2021 là năm đầy cảm xúc thị trường chứng khoán Việt Nam khi chứng kiến chỉ số VN-Index liên tục chinh phục những đỉnh cao mới, với thanh khoản vượt trội trung bình nhiều năm trước. Đóng góp chính vào sự bùng nổ của thị trường được cho là đến từ những nhà đầu tư mới (F0) khi lượng tài khoản mở mới duy trì ở mức cao, tháng sau cao hơn tháng trước trong hầu hết cả năm 2021. Đỉnh điểm, riêng trong tháng 11, lượng tại khoản mở mới vượt 200,000 tài khoản, cao hơn con số của cả năm 2019.
Đặc điểm chung của những nhà đầu tư mới tham gia thị trường đó là họ thường mua bán theo tin tức, theo các "nhóm phím hàng" hoặc thuần túy dựa trên biến động giá cổ phiếu mà không có bất kỳ chiến lược cụ thể nào. Trong thị trường giá tăng như giai đoạn đầu năm 2021, việc mua bán này mang lại hiệu quả đầu tư khá tốt, tuy nhiên, khi thị trường biến động mạnh hoặc giảm giá mạnh, nhà đầu tư F0 thường sẽ đưa ra những quyết định nóng vội, sai lầm hoặc mua bán liên tục.
Trong khi đó, những nhà đầu tư có kinh nghiệm, những nhà đầu tư tổ chức hoặc tự doanh của công ty chứng khoán thì khác, họ thường đưa ra những quyết định có phần ngược chiều đối với đám đông nhà đầu tư F0. Chúng tôi cho rằng, những NĐT F0 nên dành thêm thời gian tìm hiểu về hành vi giao dịch của các nhóm nhà đầu tư trên để xây dựng chiến lược đầu tư cho riêng mình. Và một chỉ báo có thể theo dõi một cách dễ dàng nhất đó chính là giao dịch của khối tự doanh các công ty chứng khoán tại những ngày thị trường biến động mạnh.
Ví dụ như phiên giao dịch ngày 08/06/2021, đây là phiên giao dịch chứng kiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc với mức giảm 38.9 điểm, tương đương 2.9%, số mã giảm áp đảo hoàn toàn số mã tăng với tỷ lệ 321/94. Tuy nhiên, trong khi phần đông nhà đầu tư “hoảng loạn” bán ra, khối tự doanh lại mua ròng mạnh với giá trị mua ròng lên tới \~380 tỷ đồng. Tác nhân chính khiến thị trường chung giảm điểm trong phiên là nhóm cổ phiếu ngân hàng, tuy vậy, đây lại là nhóm được tự doanh mua ròng nhiều nhất.
Chốt phiên 11/06/2021, thị trường phục hồi mạnh về mức 1,351 điểm, các mã sinh lời lớn nhất giai đoạn 4 ngày từ 08-11/06 chính là các mã ngân hàng. Có thể nói, khối tự doanh đã khá thành công trong việc “bắt đáy” ngắn hạn.
Điều này đặt ra câu hỏi, các giao dịch ngược chiều thị trường như “bắt đáy” - “bán đỉnh” của nhóm tự doanh liệu có là một chỉ báo về khả năng đảo chiều của thị trường. Do vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu hành vi giao dịch nhóm tự doanh từ tháng 06/2013 đến tháng 06/2021 để xác định lợi nhuận bình quân của nhóm này sau khi thực hiện “bắt đáy” và “bán đỉnh”. 2 hành vi này được định nghĩa như sau:
* **Bắt đáy:** tự doanh mua ròng khi thị trường chung sụt giảm trên 1.5%, tổng giá trị mua của nhóm tự doanh chiếm trên 3% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường (do 70% các giao dịch của nhóm tự doanh thấp hơn 3% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường).
* **Bán đỉnh:** tự doanh bán ròng khi thị trường VNIndex tăng trên 1.5%, tổng giá trị bán của nhóm tự doanh chiếm trên 3% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Hai đồ thị dưới đây lần lượt mô tả lợi nhuận bình quân sau 3 phiên, 5 phiên, 7 phiên, 10 phiên, 20 phiên, 30 phiên và 50 phiên kể từ ngày “bắt đáy” – “bán đỉnh” của nhóm tự doanh.
![image.png](file-guid:047f9dd6-3810-4170-b179-f41289437952 "image.png")
*(\*) Lợi nhuận càng cao màu càng đậm.*
Với lợi thế là nhà đầu tư tổ chức, nhiều kinh nghiệm, có lợi thế về thông tin cũng như công cụ so với các nhóm nhà đầu tư khác, khá dễ hiểu nếu kỳ vọng giao dịch của nhóm tự doanh cho thấy sự vượt trội khi “bắt đáy” cũng như “bán đỉnh”. Tuy nhiên, đồ thị trên cho thấy lợi nhuận từ những giao dịch ngược chiều thị trường của tự doanh chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, khi nhóm này thực hiện “bắt đáy” thì lợi nhuận bình quân từ ngắn hạn đến trung hạn chỉ từ 0.06% đến 4.54%, còn khi bán đỉnh thì thị trường bình quân hầu như không giảm trong cả ngắn hạn và trung hạn.
**Đồ thị tần suất lợi nhuận giao dịch của nhóm tự doanh**
![image.png](file-guid:4d7c66bb-8e1d-4b9c-84d9-dac19c969432 "image.png")
Đồ thị tần suất lợi nhuận phía trên tiếp tục cho thấy tín hiệu giao dịch dựa trên mua/bán ròng của tự doanh không phải lúc nào cũng hiệu quả. Cụ thể, xác suất đạt được lợi nhuận dương khi tự doanh “bắt đáy” bình quân chỉ đạt khoảng 55%, trong khi xác suất thị trường giảm điểm khi “bán đỉnh” bình quân chỉ 30%, con số tương đối thấp.
**Bảng xác suất hiệu quả giao dịch của nhóm tự doanh**
![image.png](file-guid:20917769-7eff-46b6-8cde-4406a979b3bc "image.png")
**Kết luận:** từ nghiên cứu trên, có thể thấy, tín hiệu giao dịch dựa trên mua/bán ròng của nhóm tự doanh không phải lúc nào cũng là chỉ báo về tiềm năng đảo chiều của thị trường, khác hẳn với những suy nghĩ thông thường về nhóm nhà đầu tư này. Các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không nên đặt quá nhiều niềm tin khi tự doanh có những giao dịch ngược chiều mà nên phân tích thị trường, cổ phiếu đang nắm giữ một cách tổng thể, qua đó xác định các biện pháp quản lý rủi ro cần thiết để đảm bảo an toàn danh mục hoặc tiếp tục nắm giữ để gia tăng lợi nhuận.