**1. Tổng quan**
Tháng 01/2020, khi thông tin tiêu cực về sự bùng phát của dịch COVID-19 trên toàn cầu ngày càng được lan truyền rộng rãi, VN-Index đã bắt đầu chuỗi phiên giảm điểm mạnh và đánh mất hơn 30% giá trị chỉ trong khoảng một tháng. Đợt sụt giảm này được ghi nhận là một trong những đợt giảm điểm nhanh và mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán, với sự phục hồi hình chữ V cũng nhanh và mạnh không kém, trong sự ngỡ ngàng của đại đa số nhà đầu tư. Kể từ khi tạo đáy, VN-Index đã quay đầu tăng phi mã trong hơn một năm ròng rã và liên tục phá vỡ những đỉnh cao cũ cũng như thiết lập những đỉnh cao mới, trước tiên là đỉnh lịch sử 1,200 điểm vào tháng 4 và gần đây nhất là mốc 1,300 điểm trong tháng 5. Ở thời điểm này, có lẽ nhiều nhà đầu tư đang nhìn nhau và tự hỏi, liệu thị trường còn tăng đến bao giờ?
Kỳ thực, câu hỏi này rất khó để trả lời, đối với không chỉ lớp nhà đầu tư “F0” mới gia nhập thị trường mà còn đối với những nhà đầu tư kỳ cựu, đã có nhiều năm kinh nghiệm giắt lưng. Bởi lẽ, mỗi đợt sụt giảm mạnh của thị trường đều có những nguyên nhân khác nhau đứng đằng sau, và việc xác định được đâu là đỉnh, đâu là đáy sẽ chỉ rõ ràng khi ta nhìn về quá khứ. Điều duy nhất chúng ta có thể nhận định một cách tương đối chắc chắn là khi VN-Index tăng càng cao, rủi ro điều chỉnh của thị trường càng hiện hữu. Trong bài phân tích này, chúng tôi điểm lại một số đợt sụt giảm mạnh của VN-Index trong hơn 20 năm vận hành của thị trường chứng khoán:
(1) Tháng 10/2007 – tháng 02/2009: Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế diễn ra trên toàn thế giới, VN-Index đánh mất 79% trong \~500 phiên.
![2007.jpg](file-guid:71b39731-71e6-4c74-8a0d-0b950c7ea6f5 "2007.jpg")
(2) Tháng 04/2018 – tháng 07/2018: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, gây ra bất ổn trên toàn cầu. VN-Index giảm 26% trong \~90 phiên.
![2018.jpg](file-guid:fbef16c4-d99c-4225-81c5-a8d7874c9bb5 "2018.jpg")
(3) Tháng 01/2020 – tháng 03/2020: Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên diện rộng, khiến nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ. VN-Index giảm 60% trong \~60 phiên.
![2020.jpg](file-guid:f745dddc-bf44-4dd1-aa86-b739a0fec6f2 "2020.jpg")
Tất cả những đợt sụt giảm này đều rất khó để dự đoán trước, nhất là đối với những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Vậy, có lẽ nhà đầu tư sẽ phân vân, làm thế nào để giảm thiểu rủi ro cho danh mục trong trường hợp thị trường điều chỉnh mạnh?
**2. Lợi nhuận cổ phiếu trong thị trường giá xuống**
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi nghiên cứu biến động giá của tất cả cổ phiếu trong các giai đoạn trên, loại trừ các mã không có thanh khoản, nhằm phản ánh chính xác cung / cầu trên thị trường. Thông tin về lợi nhuận trung bình theo nhóm ngành được tổng hợp trong bảng dưới đây.
**Lợi nhuận trung bình của cổ phiếu theo nhóm ngành trong thị trường giá xuống**
![Bear Markets.png](file-guid:c1859af2-b5bb-4f25-91da-3dd809d3a00b "Bear Markets.png")
Quan sát dữ liệu trong bảng thống kê trên, đầu tiên nhà đầu tư có thể nhận thấy hầu hết các mức lợi nhuận đều là âm. Điều này cho thấy, trong một thị trường giá xuống, có thể có những mã bị ảnh hưởng ít, có những mã bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên nhìn chung sẽ ít cổ phiếu có thể giữ giá hoặc tăng giá. Ngoài ra, tùy vào bản chất của từng đợt sụt giảm mà sẽ có những nhóm ngành giảm ít hoặc giảm nhiều, nhưng những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao như dầu khí thường sẽ có biến động giá tiêu cực hơn cả.
Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành mang tính chất phòng thủ như Y tế, Điện, nước & xăng dầu khí đốt, Hóa chất thường sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi diễn biến thị trường chung. Bởi lẽ, trong hầu hết các điều kiện kinh tế khác nhau, người dân sẽ luôn có nhu cầu sử dụng thuốc, tiêu thụ điện nước, chăm bón cây lương thực, … Vì vậy, đa số công ty trong các ngành này có doanh thu lợi nhuận đều đặn, ít có sự bứt phá nhưng cũng ít có sự sụt giảm. Cổ phiếu của các công ty này nhìn chung sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trong những điều kiện thị trường tiêu cực.
Trong các nhóm ngành này, nhà đầu tư có thể chú ý tới một số mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh khả quan trong dài hạn như sau:
\- Y tế: **[DHG](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=DHG)**, **[IMP](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=IMP)**, **[TRA](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=TRA)**, **[DBD](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=DBD)**
\- Điện, nước & xăng dầu khí đốt: **[PPC](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=PPC)**, **[HND](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=HND)**, **[CHP](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=CHP)**, **[BWE](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=BWE)**
\- Hóa chất: **[DCM](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=DCM)**, **[DPM](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=DPM)**, **[LTG](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=LTG)**
**3. Lời kết**
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được giữ ở mức thấp và lạm phát rục rịch gia tăng trên thế giới, chứng khoán tiếp tục là một thị trường hấp dẫn đối với đại bộ phận nhà đầu tư. Khi số tài khoản chứng khoán mở mới liên tục phá vỡ các kỷ lục mỗi tháng, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán và xu hướng tăng vẫn được củng cố, có thể nhiều nhà đầu tư vẫn yên tâm nắm giữ những cổ phiếu mang tính tấn công như Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, … Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp hơn, muốn đa dạng hóa danh mục để bảo vệ tài sản của mình, những nhóm ngành phòng thủ nói trên cũng là một lựa chọn. Ngoài ra, thay vì đầu tư vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc một số kênh khác có tính rủi ro thấp hơn như tiền gửi và trái phiếu.