![image.png](file-guid:3331942b-9aaa-46e8-ae92-470d9f52b799 "image.png")
Ngày 30/03/2022, VCI đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông 2022 để thông qua các nội dung quan trọng sau:
1\. Kế hoạch kinh doanh 2022:
\- Doanh thu 3,240 tỷ đồng (-12.6% YoY)
\- Lợi nhuận trước thuế 1,900 tỷ đồng (+2.7%YoY)
\- Các hợp đồng tư vấn có giá trị giao dịch khoảng 40,000 tỷ đ ở lĩnh vực BĐS, năng lượng sạch, công nghệ…
\- Đẩy mạnh hoạt động môi giới bán lẻ và tham gia vào thị trường trái phiếu với tư cách là bên tư vấn phát hành và nhà phân phối
2\. Phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12,500đ/cp
3\. Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 10:3
4\. Thành lập công ty con tại Singapore với vốn đầu tư 2 triệu USD
5\. Bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát
Tại đại hội, ban lãnh đạo công ty đã chia sẻ rằng thị trường M&A năm 2022 sẽ đôi chút khó khăn hơn nhưng thị trường IPO sẽ bùng nổ do các doanh nghiệp có nhu cầu niêm yết và huy động vốn lớn.
Việc thành lập công ty tại Singapore nhằm mục đích phục vụ việc niêm yết của các khách hàng trong lĩnh vực công nghệ do một số quy định khắt khe phải đáp ứng trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán và định giá của các công ty này chưa được đánh giá đúng tại thị trường Việt Nam. Hình thức giúp các khách hàng của mình niêm yết trên thị trường nước ngoài sẽ thông qua mô hình Công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC-được hình thành để huy động vốn thông qua chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và sử dụng số tiền mặt đó để mua lại một công ty tư nhân, với mục tiêu đưa công ty tư nhân này lên sàn chứng khoán trong khoảng thời gian 2 năm).
Đối với khoản đầu tư IDP và Napas, VCI vẫn tiếp tục coi đó là các khoản đầu tư dài hạn và chưa có ý định thoái vốn trong năm nay và năm sau. IDP hiện đang có kết quả kinh doanh tương đối tốt nhờ việc đẩy mạnh digital marketing đã giúp công ty tăng cường nhận diện thương hiệu với chi phí hợp lý.
Ban lãnh đạo công ty cũng thừa nhận rằng thị phần môi giới của VCI đi lùi do thời gian trước đây công ty chưa chú trọng đẩy mạnh môi giới khách hàng cá nhân. Năm 2022, VCI sẽ sẽ tập trung phát triển mảng này bằng nhiều hoạt động đồng bộ như đầu tư vào công nghệ và cho vay ký quỹ, kết hợp bán chéo sản phẩm, mở thêm chi nhánh, tận dụng đội ngũ phân tích nghiên cứu mạnh để phục vụ khách hàng cá nhân. Thị phần môi giới 2022 có thể tiếp tục bị giảm trước khi tăng trở lại vào 2023 khi bộ core lõi đi vào hoạt động chính thức. VCI đặt mục tiêu duy trì dư nợ margin trên 10,000 tỷ đồng năm nay.
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên VCI chính thức bước chân vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng tư vấn 800 tỷ đồng. Mục tiêu 2022 sẽ là 5,000 tỷ đồng khối lượng trái phiếu được tư vấn chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng. Trao đổi với doanh nghiệp, chúng tôi được biết sản phẩm trái phiếu được phân phối đến khách hàng cá nhân và đây chính là một trong những lý do VCI phải đẩy mạng mảng môi giới bán lẻ. Hiện doanh nghiệp chưa hợp tác về vấn đề phân phối trái phiếu với ngân hàng hay bên thứ ba nào.
Mặc dù lợi nhuận trước thuế đề ra ở mức tương đối thận trọng và không có tăng trưởng nhiều so với 2021, ban lãnh đạo cũng tiết lộ lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm khoảng 1,100 tỷ đồng (550 tỷ đồng mỗi quý) tương đương tăng trưởng 27% YoY.
Chúng tôi thấy rằng VCI là một trong số ít các CTCK thực sự đi lên bằng nội lực của mình. Trong khi đa số các CTCK phải chạy đua phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn thì VCI chưa sử dụng hình thức này từ 2017 mà chỉ hoàn toàn sử dụng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Với chiến lược mới về môi giới bán lẻ và trái phiếu, VCI vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển bên cạnh mảng tư vấn tài chính vẫn rất mạnh. Những khoản đầu tư dài hạn của công ty (IDP, Napas) đã mang lại nhiều lợi nhuận chưa thực hiện cho công ty mà nếu hiện thực hóa các khoản này thì lợi nhuận thực hiện của VCI sẽ còn tăng trưởng tốt hơn nữa. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường chứng khoán rung lắc như hiện nay có lẽ nhà đầu tư vẫn chỉ nên tiếp tục quan sát với VCI.