Sau [bài phân tích](http://iwealthclub.com.vn/content/perma?id=448132) đầu tiên của mình về chiến lược lựa chọn chứng quyền (CW), mình nhận được khá nhiều câu hỏi thắc mắc về việc ***tại sao phải lựa chọn có điểm hòa vốn gần với giá chứng khoán cơ sở (CKCS), đặc biệt trong bối cảnh trên thị trường xuất hiện những mã tăng 20% - 30%/phiên và có điểm hòa vốn cách rất xa giá CKCS (CW đắt).***
Do đó, trong bài này mình sẽ chỉ ra thêm lý do tại sao phải lựa chọn chứng quyền dựa vào điểm hòa vốn và hiệu quả của việc đầu tư có chiến lược so với nhắm mắt tham gia vào thị trường này.
Đầu tiên, phải nhấn mạnh bản chất của chứng quyền là dựa trên kỳ vọng về giá CKCS thời gian tới. Do đó, điều nhà đầu tư nên nghĩ đến trước khi mua CW là mua CW tại mức giá này thì CKCS có thể lên đến điểm hòa vốn đó hay không.
Mình đã thống kê tất cả chứng quyền được phát hành từ trước đến giờ, tại tất cả các ngày giao dịch để xem kể từ ngày mua chứng quyền đó đến ngày đáo hạn thì giá chứng khoán cơ sở có thể chạm đến giá hòa vốn hay không.
![image.png](file-guid:e5a2fa5a-272f-4207-8c42-e5be4a3866c9 "image.png")
Kết quả chỉ ra rằng, khi mua CW tại thời điểm giá hòa vốn cách xa giá CKCS không quá 5% thì xác suất CKCS “cán đích” là 80%. Khi khoảng cách tăng lên từ 10 – 15% thì xác suất về đích giảm xuống còn khoảng 50% và nếu mua các CW có điểm hòa vốn lớn hơn 30% giá CKCS thì xác suất CKCS đến được mốc này chỉ còn dưới 20%, ví dụ như những mã CW dưới đây
![image.png](file-guid:d57f8ca0-03aa-4705-9a5b-fdb5309094de "image.png")
Có thể thấy với những mã CW đắt đỏ như vậy thì có đến 80% xác suất nhà đầu tư sẽ lỗ nếu nắm giữ đến đáo hạn khi mà giá CKCS không thể chạm đến điểm hòa vốn. Tuy nhiên một câu hỏi tiếp theo là nếu như chúng ta chỉ mua CW với kỳ vọng giá CW sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn thay vì giữ đến đáo hạn thì sao?
Mình tiếp tục xem xét phân bổ lợi nhuận của các CW theo các khung thời gian ngắn hạn – 3, 5 ,10 và 20 ngày bằng biểu đồ boxplot dưới đây.
![image.png](file-guid:c63bda87-1f3c-4127-840c-8150df5356bb "image.png")
Rõ ràng mức lợi nhuận ngắn hạn của các CW đắt là không hề tốt ngay cả trong ngắn hạn. Mặc dù một số ít vẫn có lợi nhuận nhưng đó là những trường hợp số ít với xác suất dưới 25%. Do đó nhà đầu tư mua phải các CW có điểm hòa vốn xa như vậy phần lớn đều sẽ lỗ ngay trong T3 và T5. Việc nhà đầu tư bỏ qua các nguyên tắc quản trị rủi ro để theo đuổi một vài cơ hội lãi lớn trong ngắn hạn như vậy chẳng khác nào chơi xổ số cả.
Ở chiều ngược lại, khi mua các CW rẻ, CKCS dễ đạt đến điểm hòa vốn thì khả năng có lãi ngay trong ngắn hạn cũng là cao với xác suất trên 75% (thể hiện qua mức tứ phân vị thứ nhất của cả 4 khung thời gian đều ở ngang mức 0) và càng giữ lâu thì mức lợi nhuận kỳ vọng đạt được lại càng cao hơn.
**Tổng kết lại, dù thị trường có tích cực đến mấy, mọi người hãy cố gắng giữ vững các nguyên tắc của mình để quản trị được rủi ro. Trong đó, với CW, chỉ nên mua khi thấy khoảng cách từ giá CKCS hiện tại đến điểm hòa vốn ít hơn 15%.**
Trên đây là những phân tích, thống kê của mình để mọi người thấy được sự quan trọng của khoảng cách đến điểm hòa vốn trong chiến lược mua CW. Hy vọng bài viết hữu ích cho mọi người!