**1. Tổng quan**
Mở đầu Q4/2021, VN-Index có sự bứt phá nhất định sau nhịp tích lũy tương đối dài tại vùng giá 1,340 – 1,350 điểm. Trong tuần giao dịch vừa qua, chỉ số đã tiệm cận và có nhiều nỗ lực vượt qua ngưỡng kháng cự 1,400 điểm, tuy nhiên không thành công. Trong bối cảnh phe mua và phe bán liên tục giằng co quyết liệt tại vùng đỉnh lịch sử, chắc hẳn nhiều nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những dấu hiệu để dự đoán diễn biến của VN-Index trong giai đoạn tiếp theo.
Một trong những dấu hiệu thường được tham khảo là thị trường chứng khoán Mỹ, cụ thể là những chỉ số Dow Jones và S&P 500. Diễn biến của những chỉ số này được cập nhật mỗi ngày trên các trang báo lớn kèm theo các sự kiện quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, giúp cho việc theo dõi những gì đang diễn ra trên phố Wall dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngoài ra, đối với những nhà đầu tư quan tâm đến thị trường chứng khoán châu Á, chỉ số Shanghai Composite của sàn chứng khoán Thượng Hải ở Trung Quốc cũng thường được theo dõi.
Vậy mối liên hệ của những chỉ số này đối với VN-Index như thế nào? Liệu nhà đầu tư có nên nhìn vào những chỉ số này để dự đoán diễn biến của VN-Index hay không? Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và tóm tắt những hiểu biết của mình dưới đây, xin gửi đến nhà đầu tư.
**2. Tương quan của VN-Index và chỉ số của các thị trường chứng khoán quốc tế**
Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi nghiên cứu 2 hệ số trong xác suất thống kê là Beta và R bình phương (R2) của các chỉ số được chọn lọc. Hiểu một cách đơn giản, beta (hay còn gọi là hệ số rủi ro) là thước đo mức độ biến động của một tài sản hay một danh mục (trong nghiên cứu này là chỉ số sàn chứng khoán), đối với một chỉ số so sánh. Trong khi đó, R2 là thước đo độ tương quan nói chung của các chỉ số được so sánh. Như vậy, các trường hợp cần lưu ý bao gồm:
\- Hệ số R2 nhỏ: Chỉ số có độ tương quan thấp đối với chỉ số so sánh
\- Hệ số R2 lớn, beta nhỏ: Chỉ số có độ tương quan cao đối với chỉ số so sánh và biến động ít hơn chỉ số so sánh
\- Hệ số R2 lớn, beta lớn: Chỉ số có độ tương quan cao đối với chỉ số so sánh và biến động nhiều hơn chỉ số so sánh
Để ví dụ về hai chỉ số có độ tương quan lớn, chúng tôi sử dụng S&P 500 và Dow Jones. S&P 500 tổng hợp cố phiếu của 500 công ty niêm yết lớn nhất tại Mỹ, trong khi Dow Jones tổng hợp cổ phiếu của 30 công ty vốn hóa lớn, khá tương đồng với VN-Index và VN30 tại Việt Nam.
**Tương quan giữa Dow Jones và S&P 500**
![image.png](file-guid:a6f44c84-6621-4674-a8aa-d3dd4aadef05 "image.png")
*Nguồn: TCBS, FireAnt*
Như ta có thể thấy trong hình, đồ thị giá của chỉ số S&P 500 và Dow Jones cho thấy sự biến động tương đồng ở hầu hết các giai đoạn trong lịch sử. Biểu đồ phân tán cũng cho thấy tỷ lệ biến động giá gần như 1:1. Thực tế, hệ số R2 giữa 2 chỉ số này là 0.94 và hệ số beta là 0.96, cho thấy mức độ tương quan lớn cũng như mức độ rủi ro chủ yếu ngang bằng nhau. Điều này tương đối dễ hiểu do các chỉ số này đều dựa trên nền kinh tế Mỹ, và 30 công ty vốn hóa lớn nhất của Dow Jones cũng phản ánh phần lớn thị trường chứng khoán của Mỹ, giống như chỉ số VN30 ở Việt Nam.
Trở lại câu chuyện về sự tương quan của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với thị trường Mỹ và Trung Quốc, chúng tôi cũng áp dụng phương pháp tương tự đối với VN-Index, Dow Jones và Shanghai Composite. Kết quả được trình bày ở các đồ thị bên dưới.
**Tương quan giữa VN-Index và Dow Jones**
![image.png](file-guid:2b551059-9eda-4557-8bdf-839840d7e3f2 "image.png")
**Tương quan giữa VN-Index và Shanghai Composite**
![image.png](file-guid:26a2d69a-69ab-4b7d-9e43-139377ac1237 "image.png")
*Nguồn: TCBS, FireAnt*
Có thể thấy, đồ thị lịch sử giá của Dow Jones cho thấy sự đồng pha với VN-Index ở môt số thời điểm nhất định, còn đồ thị của Shanghai Composite cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Mặc dù vậy, ở các biểu đồ phân tán thể hiện sự tương quan giữa biến động giá hàng ngày của các chỉ số, chúng ta đều không thấy được mức độ tương quan cao. Các điểm dữ liệu nằm rải rác, không có tính liên kết. Thực chất, số liệu thống kê cũng cho thấy mức độ tương quan khá thấp: (1) đối với Dow Jones, hệ số R2 là 0,01, beta là 0.13, (2) đối với Shanghai Composite, hệ số R2 là 0.01, beta là 0.12.
Do hệ số R2 < 0.5 cho độ tin cậy tương đối thấp, con số 0.01 là rất nhỏ, thể hiện sự đồng pha không đáng kể giữa VN-Index và Dow Jones hay Shanghai Composite. Chúng tôi có thử nghiệm việc phân chia dữ liệu theo tuần thay vì theo ngày, khi đó mức độ beta có tăng lên đáng kể (\~0.7 - 0.8), tuy nhiên hệ số R2 vẫn ở mức rất thấp, cho thấy các chỉ số không có mối liên hệ mật thiết, vì vậy hệ số beta lớn cũng không có nhiều ý nghĩa.
**3. Lời kết**
Qua nghiên cứu trên, chúng tôi kết luận rằng thị trường Việt Nam, được đại diện bởi VN-Index, không có sự tương quan lớn đối với các thị trường chứng khoán quốc tế (cụ thể trong nghiên cứu là thị trường Mỹ và Trung Quốc). Có thể nền kinh tế của Việt Nam có sự kết nối tương đối lớn đối với các nền kinh tế trên thế giới, và trên thực tế Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất và nhập khẩu lớn của Việt Nam, nhưng câu chuyện trên thị trường chứng khoán hoàn toàn khác.
Do mỗi quốc gia đều có đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội riêng, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể theo dõi các thị trường chứng khoán quốc tế dưới góc độ tham khảo, tuy nhiên sẽ cần cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định mua bán dựa trên biến động của những thị trường đó. Đối với những ai quan tâm đến thị trường chứng khoán quốc tế, chúng tôi đã tích hợp các chỉ số vào bảng giá của TCBS để nhà đầu tư có thể dễ dàng theo dõi.
![TCBS.png](file-guid:2f5aebdb-917f-44dc-a3fe-c67885d80d60 "TCBS.png")