Bước sang 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục ghi nhận những kết quả tăng trưởng ấn tượng: Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, tổng xuất khẩu đạt 1.34 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, hai thị trường Mỹ (21% thị phần xuất khẩu) và EU (15% thị phần xuất khẩu) là hai thị trường tăng trưởng xuất khẩu chính, lần lượt ở mức 20% và 22% yoy.
Trước kết quả tích cực đó, chúng tôi thắc mắc: **các doanh nghiệp niêm yết xuất khẩu tôm hàng đầu tại Việt Nam hưởng lợi như thế nào trước tình hình xuất khẩu khởi sắc của toàn ngành?**
Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi tiến hành quan sát mức độ tương quan giữa tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất với tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành. Tương tự như chuỗi bài phân tích trước đây, MPC và FMC tiếp tục được lựa chọn để thực hiện nhận định chuyên sâu. Tham khảo bài viết gần nhất tại: [Phân tích chuyên sâu ngành thủy sản_Part 1](http://iwealthclub.com.vn/content/perma?id=76366)
Trước hết, chúng tôi quan sát dữ liệu theo quý trong giai đoạn Q1/2017-Q1/2021 (Hình 1) và thấy rằng có mối tương quan thuận giữa tăng trưởng giá trị xuất khẩu tôm toàn ngành với tăng trưởng doanh thu tôm của MPC và FMC.
![image.png](file-guid:8136726a-b246-45d0-aea7-33c97849a859 "image.png")
Tiếp tục quan sát dữ liệu trong giai đoạn ngắn hơn Q1/2020-Q1/2021 (Hình 2) – thời kỳ nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, chúng tôi đã tìm ra một phát hiện thú vị: mặc dù cả 2 doanh nghiệp đều duy trì tương quan thuận, mức độ tương quan của FMC không chỉ cao hơn của MPC mà còn có xu hướng gia tăng so với kỳ quan sát trước đó.
![image.png](file-guid:456aac5b-4bb5-4102-874a-86efb548497f "image.png")
Vậy điều gì dẫn tới sự khác biệt lớn nêu trên giữa FMC và MPC? Một trong những lý do chính được chúng tôi tìm thấy như sau:
· **Đối với FMC**: hơn 60% thị trường xuất khẩu chính của FMC là EU và Nhật Bản. Trong năm 2020, Việt Nam đã duy trì được hoạt động xuất khẩu sang Nhật và tăng trưởng hơn 6.1% vào thị trường EU, do đó, FMC được hưởng lợi đáng kể từ tăng trưởng chung của toàn ngành. Hơn thế nữa, trong năm này, FMC còn hoàn thành mở rộng thêm 81 ha vùng nuôi tôm sinh thái – tương ứng với 50% công suất tăng thêm và đưa kho lạnh hơn 6,000 tấn đi vào hoạt động. Qua đó, giúp doanh thu toàn năm 2020 của FMC đạt 4,415 tỷ đồng, tăng 20% so với 2019 và đây cũng là mức doanh số kỷ lục của FMC tính đến hiện tại.
· **Đối với MPC:** thị trường chính là Mỹ (39%) và Nhật Bản (24%). Trong năm 2020, MPC bị cáo buộc về trừng phạt áp thuế chống bán phá giá với Tôm Ấn Độ tại Mỹ, điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của MPC vào thị trường này. Do đó, mặc dù 2020 MPC đã tăng trưởng tốt ở thị trường Nhật Bản ở mức 18% yoy, sự sụt giảm doanh thu hơn 40% tại thị trường Mỹ đã khiến tổng doanh thu của MPC chỉ đạt mức 14,329 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2019.
**Kết luận chung:** Từ phát hiện nêu trên, trong bối cảnh xuất khẩu tôm Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục duy trì được sự khởi sắc trong năm 2021, đặc biệt đối với 2 thị trường chính là Mỹ và EU, chúng tôi cho rằng quy mô hoạt động của FMC và MPC sẽ được tiếp tục cải thiện trong ngắn hạn nhờ các yếu tố:
· **Đối với FMC:** tiếp tục hưởng lợi từ tình hình xuất khẩu chung của toàn ngành và hiện nay, FMC đang nỗ lực để tối ưu hóa được công suất sản xuất của các nhà máy mới hiện hữu. Tham khảo cập nhật mới nhất về FMC tại link: [Cập nhật FMC_2021](http://iwealthclub.com.vn/content/perma?id=550807)
· **Đối với MPC:** Mỹ đã chính thức hủy bỏ các cáo buộc về sai phạm xuất khẩu tôm có nguồn gốc Ấn Độ đối với MPC kể từ T2/2021, qua đó, sự phục hồi tại thị trường Mỹ sẽ là động lực giúp MPC quay lại tăng trưởng. Tham khảo cập nhật mới nhất về MPC tại link: [Cập nhật MPC_2021](http://iwealthclub.com.vn/content/perma?id=573515)
Do đó, chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị **CHỜ MUA** đối với FMC và MPC tại thời điểm hiện tại.