Sau 2 năm 2020-2021 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, thị trường bán lẻ VN đã phục hồi mạnh mẽ. Là công ty đầu ngành khai thác cho thuê BĐS bán lẻ, chiếm ~40% thị phần sàn bán lẻ trung tâm thương mại trên toàn quốc, liệu chúng ta có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu của VRE có thể quay trở lại thời kỳ đỉnh cao?
Theo số liệu của Tổng cục thống kê (“TCTK”), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9T/2022 đạt gần 4,2 triệu tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, mức tăng trưởng bán lẻ trong Quý 3/2022 tăng tới 63% so với cùng kỳ 2021.
![image.png](file-guid:42c85e75-a336-4d22-a701-735380081e98 "image.png")
Hình 1: Doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng Việt Nam 2015-nay (nguồn: TCTK, TCBS tổng hợp)
![image.png](file-guid:35603e77-d3ad-4083-aeca-a6a518dd5adc "image.png")
Hình 2: Mức tăng trưởng Quý so với cùng kỳ của Doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng
Từ biểu đồ Hình 1, có thể thấy xu hướng chung của tình hình bán lẻ là tăng từ năm 2015 (tốc độ tăng trưởng bình quân >10%/năm) với hoạt động thương nghiệp chiếm phần lớn, tiếp đến là hoạt động dịch vụ và khách sạn nhà hàng. Có hai giai đoạn ảnh hưởng mạnh nhất trong quá khứ tạo ra các sự sụt giảm nghiêm trọng là Quý 1 năm 2020 và 6 tháng giữa năm 2021, hoàn toàn do ảnh hưởng của các làn sóng COVID-19.
**Kết quả kinh doanh của VRE có tương quan với giá trị hoạt động bán lẻ và cung cấp dịch vụ?**
Để trả lời cho câu hỏi này, bài nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu Tổng mức bán lẻ thương nghiệp hàng quý từ năm 2016 đến nay, sử dụng mô hình hồi quy tương quan với doanh thu và lợi nhuận gộp hàng quý của VRE. Kết quả như Hình 3 dưới đây.
![image.png](file-guid:c1ba99da-972a-4393-b606-0fef8e5bbed1 "image.png")![image.png](file-guid:dbe4dca6-99c9-4f86-8669-96222b6793a9 "image.png")
Hình 3: Biểu đồ tương quan kết quả kinh doanh Quý của VRE với giá trị thương nghiệp (bán lẻ)
Biểu đồ Hình 3 cho thấy mối tương quan dương tương đối chặt chẽ giữa kết quả kinh doanh của VRE với giá trị thương nghiệp hàng quý. Đặc biệt, giá trị lợi nhuận gộp và giá trị thương nghiệp cho thấy mức độ tương quan có thể cân nhắc tại R² trong khoảng từ 20% đến 30%.
Với đánh giá trên, có thể thấy triển vọng kinh doanh trong trung dài hạn của VRE là tích cực đi liền với sự tăng trưởng của ngành bán lẻ Việt Nam. Trong ngắn hạn, kết quả Quý 3/2022 gần như chắc chắn sẽ gấp nhiều lần cùng kỳ, do Quý 3/2021 là đỉnh điểm của việc giãn cách xã hội trên toàn quốc và đóng cửa các TTTM, bên cạnh việc phải phát sinh chi phí hỗ trợ khách thuê, dẫn đến lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ (“LNST CĐM”) của VRE chỉ đạt vỏn vẹn 24 tỷ đồng. Theo ước tính của TCBS, lợi nhuận Quý 3/2022 có thể tương đương Quý 2/2022 tại mức gần 800 tỷ đồng LNST CĐM.
Là một công ty có tài sản phần lớn là các TSCĐ (TTTM) đem lại nguồn thu ổn định trong tương lai dài hạn, định giá VRE theo P/B hiện đang ở mức 2.0x, tương đối hấp dẫn so với mức trung vị 5 năm tại 2.5x, thích hợp để nắm giữ và đầu tư trung dài hạn.
![image.png](file-guid:8b397b4d-6069-401d-ab10-b6caa13e6114 "image.png")
Phạm Ngọc Anh ·