Theo thông tin trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, đại diện ngân hàng cũng đã chia sẻ định hướng mở mới 1 CTCK. Chúng tôi đánh giá đây là một nước đi cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của VPB trong tương lai.
Cũng đã khá lâu kể từ khi VPB thoái vốn và chấm dứt các mối quan hệ về mặt sở hữu với VPBS. Kể từ đó là chặng đường 5 năm phát triển mạnh mẽ của FE Credit, góp phần không nhỏ vào lợi nhuận chung của VPB. Tuy nhiên, có thể thấy FE Credit đang gặp những trở ngại như bối cảnh ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID, quy mô của FE hiện cũng đã khá lớn nên khả năng tăng trưởng mạnh sẽ khó hơn. Điều này dẫn đến tỷ trọng đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng ngày càng giảm.
Việc có 1 CTCK trong cơ cấu của VPB sẽ giúp ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh theo cả 2 nhánh quan trọng, đó là mang đến các sản phẩm tài chính đa dạng và toàn diện cho khách hàng cá nhân theo mô hình ngân hàng bán lẻ đồng thời khả năng tư vấn giải pháp tài chính cho doanh nghiệp cũng sẽ được nâng cao khi mở rộng sang mảng trái phiếu doanh nghiệp thay vì chỉ đơn thuần tín dụng như trước.
Tổng thể chung, chúng tôi đánh giá cao chiến lược phát triển của VPB với tầm nhìn trong 3 - 5 năm tới và ngân hàng sẽ tiếp tục nằm trong nhóm các NH TMCP hàng đầu tại Việt Nam. Nhìn về ngắn hạn trước mắt, tâm điểm sẽ tập trung vào kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài và tăng vốn chủ sở hữu lên khoảng 120,000 tỷ để trở thành ngân hàng có quy mô vốn lớn nhất ngành. Với định giá P/B forward 2021 chỉ ở mức P/B 1.8x, tiềm năng của cổ phiếu VPB vẫn còn rất hấp dẫn, NĐT nên theo dõi sát các diễn biến của cp này để có thể giải ngân khi có tín hiệu.