VN-Index đã khép lại một năm 2021 giao dịch đầy biến động. Ngay trong tháng 01/2021, VN-Index đã ghi nhận nhịp giảm lên tới gần 15%. Ngay sau đó, chỉ số đã phục hồi mạnh mẽ và cán mốc 1,420 ngay trong những ngày đầu tháng 07. Với những thông tin tiêu cực làn sóng COVID-19 thứ 4, thị trường đã phản ứng mạnh và điều chỉnh về mốc 1,250 (tương đương mức sụt giảm xấp xỉ 13%). VN-Index tiếp tục phục hồi khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát và áp sát mốc 1,500 vào ngày cuối cùng của năm 2021. Tính cả năm 2021, VN-Index tăng xấp xỉ 36% - mức tăng tốt thứ hai (chỉ sau 2017 với 48%). Mức tăng này vượt xa các thị trường quốc tế khác như Mỹ (Dow Jones Index +18%), Anh (FTSE + 15%), Nhật Bản (Nikkei 225 +6%),…
Chúng tôi đã tiến hành thống kê biến động qua từng tháng của VN-Index từ năm 2010 đến hết 2021, dữ liệu được thể hiện ở biểu đồ Heatmap bên dưới. Theo đó, so sánh với các tháng còn lại trong năm, **tháng 1 có xác suất tăng giá cao (67% - 8 trên tổng số 12 lần) và mức tăng mạnh nhất (trung bình 4.3%).** Đây cũng là giai đoạn ghi nhận những nhịp tăng rất mạnh, có thể kể đến như tháng 01/2013 (+16% - mức tăng điểm theo tháng cao nhất trong giai đoạn chúng tôi nghiên cứu), hay tháng 1 những năm 2012, 2014, 2018 với mức tăng đều trên 10%
**Biểu đồ: Biến động của VN-Index qua các tháng trong năm (từ 2010 – 2021)** \
![image.png](file-guid:bfdcfbca-c8ad-4819-9011-49939591f7a4 "image.png")
Điều này có thể được lý giải khi tháng 1 thường là giai đoạn kết quả kinh doanh tích cực của các Doanh nghiệp niêm yết được hé lộ, qua đó thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán. Ngoài ra, sau giai đoạn “siết” margin cuối tháng 12, sức mua của thị trường có xu hướng bùng nổ trở lại khi các công ty chứng khoán mở lại hạn mức margin. Về mặt tâm lý học, nhiều nhà đầu tư tin rằng tháng Giêng là tháng tốt nhất để bắt đầu một kế hoạch đầu tư hoặc triển khai những Cam kết năm mới (New Year’s Resolution). Điều này phần nào cũng tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, tháng 2 và 4 cũng là giai đoạn ghi nhận những nhịp tăng mạnh của thị trường chứng khoán. Theo đó, **xác suất tăng trong tháng 2 của VN-Index lên tới 75% (9 trên tổng số 12 lần) – mức cao nhất,** cùng với tỷ lệ tăng trung bình 2.2%. Đây cũng là giai đoạn sau khi báo cáo tài chính (chưa kiểm toán) được công bố, do đó, càng củng cố thêm đà tăng của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt. **Tháng 4 cũng ghi nhận những nhịp tăng mạnh với % tăng trung bình xấp xỉ 2.7%** do đây là thời điểm báo cáo quý I hàng năm được công bố, đi cùng với đó là “mùa” Đại hội cổ đông của các doanh nghiệp với nhiều thông tin tích cực.
Vậy, đâu là thời điểm thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro?
Theo nghiên cứu của chúng tôi, **tháng 5, 8 và 11 là những giai đoạn thị trường gặp nhiều khó khăn**. Ngạn ngữ phố Wall có câu “Sell in May and Go away”, đại ý là “Hãy bán trong tháng 5 và nghỉ ngơi”. Chúng tôi cho rằng câu nói này phần nào có ý đúng. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, **tháng 5 là giai đoạn ghi nhận những nhịp điều chỉnh mạnh nhất**, có thể kể đến 2010, 2011, 2012 và 2018, đặc biệt là 2011 với mức sụt giảm lên tới 12.2% (mức giảm gần như lớn nhất, chỉ đứng sau mức giảm 25% vào tháng 03/2020 do ảnh hưởng của COVID-19. Ngoài ra, xác suất giảm điểm của VN-Index trong tháng 5 cũng ở mức khá cao với tỷ lệ 50% (6 trên tổng số 12 lần). Tương tự đối với tháng 8 và tháng 11 khi có tới xác suất 50- 67% VN-Index giảm điểm, với 1 nửa trong số đó là những nhịp điều chỉnh trên 4%.
Ngoài ra, **tháng 9 thường là giai đoạn ghi nhận diễn biến tương đối ảm đạm** của thị trường khi phần lớn các thời điểm đều ghi nhận mức biến động nhỏ (dao động quanh ngưỡng +/- 3%). Đây cũng là điều dễ hiểu khi tháng 9 là giai đoạn vùng trống thông tin – khoảng thời gian thị trường chứng khoán thiếu vắng những thông tin hỗ trợ từ doanh nghiệp.
**Kết luận:**
Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng:
\+) Tháng 1, 2 và 4 thường là giai đoạn tăng giá mạnh nhất của thị trường chứng khoán.
\+) Tháng 5, 8 và 11 là những giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư
\+) Thị trường thường có xu hướng đi ngang trong biên độ hẹp trong tháng 9 do rơi vào vùng trống thông tin.
Tuy vậy, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, dữ liệu lịch sử chỉ mang tính chất tham khảo, không mang tính chất dự báo. Nhà đầu tư cần kết hợp với việc phân tích các yếu tố vĩ mô của thế giới và Việt Nam, nội tại doanh nghiệp và xu hướng dòng tiền để có thể đưa ra những quyết định đầu tư chính xác.