Ngày 17/6/2021 vừa qua, MPC đã tổ chức ĐHCĐ 2021 trực tuyến. ĐHCĐ đã chính thức thông qua kế hoạch kinh doanh 2021 như sau:
* **Doanh thu** dự kiến đạt 15,755 tỷ đồng, tăng 10% so với 2020 chủ yếu nhờ vào việc: khôi phục xuất khẩu tại thị trường Mỹ, duy trì mức tăng trưởng cao ở các thị trường Canada, Nhật Bản và Úc và tăng thị phần xuất khẩu vào EU để được hưởng lợi từ các hiệp định EVFTA và UKVFTA.
* **Lợi nhuận sau thuế** dự kiến đạt 1,092 tỷ đồng, tăng 62% so với 2020 chủ yếu nhờ vào việc: (1) [MPC](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=MPC) tăng mức độ tự chủ trong nguồn nguyên vật liệu đầu vào, qua đó, cải thiện biên lợi nhuận gộp và (2) tăng cơ cấu sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
* **Tỷ lệ chi trả cổ tức** dự kiến 50%-70% (tương ứng với tỷ suất cổ tức tại giá đóng cửa ngày 17/6/2021 lên đến 12%-17%)
* **Về kế hoạch đầu tư sản xuất:** 2021 cũng là năm MPC bước đầu phác thảo kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh, từ đó làm chủ được nguồn nguyên liệu sạch. Chuỗi giá trị tôm này sẽ được triển khai xây dựng dưới 5 mô hình chính. Trong đó, con giống quyết định trên 60% thành công của nuôi tôm. Để có con giống tốt, MPC sẽ xây dựng khu sản xuất tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ thích nghi, kháng bệnh lớn nhanh cùng khu sản xuất tôm giống chất lượng cao ở tỉnh Ninh Thuận kết hợp khu sản xuất con dời và tảo làm thức ăn cho tôm.
Như vậy, tính đến hết Q1/2021, MPC chỉ mới đạt được 18% kế hoạch doanh thu và 2% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của việc gia tăng mạnh chi phí logistic, khan hiếm container đối với hoạt động xuất khẩu của VN trong Q1/2021. Trước tình hình chung toàn ngành như trên, MPC đã có sự chuyển dịch trong chính sách bán hàng, cụ thể: MPC chủ trương không ký hợp đồng trước mà tháng nào ký tháng đó. Cụ thể:
* Ước tính tháng 5, Công ty ký được 13.043 tấn tôm, tương đương tổng giá trị 150 triệu USD. Tháng 6 tính đến ngày 16/6 ký thêm được 3.500 tấn, tương ứng giá trị 45 triệu USD. Bắt đầu từ giữa tháng 7 trở đi, MPC sẽ mới ký mạnh các hợp đồng bởi giá lúc đó dự kiến sẽ tốt hơn.
* Ước tính LNST 6T/2021 có thể đạt khoảng 300 tỷ đồng \~ 27% kế hoạch của năm.
**Nhận định**: chúng tôi đánh giá năm 2021 là năm MPC có khả năng khôi phục mô xuất khẩu, đặc biệt đối với thị trường Mỹ khi vừa qua Mỹ đã chính thức bãi bỏ cáo buộc về tôm có nguồn gốc Ấn Độ đối với MPC, do đó, khả năng tăng trưởng doanh thu 10% như kế hoạch là khả thi. Tuy nhiên, đối với tăng trưởng về lợi nhuận: thực tế Q1/2021, mặc dù biên lợi nhuận gộp của MPC tiếp tục được duy trì ở mức tốt, do áp lực lớn từ chi phí logistic khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn và ảnh hưởng tiêu cực do sự kéo dài của dịch Covid-19, lợi nhuận sau thuế của MPC chỉ đạt mức 22 tỷ đồng và giảm mạnh 55% so với cùng kỳ. Do đó, khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lên đến 62% như trên có thể gặp nhiều thách thức. Với điểm rơi doanh thu và lợi nhuận thường vào Q3 và Q4 hàng năm, chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế có thể tăng trưởng ở mức thận trọng 10% tương ứng với tăng trưởng doanh thu. Tham khảo dự phóng của chúng tôi về MPC tại [MPC](https://static.tcbs.com.vn/oneclick/MPC.pdf)
**Về mặt kỹ thuật,** trong 2 tuần vừa qua, cổ phiếu trong xu hướng tăng ngắn hạn, giá cổ phiếu đi tiệm cận với dài Bollingerband trên, các đường MA ngắn hạn vượt lên trên MA trung và dài hạn, khối lượng giao dịch lớn. Vùng giá này cũng là vùng giá lịch sử của MPC kể từ khi tái niêm yết tại UPCOM. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá xu hướng tăng đang chậm lại cùng với rủi ro về việc điều chỉnh chung của thị trường, nhà đầu tư nên **CHỜ MUA** đối với MPC
![image.jpg](file-guid:e5f24ace-7333-4af5-929c-6fbce67b0e9e "image.jpg")