Theo đánh giá từ Ban lãnh đạo của TAR, Công ty đã chủ động duy trì lượng tồn kho lớn để đón đầu xu hướng giảm của nguồn cung lương thực toàn cầu khi Ấn Độ giảm lượng xuất khẩu. Việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ thúc đẩy người mua tìm đến các thị trường cung khác, trong đó có Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thể được hưởng lợi phần nào từ thông tin này.
Theo báo cáo tháng 8 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo hạ sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512.4 triệu tấn, giảm 2.3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1.2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022 do sản lượng giảm tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu; đồng thời điều chỉnh tăng ước tính xuất khẩu gạo của Việt Nam, Parkistan và Thái Lan. Với dự báo như trên, ngành gạo Việt Nam có thể sẽ có nhiều cơ hội để tăng cả lượng và giá.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên chú ý đến các diễn biến tại Philipines khi đây là thị trường đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47.7% trong tổng lượng và chiếm 45.6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Mới đây, 21/09/2022, Philipines công bố đã tăng dự trữ đủ lượng gạo cần thiết cho đến năm sau. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến lượng xuất khẩu những tháng cuối năm của TAR cũng như các công ty khác trong ngành.
Đôi nét về tình hình kinh doanh và động lực phát triển của TAR: Lũy kế 6T/2022, doanh thu thuần và LNST lần lượt là 1,723 tỷ đồng (+40% YoY, đạt 49% kế hoạch) và 51 tỷ đồng (+162% YoY, đạt 46% kế hoạch). Biên lãi cải thiện lên 10% từ mức 8% năm 2021 nhờ định hướng phát triển gạo thương hiệu với 2 dòng sản phẩm chính đã tạo được chỗ đứng trên thị trường là Gạo sạch Trung An và Gạo hữu cơ Trung An. Triển vọng trung dài hạn đến từ kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng cao tại vùng tứ giác Long Xuyên giai đoạn 2021-2025 và hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp.