Trong giao dịch chứng khoán, khi nhà đầu tư (NĐT) tiến hành đặt lệnh mua hoặc bán một mã chứng khoán thành công thì ngày đó là ngày giao dịch (còn gọi là ngày T+0). Ngày làm việc tiếp theo của thị trường chứng khoán không tính ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ theo quy định được gọi là T+1. Ngày tiếp theo nữa gọi là T+2; và thêm 01 ngày sau đó nữa gọi là T+3.
Theo quy định hiện hành, thì sau khi mua cổ phiếu, NĐT phải đợi đến 16h30p sau 2 ngày làm việc tức là ngày T+2 thì cổ phiếu đã mua sẽ về tài khoản và vào ngày làm việc tiếp theo (tức ngày T+3) thì mới có thể bán được. Ngược lại, khi bán cổ phiếu, NĐT sẽ phải đợi đến sáng ngày T+2 để nhận được tiền và có thể thực hiện các giao dịch khác từ số tiền này.
Tóm lại, 3 ngày làm việc là thời gian tối thiểu để NĐT có thể hiện thực hóa lợi nhuận từ giao dịch cổ phiếu. ![image.png](file-guid:461b76a5-4e3c-4a35-938d-f1a0e2a520a5 "image.png")
*(\*) không tính ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ theo quy định*
Albert Einstein từng phát biểu: “Lãi suất kép là kỳ quan thứ 8 của Thế giới. Những ai hiểu được nó sẽ kiếm được tiền, ai không hiểu sẽ phải trả chi phí cho điều đó.” Hay như nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet cũng từng chia sẻ: “Sự giàu có của tôi là kết hợp từ cuộc sống tại Mỹ, gen tốt và Lãi suất kép.”. Rõ ràng, việc có thể tận dụng lãi suất kép thông qua các giao dịch có lời liên tiếp sẽ giúp NĐT “gấp thếp” tài sản lên với một tốc độ nhanh chóng. Tốc độ gia tăng tài sản càng nhanh nếu thời gian nắm giữ những giao dịch có lời liên tiếp càng ngắn. Do đó, giao dịch T+3 mang lại sự hấp dẫn khó có thể cưỡng lại đối với bất kỳ NĐT nào.
Do đó, chúng tôi thực hiện bài nghiên cứu **đánh giá về xác suất có lời khi giao dịch T+3** để xác định xem liệu NĐT có thể thực sự kiếm lời từ trường phái đầu tư “siêu ngắn hạn” này được không. Dữ liệu được chúng tôi sử dụng là dữ liệu giao dịch của toàn bộ các cổ phiếu sàn HOSE trong giai đoạn hơn 10 năm kể từ năm 2010 đến thời điểm hiện tại. Để phản ánh xu hướng chung của thị trường đối với khả năng sinh lời của cổ phiếu, chúng tôi thực hiện phân loại thị trường chung thành 3 giai đoạn thị trường chung có xu hướng đi lên (uptrend), thị trường chung có xu hướng đi xuống (downtrend) và thị trường chung có xu hướng đi ngang (sideway), cụ thể:
· Uptrend: giai đoạn từ tháng 07/2016 đến 03/2018 và từ tháng 04/20 đến nay, tổng cộng 40 tháng.
· Downtrend: giai đoạn từ tháng 04/2018 đến tháng 06/2018 và từ tháng 11/2019 đến tháng 03/2020, tộng cộng 8 tháng.
· Sideway: giai đoạn từ tháng 01/2010 tháng 06/2016 và từ tháng 07/2018 đến tháng 10/2019, tổng cộng 94 tháng.
NĐT giao dịch theo trường phái T+3 có thể sử dụng rất nhiều tín hiệu giao dịch khác nhau, tuy nhiên, trong phạm vi bài nghiên cứu này, chúng tôi chỉ đánh giá một tín hiệu giao dịch theo dòng tiền khá phổ biến hiện nay, đó là **mua khi** **cổ phiếu tăng giá hơn 2% trong ngày giao dịch với khối lượng giao dịch gấp từ 2 lần khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên gần nhất trở lên**. Theo đó, chúng tôi thu được tổng cộng \~32,000 tín hiệu giao dịch và hiệu quả đầu tư ngày T+3 được thể hiện tại đồ thị dưới đây:
![image.png](file-guid:7c5ecb33-0b02-4d25-af64-934450d09a10 "image.png")
Do khoảng thời gian thị trường sideway chiếm đến 73% thời gian khảo sát, không bất ngờ khi lượng tín hiệu quan sát được là cao nhất với tỷ lệ 55% số tín hiệu mua xuất hiện trong thị trường sideway, tín hiệu mua khi thị trường uptrend theo sát phía sau với 40%, còn lại chỉ khoảng 5% tín hiệu mua xuất hiện khi thị trường có xu hướng đi xuống (số tín hiệu ít nhất tại chart downtrend ở giữa).
Đồ thị cũng cho chúng ta thấy, thông thường nếu cổ phiếu tăng giá càng mạnh trong phiên giao dịch hiện tại, thì lợi nhuận tại thời điểm T+3 cũng thường sẽ cao hơn.
Tuy vậy, nếu tính số lượng tín hiệu mua xuất hiện bình quân tháng trong các giai đoạn thì số lượng tín hiệu mua bình quân tháng thị trường uptrend vượt trội so với thị trường sideway và downtrend, đạt 468 tín hiệu mua/tháng, gấp hơn 2 lần lượng tín hiệu khi sideway (184 tín hiệu) và downtrend (222 tín hiệu).
Đánh giá về xác suất giao dịch có lời/lỗ khi sử dụng tín hiệu giao dịch trên, chúng tôi thu được bảng dưới:
![image.png](file-guid:42327e2f-55f6-41de-af63-a6cd05278bc1 "image.png")
Từ bảng trên, có thể thấy, khi thị trường chung có xu hướng đi lên (uptrend), xác suất để NĐT có lời sẽ sẽ là cao nhất (48.4%), xác suất để nhà đầu tư có lời trong downtrend là thấp nhất (40.1%); xác suất NĐT có lời trong uptrend và sideway đều cao hơn xác suất thua lỗ trong giai đoạn này. Những điều vừa rút ra khá phù hợp so với suy nghĩ thông thường khi giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, xác suất NĐT có lời trong tất cả các giai đoạn của thị trường đều nhỏ hơn 50%, mức khá thấp.
Điểm đáng lưu ý là trong downtrend, nếu NĐT thực hiện chiến lược giao dịch theo dòng tiền kể trên thì xác suất thua lỗ thậm chí còn vượt mức 50%, đạt 53.6%.
**Kết luận:** như vậy, từ bài nghiên cứu, giao dịch theo dòng tiền với khoảng thời gian nắm giữ chỉ là T+3 mang lại rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, bất kể thị trường chung đang trong uptrend, downtrend hay sideway, xác suất sinh lời tại T+3 đều không vượt quá 50%. Đặc biệt, khi thị trường chung có dấu hiệu đi xuống, nhà đầu tư phải đặc biệt cẩn trọng khi giao dịch bởi xác suất thua lỗ thậm chí còn vượt mức 50%. Để có thể gia tăng xác suất sinh lời từ giao dịch, NĐT không nên chỉ đơn giản giao dịch theo dòng tiền mà nên kết hợp sử dụng cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật nhằm xác định được cổ phiếu tối ưu.