**1. Tổng quan**
Trong 3 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến động mạnh. Sau khi cán mốc 1,400 điểm vào đầu tháng 7, VN-Index có nhịp điều chỉnh tương đối đáng kể \~10%. Chỉ số có sự hồi phục nhất định khi các doanh nghiệp trên thị trường thông báo kết quả kinh doanh quý 2 với những con số tương đối tích cực. Mặc dù vậy, khi còn cách đỉnh lịch sử khoảng 40 điểm, VN-Index lại một lần nữa rung lắc mạnh, trượt khỏi mốc 1,300. Có thể thấy, thị trường chứng khoán hiện tại tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày một phức tạp, có khả năng ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế vĩ mô trong quý 3.
Mặc dù vậy, thanh khoản trên thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì ở mức cao, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn tương đối tích cực, một phần do mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp. Từ đáy trung hạn tháng 03/2020, VN-Index đã tăng gấp đôi và không ít cổ phiếu đã tăng 3-5 lần. Có khả năng trong ngắn hạn mức định giá nói chung đã không còn hấp dẫn. Khi rủi ro trên thị trường chứng khoán tăng lên, một số kênh đầu tư khác có thể trở thành những lựa chọn bổ sung hoặc thay thế. Trong số đó, vàng là một ví dụ điển hình.
Vàng là một kênh đầu tư truyền thống, được sử dụng để trao đổi hàng hóa từ hàng ngàn năm về trước. Về bản chất, vàng khác với cổ phiếu do giá trị của vàng không dựa trên một doanh nghiệp đứng sau. Vàng không tạo ra lợi nhuận, không trả cổ tức, không mang những yếu tố cơ bản mà nhà đầu tư có thể nhìn vào và đánh giá. Tuy nhiên, việc sở hữu mặt hàng này trong danh mục có thể giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro trước những biến động của thị trường, do vàng mang một số đặc tính cụ thể như sau:
\+) Tồn tại ở dạng vật lý: Vàng là vật có thể cầm nắm được và sẽ luôn có giá trị. Cổ phiếu có thể mất phần lớn hoặc tất cả giá trị vốn hóa nếu doanh nghiệp đằng sau phá sản, gặp bê bối tài chính hoặc giá cổ phiếu bị “đội lái” thao túng.
\+) Chống lạm phát: Vàng có nguồn cung hữu hạn và được kiểm soát một cách tương đối chặt chẽ, vì vậy giá trị của vàng khó có thể bị pha loãng, trong khi tiền mặt có thể được in thêm, cổ phiếu có thể được phát hành thêm.
\+) Đa dạng hóa danh mục: Vàng ít có tương quan hoặc tương quan âm với thị trường chứng khoán, mang tới cho nhà đầu tư lựa chọn giảm thiểu rủi ro khi cần thiết.
Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu yếu tố cuối cùng nêu trên. Rất khó để đoán được nhịp điều chỉnh sắp tới của thị trường sẽ xảy ra vào thời điểm nào, vì vậy những nhà đầu tư theo trường phái thận trọng có thể cân nhắc phân bổ một phần tài sản của mình vào những kênh khác và vàng là một trong số đó.
**2. Vai trò của vàng trong đa dạng hóa danh mục**
Trong một xu hướng tăng mạnh mẽ như khoảng 1.5 năm trở lại đây, có thể vàng không phải là một kênh đầu tư quá hấp dẫn. Kỳ thực, nếu tính từ cùng thời điểm đáy tháng 03/2020 của thị trường chứng khoán, VN-Index đã tăng 101%, trong khi giá vàng SJC chỉ tăng 20%. Tuy nhiên trong lịch sử, giá vàng đã nhiều lần biến động ngược chiều với thị trường chứng khoán, qua đó đánh bại VN-Index về lợi nhuận. Điền hình là giai đoạn 5 năm 2007-2012, giá vàng tăng gần 4 lần trong khi VN-Index đánh mất 50% giá trị.
**Lịch sử giá vàng SJC (triệu đồng/lượng) và VN-Index**
![VNIGold.png](file-guid:1981f982-7a98-49ce-845c-988677fa5d80 "VNIGold.png")
*Nguồn: TCBS, FiinPro*
Nhìn vào đồ thị phía trên, chúng ta dễ thấy lý do tại sao nhà đầu tư, đặc biệt là những người có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường, coi vàng là nơi trú ẩn trong những điều kiện kinh tế, chính trị tiêu cực. Vào những thời điểm đó, thị trường chứng khoán sẽ phản ánh điều kiện kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp cũng như tâm lý bi quan của nhà đầu tư, dẫn đến việc dòng tiền được nhanh chóng rút ra khỏi thị trường và chảy vào những kênh đầu tư khác, điều này có thể khiến giá vàng gia tăng.
Dựa trên dữ liệu có được từ đầu năm 2007, chúng tôi tính toán ra beta, chỉ số thể hiện sự tương quan biến động, giữa giá vàng SJC và VN-Index là -0.02. Con số tương quan âm với giá trị gần như bằng 0 cho thấy nhìn chung biến động của giá vàng và thị trường chứng khoán không có quan hệ mật thiết, xét về mặt thống kê. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận có những thời điểm giá vàng và chứng khoán đi ngược nhau, như chúng ta có thể quan sát trên đồ thị phía trên. Vì vậy, để nghiên cứu sâu hơn chúng tôi tính beta cho từng giai đoạn 6 tháng và thể hiện ở đồ thị bên dưới.
**Beta (6 tháng) giá vàng SJC và VN-Index**
![Beta.png](file-guid:1d63bc24-02fe-4a76-b2e7-1d2f9ef46c4d "Beta.png")
*Nguồn: TCBS, FiinPro*
Lịch sử biến động beta 6 tháng cho thấy, mặc dù trung bình lịch sử bằng 0 nhưng thực tế beta dao động quanh mốc 0 và có những thời điểm cho thấy giá trị tuyệt đối lớn, cao nhất là khoảng -0.6 vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, làm dấy lên lo ngại trong tâm lý nhà đầu tư. Như vậy, nhà đầu tư có thể sử dụng vàng như một công cụ đầu cơ ngắn hạn dựa trên điều kiện thị trường tại một thời điểm nhất định, hoặc như một cách để đa dạng hóa danh mục trong một thời gian dài. Với đặc điểm là beta gần bằng 0 trong khung thời gian dài và tương đối thấp hoặc âm trong khung thời gian ngắn, vàng có lợi thế về mặt đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro khi sử dụng song song với danh mục chứng khoán. Đánh giá các mã chứng khoán trên sàn HOSE, chúng tôi nhận thấy rất ít mã có hệ số beta nhỏ như vàng, hầu hết ở ngưỡng 0.1 trở lên (beta của vàng trong 6 tháng gần nhất là 0.01).
**Beta (6 tháng) các mã cổ phiếu trên sàn HOSE**
![BetaAll.jpg](file-guid:59c4bbac-83a5-48f2-a229-6cf64a7c6712 "BetaAll.jpg")
*Nguồn: TCBS, FiinPro*
Để nghiên cứu rõ hơn về khả năng giảm thiểu rủi ro của vàng, chúng tôi tạo một số danh mục mô phỏng với thời điểm giải ngân là cuối năm 2009, khi thị trường chứng khoán đi vào trạng thái tương đối ổn định và có dấu hiệu hồi phục trở lại, trong khi giá vàng tiếp tục tăng mạnh. Các danh mục mô phỏng bao gồm vàng và VN-Index, với tỷ trọng vàng lần lượt là 0%, 25%, 50%, 75% và 100%.
**Các danh mục mô phỏng VN-Index có bổ sung tỷ trọng vàng**
![PortAll.png](file-guid:36e4c58f-e7ef-47f4-8dc6-e7a7fec51dc7 "PortAll.png")
*Nguồn: TCBS, FiinPro*
Kết quả cho thấy sự tương phản rõ rệt ở mức lợi nhuận đạt được của các danh mục trong những giai đoạn khác nhau. Ví dụ, trong giai đoạn 5 năm 2009-2014, nắm giữ nhiều vàng sẽ có lợi thế hơn cả, do thị trường chứng khoán đi ngang còn giá vàng tăng mạnh. Mặt khác, từ 2015-2020, nắm giữ cổ phiếu có lợi hơn, với lý do ngược lại. Tuy nhiên, có thể thấy nếu duy trì tỷ trọng vàng nhất định trong danh mục, nhà đầu tư có thể tránh được rủi ro thua lỗ ở một số giai đoạn. Điều này được thể hiện rõ khi chúng tôi chia nhỏ các giai đoạn trong đồ thị bên dưới.
**Các danh mục mô phỏng VN-Index có bổ sung tỷ trọng vàng giai đoạn 2018-2019**
![Port2018.png](file-guid:f409a6ec-f922-4e80-af60-ed6cf2663f9c "Port2018.png")
*Nguồn: TCBS, FiinPro*
**Các danh mục mô phỏng VN-Index có bổ sung tỷ trọng vàng giai đoạn 2020-nay**
![Port2020.png](file-guid:f40ad714-693c-4e53-9a15-7560191002f1 "Port2020.png")
*Nguồn: TCBS, FiinPro*
Tính từ đầu năm 2018, nếu duy trì tỷ trọng cổ phiếu là 100% danh mục, nhà đầu tư sẽ có những thời điểm thua lỗ tới 10%. Tuy nhiên, nếu phân bổ 50% giá trị danh mục vào vàng, mức lỗ lớn nhất của nhà đầu tư chỉ đạt \~5%. Sau đó, vào giai đoạn đầu năm 2020 tới nay, với diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, nhà đầu tư có thể có thời điểm chịu lỗ tới 30% nếu cầm 100% cổ phiếu. Mặc dù vậy, với tỷ trọng 25% vàng trong danh mục thì mức lỗ giảm xuống 20%, tỷ trọng 50% vàng thì con số đó chỉ khoảng 10%.
Có thể thấy, vàng như một “lá chắn” cho danh mục cổ phiếu trong những thời điểm thị trường sụt giảm mạnh. Vậy phân bổ bao nhiêu % tài sản vào vàng là hợp lý? Chúng tôi cho rằng không có một con số chính xác, tối ưu, mà tỷ trọng này sẽ tùy thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư cũng như điều kiện thị trường tại thời điểm đó. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng không phải phân bổ 100% danh mục vào vàng là thận trọng hoặc ngược lại. Chỉ khi chúng ta phân bổ tài sản vào vàng song song với chứng khoán, vàng mới phát huy tác dụng giảm thiếu rủi ro nhờ beta với thị trường chứng khoán gần bằng 0.
**3. Lời kết**
Qua nghiên cứu trên, nhà đầu tư có thể nhận thấy tác dụng của vàng dưới vai trò đa dạng hóa, giảm thiểu rủi ro cho danh mục chứng khoán. Thực chất, vàng là một kênh đầu tư truyền thống, với tuổi đời dài gấp nhiều lần thị trường chứng khoán. Có thể một bộ phận nhà đầu tư mới tham gia thị trường sẽ chỉ chú ý tới cổ phiếu, thay vì cân nhắc các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm hơn sẽ biết sử dụng vàng như một kênh phân bổ tài sản, với tỷ trọng và thời điểm hợp lý, để tối đa hóa lợi nhuận cũng như giảm thiểu rủi ro cho danh mục. Trong bối cảnh chỉ số đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử và điều kiện kinh tế vĩ mô gặp phải những thách thức nhất định, chúng tôi cho rằng đây là một lựa chọn mà nhà đầu tư có thể nghiên cứu và cân nhắc.