Hầu hết tất cả người dân Việt Nam vừa trải qua một kỳ nghỉ tết nguyên đán ấm cúng, đoàn viên bên gia đình sau hơn một năm dài chống chọi với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trong câu chuyện đầu xuân mới, ai cũng hy vọng 2022 được thành công, phát tài, phát lộc, … Đầu năm “mua con gì, trồng cây gì” cũng là câu hỏi rất phổ biến của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán để khai xuân 2022 nhiều thuận lợi.
Trước những triển vọng tích cực về việc phục hồi nền kinh tế trong 2022 và ngành sản xuất hàng tiêu dùng/bán lẻ đồng thời cũng là ngành hưởng lợi đáng kể trong dịp tết nguyên đán, liệu rằng đầu tư vào mã chứng khoán đầu ngành này có phải là gợi ý khai xuân đúng đắn?
Để biết được câu trả lời, xin mời quý nhà đầu tư đọc viết về MSN – doanh nghiệp đầu ngành đã được chúng tôi lựa chọn để nghiên cứu như sau:
Tổng kết lại KQKD 2021 của [MSN](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=MSN) cho thấy doanh nghiệp đã có một năm tăng trưởng vượt bậc và cải thiện hiệu quả đáng kể. Cụ thể:
**Hình 1. Doanh thu và lợi nhuận MSN 2018-2021 (nghìn tỷ đồng)**
![image.png](file-guid:ea1f0e18-8903-4d08-9ffc-0e30fa673aaf "image.png")
*Nguồn: TCBS, MSN*
· Doanh thu đạt mức 88,629 tỷ đồng, tăng 15% yoy nhờ sự tăng trưởng hầu hết các mảng kinh doanh cốt lõi:
o CrownX ([MCH](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=MCH) và Wincommerce) đạt 58 nghìn tỷ đồng - chiếm khoảng 66% tổng doanh thu - tăng trưởng 7%. Trong đó, WCM duy trì được KQKD và MCH đã tăng trưởng ấn tượng 20%.
o [MML](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=MML) tăng trưởng 17% yoy. Tuy nhiên, nếu chỉ xét trên cơ sở tương đương đối với mảng TACN (đã chuyển nhượng cho Deheus VN trong T12) thì doanh thu tăng trưởng lên đến 27%.
o [MSR](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=MSR) tăng trưởng 80% yoy nhờ vào giá kim loại vẫn duy trì ở mức cao.
**Hình 2. Doanh thu theo mảng 2018-KH2022 (nghìn tỷ đồng)**
![image.png](file-guid:54db69eb-ed7e-41b9-bdfb-7f0797b0194e "image.png")
*(\*) MML: KH2022 chủ yếu bao gồm mảng thịt mát do MSN đã chuyển nhượng mảng TACN cho Deheus VN trong Q4/2021.*
*Nguồn: TCBS, MSN*
· Lợi nhuận gộp đạt mức 22,135 tỷ đồng, tăng 24% và LNST đạt mức 8,563 tỷ đồng, gần gấp 7 lần so với 2020 (trong đó, việc chuyển nhượng mảng TACN đã đóng góp \~ 5,000 tỷ đồng cho LNST, nếu loại bỏ thu nhập tài chính bất thường này thì LNST 2021 vẫn gấp \~ 2.8 lần so với 2020).
· Điểm đáng nổi bật là chuỗi WCM đã liên tiếp ghi nhận EBITDA dương trong 4 quý liên tiếp và bắt đầu ghi nhận LNST dương trong Q3/2021. Qua đó, giúp EBITDA của cả tập đoàn đạt mức 16,280 tỷ đồng, tương ứng với tăng trưởng 58% yoy.
Từ kết quả kinh doanh như trên, chúng tôi duy trì quan điểm: MSN là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ với nền tảng cơ bản tốt. Bên cạnh đó, với tiềm năng tăng trưởng trong trung-dài hạn tích cực nhờ thực hiện chiến lược Point of Life, đây xứng đáng là một mã chứng khoán có thể được đầu tư và nắm giữ lâu dài.
Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư trong một khoảng thời gian ngắn hơn, MSN có còn là cơ hội hấp dẫn? Và những ngày đầu năm mới có phải là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư giải ngân và nhận “lì xì” như chúng tôi đã đặt vấn đề ngay từ đầu?
Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi tiến hành các bước nghiên cứu như sau:
Trước tiên, chúng tôi quan sát diễn biến giá cổ phiếu theo tháng trong giai đoạn 2018-2022 (Hình 3) của MSN và thấy rằng: giá cổ phiếu thường có xu hướng đi ngang hoặc tăng nhẹ trong T2-T7, gia tăng rõ nét hơn trong T8-T12 và có xu hướng quay lại điều chỉnh trong T1 và T2.
\
**Hình 3. Thay đổi giá cổ phiếu theo tháng 2018-T1/2022**
![image.png](file-guid:2ec230ea-71e3-4505-aa6e-1be55215ee88 "image.png")
*Nguồn: TCBS, TCData*
Như vậy, dữ liệu diễn biến giá trong quá khứ cho thấy: Q1 hàng năm có thể là thời gian phù hợp để nhà đầu tư bắt đầu giải ngân và tích lũy cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng việc giải ngân ngay tại những tháng đầu năm liệu có quá sớm và cần thiết để đón những đợt gia tăng vào cuối năm?
Để giải đáp thắc mắc trên, chúng tôi lại tiếp tục phân tích về tỷ suất sinh lời theo tháng kết hợp với đánh giá rủi ro biến động giá (độ lệch chuẩn) trong 2018-T1/2022 (Hình 4a, 4b, 4c) và đã phát hiện một số điểm như sau:
**Hình 4a. Phẩn bổ tỷ suất sinh lời (“TSSL”) theo từng tháng 2018-T1/2022**
![image.png](file-guid:22aa9f50-fda1-47ac-a641-dc5fcc13cb1d "image.png")
*Nguồn: TCBS, TCData*
**Hình 4b. Tỷ suất sinh lời trung bình trên một đơn vị rủi ro theo tháng 2018-T1/2022**
![image.png](file-guid:7a1e58a2-7ded-49c8-a49f-5a5fe49bdfaf "image.png")
*(Đồ thị cột thể hiện TSSL trung bình theo tháng và đồ thị đường thẳng thể hiện giá trị TSSL trung bình trên một đơn vị rủi ro theo tháng)*
*Nguồn: TCBS, TCData*
**Hình 4c. Phân bổ tỷ suất sinh lời trung bình trên một đơn vị rủi ro theo tháng 2018-T1/2022**
![image.png](file-guid:1544a946-45a5-4fc9-bc19-761d1ba0a94d "image.png")
*Nguồn: TCBS, TCData*
· Dựa vào hình 3 và 4a, khi xét tỷ suất sinh lời theo từng tháng, các tháng trong Q1 và nửa đầu Q2 trong quá khứ vẫn cho tỷ suất sinh lời trung bình dương trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh và phục hồi dần vào Q4.
*Lưu ý khác: trong suốt giai đoạn quan sát, các điểm ngoại lai – đại diện cho các mức sinh lời đột biến được thể hiện bằng các dấu chấm trong hình 4a - thường thể hiện các mức sinh lời dương. Do đó, nhà đầu tư có thể bỏ qua các điểm ngoại lại trong quá trình đánh giá diễn biến giá cổ phiếu và tỷ suất sinh lời theo tháng.*
· Dựa vào hình 4b và 4c, khi kết hợp với đánh giá về rủi ro đầu tư (thông qua đơn vị là độ lệch chuẩn, đo lường mức độ biến động về giá cổ phiếu) thì các tháng đầu năm cho thấy, tỷ suất sinh lời trung bình trên một đơn vị rủi ro trong giai đoạn này vẫn cao hơn so với các tháng khác trong năm.
Từ các quan sát trên có thể kết luận rằng: trong quá khứ, việc giải ngân vào MSN từ các tháng đầu năm không chỉ cho lợi nhuận nếu đầu tư đến hết năm mà còn đảm bảo về tính cân bằng giữa tỷ suất sinh lời và rủi ro ngay trong từng tháng giải ngân và nắm giữ.
Thông thường, việc đầu tư cần được xem xét và đánh giá một cách đầy đủ các phương diện như: nền tảng cơ bản, triển vọng kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, xu hướng dòng tiền, điều kiện thị trường, khẩu vị rủi ro, … Tuy nhiên, phát hiện nêu trên của chúng tôi cũng có thể là một yếu tố giúp nhà đầu tư cân nhắc trong những ngày đầu năm mới nếu ưa thích và quan tâm cổ phiếu đầu ngành sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ như MSN.