Khác với trường phái đầu tư và nắm giữ dài hạn với kỳ vọng cổ phiếu có cơ bản tốt, sẽ tăng giá dần dần, giao dịch Trading thường tập trung mua vào và bán ra trong thời gian ngắn hoặc rất ngắn. Câu hỏi đặt ra là liệu có tồn tại thời điểm tốt nhất trong ngày, trong tuần, trong tháng hay trong năm để mua vào hoặc bán ra cổ phiếu không?
Một số quan điểm cho rằng ngày giao dịch đầu tiên trong tuần (thường là thứ Hai) là thời điểm thích hợp để mua cổ phiếu sau khi 1 số lượng lớn tin xấu có thể đã tung ra vào cuối tuần – được gọi là “Hiệu ứng thứ Hai” (“Monday effect”).
Monday effect cho rằng lợi nhuận của thị trường chứng khoán vào thứ Hai tuần tiếp theo, sẽ đi theo các xu hướng phổ biến của thứ Sáu tuần trước. Theo lý thuyết, nếu thị trường đang trên đà tăng vào thứ Sáu, có khả năng tiếp tục tăng vào thứ Hai và ngược lại.
Để xác định một chỉ số đại diện cho xu hướng chung của thị trường, bài nghiên cứu này lựa chọn chỉ số VNIndex làm thước đo. Thời gian nghiên cứu là từ khi thành lập năm 2000 cho đến hiện tại. Phương pháp xác định điểm mua như sau:
(1) Phiên ngày thứ Sáu của tuần kế trước là phiên có giá cao nhất (Highest price) trong tuần
(2) Mua vào phiên thứ Hai của tuần kế tiếp đó
**Hình 1. Thống kê số lượng các ngày có giá cao nhất tuần**
![image.png](file-guid:6b61e881-e7fb-428a-b1aa-0da813de5825 "image.png")
*Nguồn: TCBS, TCData*
Thống kê từ Hình 1 chỉ ra rằng, thứ Hai và thứ Sáu thường là những ngày có giá cao nhất trong tuần đó với tần suất lần lượt là 31.16% và 33.00%. Trong phạm vi bài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ chỉ xác định những điểm mà thứ Sáu có giá cao nhất (sau đây gọi là “Ngày có tín hiệu Mua”)
**Hình 2. Bảng minh họa xác suất tăng/giảm tại Ngày có tín hiệu Mua**
![image.png](file-guid:a3245576-feb1-4289-95f1-cc8f3d417ef9 "image.png")
*Nguồn: TCBS, TCData*
Từ Hình 2, trong 395 tín hiệu mua của giai đoạn 2000 – 2022, xác xuất của chiến lược này đem lại thành công cao > 60% ở các khung thời gian T+3 đến T+10, tuy nhiên có dấu hiệu giảm trong các khung thời gian dài hơn. Điều thú vị là, khi thời gian nắm giữ càng dài thì tỷ suất đầu tư trung bình trong trường hợp lãi sẽ càng cao hơn tỷ suất đầu tư trung bình trong trường hợp lỗ, với tỷ lệ Tỷ suất trung bình Lãi/Lỗ tăng từ mức 1.02 vào T+1 lên 2.03 vào T+60.
**Hình 3. Tỷ suất sinh lời kể từ khi xuất hiện Ngày có tín hiệu Mua**
![image.png](file-guid:b64c3f68-08a6-4202-bb9e-ada50f5dac2c "image.png")
*Nguồn: TCBS, TCData*
Dựa vào biểu đồ boxplot tại Hình 3, tất cả các trung vị (thể hiện sự phân tán của 50% số phần tử/kết quả) đều nằm phía trên mức 0% - đại diện cho tỷ suất sinh lời trung bình dương của VNIndex từ Ngày có tín hiệu Mua.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kiểm định chiến lược này liệu có đúng trong điều kiện thị trường Downtrend bằng việc tách riêng năm 2008-2009 và 2018-2019.
**Hinh 4. Xác suất tăng/giảm từ Ngày có tín hiệu Mua trong thị trường Downtrend**
![image.png](file-guid:abadf3d5-3998-4477-9c19-d761a95a92c8 "image.png")
*Nguồn: TCBS, TCData*
Kết quả từ bảng thống kê Hình 4, trong ngắn hạn T+1 đến T+5, chiến lược này vẫn hiệu quả, tỷ lệ Lãi/lỗ vẫn ở mức tăng theo thời gian. Trái ngược với giao dịch ngắn hạn, với thời gian nắm giữ dài hơn từ T+10 đến T+60 có khá nhiều rủi ro khi xác suất giảm càng cao và tỷ lệ Lãi/lỗ càng thấp. Việc này có thể hiểu rằng, trong Downtrend tâm lý NĐT khá tiêu cực, việc nắm giữ dài hạn mà không có các yếu tố cơ bản hỗ trợ sẽ dẫn đến tỷ suất sinh lời âm.
**Kết luận:** Nghiên cứu cho thấy, nếu nhìn trên một chỉ số tổng quan toàn thị trường như VNIndex, trading theo lý thuyết Monday Effect khá tốt trong các điều kiện thị trường khác nhau, đặc biệt trong khung thời gian ngắn hạn từ T+1 (trading phái sinh) đến T+5.
Mặc dù vậy, đây cũng là chiến lược tiềm ẩn những rủi ro mà nhà đầu tư không thể biết trước, khi thị trường chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào những tin tức vĩ mô, cung – cầu, ngành, doanh nghiệp,… Nhà đầu tư nên kết hợp điều kiện thị trường với các yếu tố cơ bản của riêng Doanh nghiệp, chọn lọc những Doanh nghiệp có nội tại và tình hình tài chính tốt để đem lại hiệu quả sinh lời tốt nhất.
Phan Thị Thanh Thanh ·