**Chỉ báo MACD và MACD Histogram là gì?**
MACD là viết tắt của Moving Average Convergence Divergence – Đường trung bình động hội tụ phân kỳ. Cụ thể, đường MACD được tính toán và xây dựng dựa trên ba thành phần:
\+) Đường MACD (MACD Line)
\+) Đường tín hiệu (Signal Line)
\+) Histogram MACD: được biểu diễn dưới dạng biểu đồ cột, được xác định bằng hiệu số giữa đường MACD – đường Signal.
**Cách sử dụng tín hiệu phân kỳ MACD Histogram**
Tín hiệu này xảy ra ít thường xuyên và thường đánh dấu các điểm đảo chiều lớn. Do vậy, đây có thể coi là một trong những ứng dụng quan trọng nhất của chỉ báo MACD Histogram.
Cụ thể, khi diễn biến giá cổ phiếu và MACD Histogram trái ngược nhau, tín hiệu phân kỳ xuất hiện và giá có thể sẽ thay đổi hướng trong tương lai:
\+) Khi giá đang tạo ra các đỉnh cao dần, nhưng MACD Histogram hình thành các đỉnh thấp dần, một **phân kỳ giảm** được hình thành (Bearish MACD Divergence), báo hiệu đà tăng có thể kết thúc và giá quay đầu giảm xuống.
\+) Ngược lại, khi giá tạo ra các đáy thấp dần, nhưng MACD Histogram lại xuất hiện những đỉnh cao dần thì một **phân kỳ tăng** sắp diễn ra (Bullish MACD Divergence), báo hiệu giá có thể quay đầu tăng mạnh mẽ (ví dụ đồ thị dưới với mã HAG tại ngày 20/06/2022, sau khi hình thành tín hiệu phân kỳ dương tại điểm C, giá cổ phiếu liên tục gia tăng mạnh mẽ và đạt mức giá cao nhất 14,600 ngày 23/09/2022, tương đương mức tăng gần 100%)
![image.png](file-guid:289e8710-0d29-4185-9d4d-42e7c55f20c4 "image.png")
(\*) 4 mũi tên màu xanh là thời điểm tín hiệu phân kỳ xảy ra
*Nguồn: TCPrice*
Để kiểm nghiệm sự hiệu quả của chiến lược MUA theo tín hiệu phân kỳ tăng, chúng tôi khảo sát toàn bộ các mã cổ phiếu trong giai đoạn 10 năm trở lại đây kể từ năm 2012. Ngoài ra, chúng tôi cũng loại bỏ những mã có thanh khoản quá thấp, chỉ lấy những mã có khối lượng giao dịch từ 100,000 cổ phiếu/phiên trở lên, kết quả thu được tổng cộng \~4,400 tín hiệu.
Sau đó, thực hiện đo lường biến động giá cổ phiếu sau ngày xảy ra tín hiệu 3 phiên, 5 phiên, 10 phiên, 20 phiên và 50 phiên, kết quả thu được thể hiện ở bảng dưới:
![image.png](file-guid:29e31b63-7609-43f0-b47e-869b5c73e6a1 "image.png")
*Nguồn: TCData, TCBS*
Bảng tổng hợp trên cho thấy tín hiệu giao dịch này không đem lại hiệu quả cao, đặc biệt trong ngắn hạn với xác suất có lãi tại T+3 đến T+10 chỉ \~42%, trong khi xác suất thua lỗ lại khác cao (48% - 51%). Mức lãi trung bình chỉ cao hơn không đáng kể mức lỗ trung bình.
Hiệu quả của chiến dịch chỉ tốt hơn nếu nắm giữ trong trung hạn từ T+20 đến T+50, với xác suất có lời tăng lên mức 46%. Chênh lệch giữa lãi và lỗ bình quân cũng tăng lên ở mức đáng kể hơn với \~1% nếu nắm giữ 20 ngày và \~5% nếu nắm giữa 50 ngày.
Nguyên nhân dẫn đến xác suất có lời không thực sự ấn tượng của tín hiệu này là do chúng vẫn tương đối “nhiễu”, cổ phiếu có thể sinh ra nhiều tín hiệu phân kỳ tăng trước khi tạo đáy, NĐT tham gia cổ phiếu quá sớm đôi khi sẽ phải chịu thua lỗ từ giao dịch. Ở ví dụ trên về cổ phiếu HAG, trước khi tạo ra 1 phân kỳ tăng tin cậy tại điểm C, trong giai đoạn giá rơi từ A về B, cổ phiếu đã liên tục tạo ra 3 tín hiệu phân kỳ tăng (3 mũi tên màu xanh tại vị trí được khoanh tròn). Nếu mua HAG trong những thời điểm này, NĐT có thể phải đối mặt rủi ro giảm giá lên tới gần 20%.
**Kết luận**
Như vậy, mặc dù tín hiệu phân kỳ tăng có thể đem đến lợi nhuận rất lớn cho NĐT, mức sinh lời bình quân và xác suất sinh lời bình quân thu được đều không quá cao. Do đó, NĐT nên thận trọng khi áp dụng bất cứ chiến lược nào khi “bắt đáy” cổ phiếu, tuân thủ chặt kỷ luật và “cắt lỗ” khi cần thiết để tránh khỏi việc tham gia quá sớm vào cổ phiếu trong giai đoạn giảm giá.
Happy investing!!!