Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, lạm phát ở mức cao; xu hướng tăng lãi suất, chính sách thắt chặt tiền tệ và sự truyền thông liên tục về nguy cơ suy thoái toàn cầu. Trong nước, thị trường vốn suy giảm, giới hạn room tín dụng cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước cấp hàng năm đã được sử dụng hết, lãi suất tăng cao với tốc độ nhanh, tỷ giá có xu hướng tăng, các chính sách liên quan chưa được tháo gỡ… dẫn đến tâm lý lo ngại về cổ phiếu và nhóm ngành hoạt động của DIC Corp, giá cổ phiếu suy giảm liên tục dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư mất kiên nhẫn và bán tháo trên diện rộng với cả nhiều mã cổ phiếu khác thuộc cùng nhóm ngành hoạt động.
Ngoài việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hoàn thiện pháp lý phát triển Dự án, DIG đang làm gì để hỗ trợ nhà đầu tư?
**Mua lại trái phiếu trước hạn**
Đồng thời, DIC Corp cũng thông qua kế hoạch mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn với mã trái phiếu là DIGH2124002 và DIGH2124003, thời gian dự kiến mua là ngày 10/11 và nguồn vốn thực hiện là từ nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn vốn khác.
Trước đó, ngày 8/11, DIC Corp thay đổi 110 triệu cổ phiếu DIG làm tài sản đảm bảo thành 79,2 triệu cổ phiếu, tức giảm 30,8 triệu cổ phiếu. Trong đó, bên thứ ba bị bán giải chấp 55 triệu cổ phiếu DIG và thế chấp bổ sung 24,2 triệu cổ phiếu DIG từ việc chia cổ tức và cổ tức thưởng.
Đồng thời, Công ty cũng đã phải bổ sung 80 bất động sản tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai làm tài sản đảm bảo thay cho 3 lô trái phiếu thay thế cho 55 triệu cổ phiếu của bên thứ ba vừa bị bán giải chấp.
Điểm đáng lưu ý, tài sản đảm bảo của 3 lô trái phiếu trên là toàn bộ tài sản, quyền tài sản và các quyền, lợi ích hiện hữu và phát sinh trong tương lai từ việc đầu tư, phát triển, khai thác tiêu thụ sản phẩm Dự án Khu Đô thị du lịch Long Tân với diện tích 331,9 ha tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai; và cổ phiếu DIG và toàn bộ lợi tức, cổ tức phát hành từ số cổ phiếu thế chấp tại Ngân hàng mà Công ty sở hữu.
Theo tìm hiểu, tính tới 30/9/2022, DIC Corp đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 5.301,99 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng nguồn vốn và bằng 70,5% vốn chủ sở hữu. Trong đó, Công ty thuyết minh có tổng dư nợ 3.417,34 tỷ đồng trái phiếu.
Công ty thuyết minh trái phiếu DIGH2124001 phát hành ngày 16/09/2021 với tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 16/9/2024; trái phiếu DIGH2124002 phát hành ngày 30/9/2021 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 30/9/2024; và lô trái phiếu DIGH2124003 phát hành ngày 26/11/2021 với tổng mệnh giá 1.500 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 26/11/2024.
Trong đó, lãi suất được áp dụng 2 kỳ 6 tháng đầu tiên là 11%/năm cho 3 lô trái phiếu, các kỳ sau được tính là 4,25% cộng với lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân 12 tháng tại Ngân hàng HDBank nhưng không thấp hơn 10%/năm.
**Gia đình Chủ tịch liên tục bị bán giải chấp sau lời hứa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu**
Cụ thể, trong các ngày 4/11, 7/11, 8/11 và 9/11, ông Nguyễn Thiện Tuấn cho biết đã bán ra 9.417.600 cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 9,59% về còn 8,04% vốn điều lệ. Trong đó, lý do được đưa ra là do công ty chứng khoán bán giải chấp.
Trước đó, từ ngày 27/10 đến 28/10, ông Nguyễn Thiện Tuấn và con trai là Nguyễn Hùng Cường cũng đã bị bán giải chấp 4.424.950 cổ phiếu DIG.
Như vậy, theo thông báo từ DIC Corp tới ngày 10/11, ông Nguyễn Thiện Tuấn và con trai Nguyễn Hùng Cường đã bị bán giải chấp 13.842.550 cổ phiếu DIG, tương ứng 2,27% vốn điều lệ.
Điểm đáng lưu ý, tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 12/10/2022, ông Nguyễn Thiện Tuấn đã tỏ ra bất ngờ khi giá cổ phiếu DIG liên tục giảm trong thời gian qua. Ông Tuấn cho biết, con gái ông (Nguyễn Thị Thanh Huyền) đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu và khẳng định nếu giá cổ phiếu DIG sau ngày 30/10 vẫn dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, bản thân ông sẽ đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, tính tới ngày 10/11, vẫn chưa có động thái đăng ký mua như lời hứa của ông Nguyễn Thiện Tuấn ngày 12/10/2022 với cổ đông. Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Thiện Tuấn liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu DIG.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chỉ mua được 4.571.000 cổ phiếu trong tổng đăng ký 20 triệu cổ phiếu, tỷ lệ mua so với đăng ký là 22,9%, thời gian giao dịch từ ngày 7/10 đến 4/11. Như vậy, sau giao dịch bà Huyền nâng sở hữu từ 3,61% lên 4,36% vốn điều lệ. Lý do được đưa ra là không thu xếp kịp tài chính.
Thực tế, từ đầu năm tới nay, ông Nguyễn Hùng Cường, anh trai bà Nguyễn Thị Thanh Huyền liên tục đăng ký mua nhưng chỉ mua với tỷ lệ rất nhỏ hoặc không mua vào cổ phiếu với lý do "giá thị trường không phù hợp" hoặc "không thu xếp kịp tài chính".