng Việt Nam đi Trung Quốc từ hình 1 có thể thấy, trong giai đoạn 2017 – 2021, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đi Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ nhất vào Q4 hàng năm, với giá trị trung bình khoảng 12 tỷ USD/Quý, cao gấp 1.5 lần so với Q1 và Q2.
Hình 1: Phân bổ giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đi Trung Quốc theo Quý, giai đoạn 2017 - 2022
![image.png](file-guid:f9e9cc3a-8fa9-4754-86dd-fe45bf940ace "image.png")
Trong đó, những nhóm ngành có hoạt động xuất khẩu Trung Quốc sôi nổi trong Q4 điển hình như: Cao su; Hàng dệt may; Hải sản; Xơ, sợi dệt các loại (*Xem hình 2).*
Hình 2: Giá trị xuất khẩu đi Trung Quốc theo mặt hàng và theo Quý (giai đoạn 2017 – 2021) *(tỷ USD)*
![image.png](file-guid:941e47b8-4fab-4ae3-92ac-e7ad3e50880c "image.png")
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc bị ảnh hưởng đáng kể sau khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại quốc gia này. Tuy nhiên, mới đây Trung Quốc phát đi tín hiệu sẽ tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trước giữa năm 2023. Đây chắc hẳn là thông tin có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khoảng thời gian diễn ra dịch bệnh từ cuối năm 2019 đến nay, Trung Quốc đã dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 bằng việc mở cửa trở lại một số cảng biển lớn và điều chỉnh các tiêu chí kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu.
Chúng ta cùng nhìn lại số liệu xuất khẩu sang Trung Quốc sau năm 2019 để xem các ngành nghề xuất khẩu đã cải thiện như thế nào sau khi Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Lấy mốc so sánh là dữ liệu xuất khẩu của 9T/2019, tiến hành so sánh giá trị xuất khẩu 9T của 2020, 2021 và 2022 so với năm 2019, kết quả hình 3 cho thấy, những ngành nghề sau đây đã có sự cải thiện và đang dần quay trở về mốc trước khi có dịch: (1) Cao su; (2) Hải sản; (3) Xơ, sợi dệt các loại.
Ví dụ cụ thể: Đối với xuất khẩu cao su, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su. Trong khoảng thời gian từ 2020 – 2022, xuất khẩu của năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm 39% so với năm 2019. Tuy nhiên, mức độ giảm ngày càng được thu hẹp qua các năm 2021 (-18% so với 2019) và 2022 (-12% so với 2019) khi đất nước này dần nới lỏng chính sách Zero Covid.
Hình 3: So sánh giá trị xuất khẩu 9T của 2020, 2021 và 2022 so với 9T/2019
![image.png](file-guid:3a86b198-ebbf-4960-a667-0de30e523d1c "image.png")
**Kết luận**:
Quý 4 hàng năm là thời gian hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi Trung Quốc diễn ra sôi nổi nhất. Cùng với thông tin về việc Trung Quốc sẽ mở cửa toàn diện nền kinh tế trước giữa năm 2023 sau gần 3 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, có thể nói đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư theo dõi các nhóm ngành cũng như các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu và thị phần lớn tại thị trường Trung Quốc để tìm kiếm các cơ hội đầu tư phù hợp.
Dự kiến các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành như: Cao su (DRI, DPR, …); Hải sản (IDI, ANV, …); Xơ, sợi dệt các loại (STK, VGT, …) sẽ có triển vọng bật tăng mạnh mẽ khi Trung Quốc mở cửa trở lại khi giá trị xuất khẩu của các nhóm này hiện đang dần quay về mốc trước dịch.
Nguyễn Công Thành ·