Cổ phiếu và Trái phiếu là 2 kênh đầu tư lớn của thị trường và có thể thay thế cho nhau. Nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư phân bổ song song vào cả hai kênh này để giảm thiểu rủi ro danh mục đầu tư và hạn chế tổn thất trong thời điểm một trong hai thị trường gặp khó khăn.
Liệu đây có phải là một phương pháp phân bổ danh mục phù hợp trong mọi diễn biến vĩ mô? Sau đây, chúng tôi sẽ kiểm định sự tương quan giữa trái phiếu và cổ phiếu thông qua biến động chỉ số VN-Index và Lợi suất trái phiếu chỉnh phủ.
![image.png](file-guid:556782d2-4908-4423-b81f-6ec28e9852ba "image.png")
Hình 1 cho thấy lợi suất TPCP và chỉ số Vn-Index có tương quan âm tương đối cao với R2 = 0.77. Tuy nhiên, khi so sánh biến động của chỉ số Vn-index và biến động lợi suất TPCP trong cùng một khung thời gian (biến động theo tháng) thì mối tương quan giảm đáng kể xuống R2 = 0.14. Điều này thế hiện là tuy nhìn chung thì tỷ suất trái phiếu và cổ phiếu có tương quan ngược chiều nhau, nhưng sẽ có những thời điểm cả hai kênh đầu tư độc lập với nhau và thậm chí có tương quan dương.
Hình 2 dưới đây là các thời điểm trong lịch sử khi trái phiếu và cổ phiếu có mối tương quan dương, 3 thời điểm đó là các năm 2010, 2012 và 2015.
![image.png](file-guid:4dc2fce7-239d-4d35-8f36-da9346f75941 "image.png")
Từ kết quả của Hình 2, bài nghiên cứu tính toàn chỉ số tương quan giữa kênh trái phiếu và cổ phiếu theo từng năm và so sánh chỉ số này với các biến động vĩ mô trong thị trường và nền kinh tế, bao gồm: CPI, tăng trưởng GDP và lãi suất thực tế.
![image.png](file-guid:aed1dbc0-7429-4080-aaa5-250dedc44f45 "image.png")
Kết quả cho thấy có 2 yếu tố vĩ mô chính ảnh hưởng tới tương quan giữa cổ phiếu và trái phiếu là (1) Lạm phát và (2) tăng trưởng GDP. Trong khi đó dữ liệu cho thấy lãi suất thực tế không có ảnh hưởng lớn.
Có thế thấy **khi lạm phát tăng mạnh và duy trì ở mức trên 4% trong một thời gian dài (hơn 3 năm), thì mức độ tương quan âm của kênh cổ phiếu và trái phiếu giảm.** Điều này có thể lý giải rằng: trái phiếu là công cụ đầu tư tài chính cổ định nên khi lạm phát tăng cao dòng tiền thu nhập trái phiếu sẽ bị mất đi giá trị. Còn đối với cổ phiếu, việc lạm phát tăng cao dẫn đến chi phí tăng cao ảnh hưởng đến doanh thu/lợi nhuận của một doanh nghiệp và theo đó phản ánh tiêu cực tới giá của cổ phiếu.
**Khi nền kinh tế có tăng trưởng GPD thấp, tương quan âm của kênh cổ phiếu và trái phiếu giảm.** Vào những lúc nền kinh tế khó khăn và có mức tăng trưởng bị đình trệ, nhiều nhà đầu tư sẽ rút tiền khỏi các công cụ đầu tư tài chính bao gồm cổ phiếu và trái phiếu do rủi ro tăng cao. Như vậy, việc dòng tiền bị rút khỏi hai kênh tạo nên mối quan hệ tương quan “dương” hoặc “ít âm” hơn giữa cổ phiếu và trái phiếu.
**Kết luận:**
* Lợi suất TPCP và VN-index có tương quan âm, tuy nhiên sẽ có những xu hướng vĩ mô có những tác động tương tự lên cả hai thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Những lúc này thì cổ phiếu và trái phiếu có khả năng có tương quan dương nhẹ.
* Cổ phiếu và trái phiếu có khả năng có tương quan dương nhẹ khi lạm phát duy trì ở mức cao trong một thời gian dài.
* Mức độ tương quan âm giữa cổ phiếu và trái phiếu giảm khi nền kinh tế có tăng trưởng GPD thấp.
* Nhà đầu tư có thể tiếp tục đầu tư song song cổ phiếu và trái phiếu để đa dạng hóa danh mục và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, nên cân nhắc tình trạng nền kinh tế trước khi giải ngân đặc biệt là vào những thời điểm lạm phát tăng cao và tăng trưởng trì trệ.