BNF - trader huyền thoại Nhật Bản có tên thật là Takashi Kotegawa, một biệt danh khác là J-Com man, sinh ngày 5 tháng 3 năm 1978, tại Ichikawa, Chiba, Nhật Bản. Tổng giá trị tài sản tính đến năm 2008 vào khoảng 185 triệu USD. Truyền thông Nhật Bản ước tính, vào năm 2019, Takashi đã có thể trở thành tỷ phú tự thân, sở hữu khối tài sản 200 tỷ Yên (khoảng 1.8 tỷ USD).
Bắt đầu giao dịch vào khoảng năm 2000 ở trường đại học chỉ với 13,000 USD, BNF sau đó đã bỏ học để tập trung vào Day trading (giao dịch trong ngày). Sau một năm rưỡi, ông đã biến số tiền ban đầu đó của mình thành 1 triệu USD.
BNF nổi tiếng vào năm 2005 khi kiếm được 20 triệu đô la chỉ trong một lần trade, khi Mizuho Securities nhập nhầm lệnh bán 610,000 cổ phiếu của JCOM với giá 1 yên thay vì bán 1 cổ phiếu với giá 610,000 yên. Lệnh bán khổng lồ khiến giá cổ phiếu JCOM lao dốc, và BNF đã mua vào 7,100 cổ phiếu JCOM khi giá giảm, mạo hiểm một nửa trong tổng số vốn 80 triệu đô của mình thời điểm đó. Ngay sau khi giá tăng trở lại trong ngày, BNF bán một phần vị thế của mình và nắm giữ một số cổ phiếu qua đêm. Ông được cho là đã kiếm được hơn 17 triệu đô la vào cuối giao dịch đó.
Là một người khá kín tiếng, gần như không bao giờ xuất hiện trên truyền thông, tuy nhiên, theo như những “comment” của BNF tại các phòng chat, chúng ta có thể tổng hợp lại những điểm nổi bật trong phương pháp giao dịch của ông như sau:
\- BNF là một nhà đầu cơ ngắn hạn điển hình, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu quá bán và cổ phiếu mới IPO. Thời gian nắm giữ cổ phiếu thường chỉ kéo dài từ 1 ngày đến 1 tuần, nhiều nhất là 10 ngày.
\- Chủ yếu “long” (mua vị thế) và không sử dụng margin (ký quỹ), ngay cả khi danh mục đầu tư còn nhỏ.
\- Sử dụng Mô hình nến Nhật để xác định xu hướng thị trường.
\- Không quan tâm đến các chỉ số P/E hay P/B, do không nắm giữ lượng cổ phiếu nhất định trong thời gian dài. BNF từng nói: “Tôi không biết hướng đi trong tương lai của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Tôi không bao giờ quan tâm đến các điều kiện thị trường dài hạn”.
\- Kiếm tiền trong thị trường con gấu (bear market) dễ hơn nhiều thị trường con bò (bull market).
Thời điểm mới tham gia thị trường, phong cách giao dịch của BNF là ngược xu hướng (contrarian investing) bằng cách mua những cổ phiếu di chuyển xa khỏi đường trung bình động 25 ngày (đường giá nằm dưới đường MA25). Tuy nhiên, khi danh mục đầu tư tăng lên và không còn có thể vào/thoát lệnh nhanh chóng, BNF đã phải thay đổi phong cách của mình sang giao dịch theo xu hướng (trend following).
Dù vậy, không thể phủ nhận, chính phong cách giao dịch ngược xu hướng đó là điểm tạo nên bước đệm ban đầu cho việc gia tăng tài sản của BNF. Liệu phương pháp thoạt nhìn rất đơn giản này có thể thành công tại thị trường Việt Nam? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi thực hiện phân tích hiệu quả của chiến lược này bằng cách sử dụng dữ liệu giao dịch của tất cả cổ phiếu giao dịch tại sàn tp. Hồ Chí Minh (HOSE), trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến hết năm 2021.
Tín hiệu mua vào cổ phiếu là khi giá thấp nhất trong ngày của cổ phiếu đó giảm xuống dưới 20% đường trung bình động MA25, sau đó hiệu quả của chiến lược sẽ được đo lường tại thời điểm từ 3 đến 10 ngày giao dịch, đúng như khung thời gian nắm giữ đã nói trên của BNF. Với khung thời gian 21 năm kể từ ngày thị trường chứng khoán Việt Nam vận hành, chúng tôi thu được hơn 10,000 tín hiệu mua và hiệu quả chiến lược được thể hiện trong 3 bảng dưới đây.
![image.png](file-guid:c954c0c1-6e92-448f-be2a-2473e7b224a3 "image.png")
Bảng 1 cho thấy tỷ lệ số phiên tăng và tỷ lệ số phiên giảm đối với khung thời gian nắm giữ T+3 đến T+10 khá ổn định, với \~58% số phiên tăng giá và \~38% số phiên giảm. Cho thấy xác suất sinh lời của chiến lược là tương đối tốt.
![image.png](file-guid:eaf78de5-1eb6-4579-aa3a-c6739c26ce0c "image.png")
Về lợi nhuận của chiến lược, mức tăng giá bình quân tại cả 8 khung thời gian đều cao hơn mức giảm giá bình quân, khoảng 1%-1.5%, tỷ lệ tăng/giảm giá bình quân cũng ổn định ở mức 1.2 lần. Tỷ lệ sinh lời bình quân cũng là khá hấp dẫn với \~8.4% nếu nắm giữ 3 ngày (“hàng” vừa về bán ngay) và tăng dần nếu nắm giữ qua các khung thời gian cao hơn.
![image.png](file-guid:b16ce791-6a15-4a1f-9cd4-3615a11b3a0f "image.png")
Tuy nhiên, kết quả thu được từ bảng 3 lại cho thấy tỷ lệ lợi nhuận/ngày nắm giữ có xu hướng giảm dần khi nắm giữ trong các khung thời gian lâu hơn, có thể nói, cách tối ưu để giao dịch theo chiến lược của BNF là nắm giữ càng ngắn càng tốt.
**Kết luận:** bài nghiên cứu trên cho thấy giao dịch ngược xu hướng dựa trên mức độ phân kỳ của giá và đường trung bình động MA25 là chiến lược có một mức sinh lời tương đối tốt, với tỷ lệ thành công vượt mức 50% (\~60%). Dù vậy, có thể nói để đạt được mức hiệu suất ấn tượng như trader “huyền thoại” BNF lại là điều vô cùng khó khăn. Điều này có thể đến từ điểm khác biệt rất lớn giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với đặc trưng là giao dịch T+3, trong khi thị trường chứng khoán Nhật Bản cho phép mua bán trong ngày.
Ngoài ra, theo 1 comment của BNF, việc giao dịch ngược xu hướng sẽ có hiệu quả tốt hơn nếu thị trường chung đang là thị trường con gấu (bear market), đồng thời mỗi nhóm ngành cụ thể sẽ cần một mức độ phân kỳ (độ lệch giữa giá cổ phiếu và MA25) khác nhau (bài nghiên cứu đang chỉ sử dụng mức độ phân kỳ là 20%).
Với phạm vi một bài nghiên cứu ngắn, tạm thời chúng tôi chỉ đề cập tới hiệu quả sinh lời chung của chiến lược cho toàn bộ thị trường chứ chưa đi sâu vào từng nhóm ngành cũng như các mức độ phân kỳ khác nhau. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc phần 2 của chuỗi bài nghiên cứu về phong cách giao dịch của BNF, kính mong quý độc giả sẽ tiếp tục theo dõi.