**Đồ thị Xoay Vị Tương Đối (RRG – Relative Rotation Graph)** là một công cụ trực quan mới được tích hợp vào hệ thống TCInvest trong thời gian gần đây để phân tích Sức mạnh tương đối (Relative Strength - RS) giữa các cổ phiếu / nhóm ngành. Theo đó, nhà đầu tư có thể áp dụng với các khung thời gian từ 1 tháng, 3 tháng đến 1 năm để đánh giá độ mạnh/yếu của những nhóm ngành/cổ phiếu thông qua đồ thị chuyển động trực quan, thân thiện.
![image.png](file-guid:e0f1f6d9-2a4a-47b1-99ae-788fc2d36074 "image.png")
Đồ thị RRG biểu diễn các cổ phiếu/nhóm ngành trên không gian 2 chiều, được xác định bởi:
\- **Trục hoành - RS (Relative Strength)**: là chỉ số đo lường sức mạnh của Cổ phiếu. Tại TCBS, chúng tôi đo lượng sức mạnh giá của khoảng 500 cổ phiếu niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường bằng cách so sánh sự thay đổi giá của một cổ phiếu với những cổ phiếu còn lại. Điểm RS - điều chỉnh (sau đây được gọi tắt là “RS”) càng cao (>100) càng cho thấy cổ phiếu đang tăng giá mạnh hơn so với những cổ phiếu khác.
\- **Trục trung - RS Momentum:** là chỉ số đo lường tỷ lệ thay đổi của chỉ số RS. RS Momentum có thể được hiểu đơn giản là động lực hay tốc độ thay đổi giá của cổ phiếu. Chỉ số RS Momentum càng cao càng cho thấy sức mạnh giá của cổ phiếu đang gia tăng với tốc độ lớn, do đó, RS momentum có thể đóng vai trò dự báo xu hướng của RS hay biến động giá cổ phiếu.
Dựa trên các giá trị RS và RS Momentum, các cổ phiếu được phân loại thành 4 nhóm
\- **Dẫn đầu:** các cổ phiếu có sức mạnh tương đối cao và động lực mạnh (RS > 100 và RS Momentum > 100)
\- **Cải thiện**: các cổ phiếu có sức mạnh tương đối thấp nhưng có động lực tốt (RS< 100 và RS Momentum >100)
\- **Suy yếu:** các cổ phiếu có sức mạnh tương đối cao tuy nhiên động lực đã giảm dần (RS> 100 và RS Momentum <100)
\- **Tụt hậu**: các cổ phiếu có sức mạnh tương đối và động lực thấp (RS< 100 và RS Momentum <100)
![image.png](file-guid:7a29aa8c-90f9-49db-a985-7d4a95b60e33 "image.png")
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả đầu tư của 4 nhóm cổ phiếu được xác định đơn thuần bởi RRG mà không kết hợp các kỹ thuật, hay tiêu chí khác; các bước thực hiện như sau:
**Bước 1** – Xây dựng 4 nhóm cổ phiếu (Dẫn đầu, Cải thiện, Suy yếu, Tụt hậu) với các chỉ số RS và RS Momentum được xác định theo khoảng thời gian hàng tuần trong gian đoạn từ 01/01/2021 đến 20/12/2021.
**Bước 2** – Xác định hiệu quả đầu tư của 4 nhóm trong khung thời gian T+7, T+15, T+30 và T+60.
Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng, **nhóm Dẫn đầu và Cải thiện có xác suất tăng giá cao hơn** so với các nhóm Suy yếu và Tụt hậu; đặc biệt là trong các khung thời gian ngắn T+7 và T+ 15, như hình dưới đây:
**Hình 1 Xác suất tăng và giảm của các cổ phiếu trong từng nhóm**
![image.png](file-guid:4a1b4798-6743-44fb-b6cf-3005b34e696e "image.png")
Tương tự, về hiệu quả đầu tư; nhóm Dẫn Đầu có lợi nhuận trung bình cao nhất trong cả 4 nhóm, lần lượt đạt 2.8%, 5.1%, 9.3% và 16.7% qua các khung thời gian.
**Hình 2 – Hiệu quả đầu tư trung bình của các nhóm**
![image.png](file-guid:4dd0242b-8900-4354-9716-edf372260d0d "image.png")
Biểu đồ hộp dưới đây cũng xác nhận rằng **nhóm Dẫn Đầu và Cải thiện có tỷ suất lợi nhuận vượt trội** với với thân hộp và các đường trung vị nằm nghiêng về phía bên phải (lợi nhuận càng cao) so với các nhóm còn lại.
**Hình 3 – Biểu đồ hộp (Boxplot) hiệu quả đầu tư của các nhóm**
![image.png](file-guid:c53c96c9-89e9-436f-9635-d1bb6123459b "image.png")
**Kết luận:**
Ý tưởng đầu tư sử dụng Đồ thị Xoay vị tương đối trong trường hợp đơn giản nhất (chưa kết hợp với các kỹ thuật phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật khác) cho thấy hiệu quả với xác suất tăng giá khá cao (trên 60%) và tỷ suất lợi nhuận tốt từ các nhóm Dẫn Đầu hay Cải thiện. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu ở trạng thái Dẫn đầu cho đến khi cổ phiếu có dấu hiệu chuyển sang trạng thái Suy yếu, hoặc nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân khi cổ phiếu chuyển từ trạng thái Cải thiện sang Dẫn đầu. Ngược lại, nhà đầu tư nên hạn chế tham gia những cổ phiếu ở trạng thái Suy yếu hoặc Tụt hậu