Khoảng trống giá (hay còn gọi là Gap) là hiện tượng xảy ra sau khi mở cửa phiên giao dịch, giá cổ phiếu không tiếp tục với bước giá đóng cửa của ngày hôm trước mà “nhảy vọt” lên hoặc xuống tạo một khoảng trống lớn trên đồ thị phân tích kỹ thuật. Khoảng trống giá của một cổ phiếu thường xảy ra khi có thông tin hay sự kiện quan trọng mới của doanh nghiệp hoặc thị trường chung, làm gia tăng số lượng người mua đối với cổ phiếu đó.
Trong hình là cổ phiếu MBB tạo một khoảng trống tăng giá vào ngày 03/06/2021 ngay sau công bố thông tin chính thức về việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn theo phương án chi trả cổ tức với tỷ lệ 35%.
[https://cafef.vn/mb-duoc-chap-thuan-tang-von-them-gan-10000-ty-dong-20210603103301506.chn](https://cafef.vn/mb-duoc-chap-thuan-tang-von-them-gan-10000-ty-dong-20210603103301506.chn)
![image.png](file-guid:b9f25a78-7937-422f-952f-c558d7d60607 "image.png")
Có 3 loại Khoảng trống giá phổ biến là: Khoảng trống giá Phá vỡ (Break-away Gap), Khoảng trống giá Tiếp diễn (Run-away Gap) và Khoảng trống giá Suy kiệt (Exhaustion Gap)
**Khoảng trống giá Phá vỡ (Break-away Gap**) xuất hiện khi giá vượt khỏi vùng giao dịch ổn định hoặc xu hướng giảm giá trước đó. Break-away Gap thường xuất hiện trong giai đoạn đầu của một xu hướng tăng giá mới, cho thấy sự “quyết liệt” từ bên mua, áp đảo hoàn toàn bên bán (Hình minh họa)
![image.png](file-guid:d02a9fec-be59-416b-9451-cb171b48f83b "image.png")
Khi xu hướng này tiếp tục, một loại khoảng trống giá khác gọi là **khoảng trống giá Tiếp diễn (Run-away Gap)** thường xuất hiện. Run-away Gap xuất hiện khi giá mở cửa cao hơn đáng kể so với giá đóng cửa phiên trước đó **trong** một xu hướng tăng giá đã được thiết lập. Thông thường, giá sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Run-away Gap trong vòng một vài ngày hoặc một vài tuần. Nó cho thấy xu hướng tăng vẫn còn đủ mạnh để tạo một khoảng trống khi cổ phiếu đang ở giữa xu hướng tăng. Run-away Gap không nhất thiết phải phá vỡ mức hỗ trợ hay mức kháng cự chính (như Break-away) nhưng nó phải xảy ra theo **cùng hướng với xu hướng hiện tại** (hình minh họa)
![image.png](file-guid:62baf6b6-f12b-4712-9121-e117684b5423 "image.png")
Khi một xu hướng tăng giá gần kết thúc, **Khoảng trống giá Suy kiệt (Exhaustion Gap)** có thể xuất hiện. Exhaustion Gap thường xảy ra vào gần cuối xu hướng và được gây khi nhóm những người mua cuối cùng mất kiên nhẫn và quyết định “mua đuổi”.
![image.png](file-guid:0b1c85f5-85bf-4d07-8505-3a529a5c0d53 "image.png")
Việc thực hiện giao dịch mua vào khi giá cổ phiếu tạo Khoảng trống giá có thể đem đến cảm giác “thỏa mãn” cho nhà đầu tư do đa phần nhà đầu tư sẽ có cảm giác mình được hòa vào trong đám đông đang “hừng hực khí thế”. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giá cổ phiếu có xu hướng quay lại bằng với mức giá trước khi tạo Gap – hay còn gọi là Lấp gap, gây ra trạng thái lỗ ngắn hạn cho nhà đầu tư. **Vậy liệu thực sự chúng ta có nên thực hiện giao dịch mua khi Khoảng trống tăng giá xuất hiện?**
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi tiến hành thống kê hơn 2,000 điểm tạo khoảng trống giá của nhóm cổ phiếu VN30 từ năm 2012 trở lại đây. Sau khi xác định được những điểm tạo Gap, chúng tôi tiếp tục thống kê số trường hợp giá cổ phiếu quay về lấp gap trong vòng 30 phiên tiếp theo. Thật bất ngờ, số trường hợp quay về lấp Gap là hơn 1,500 điểm – tương ứng tỷ lệ **75% trường hợp lấp Gap! Điều này có nghĩa là cứ 4 lần cổ phiếu tạo Gap thì 3 lần cổ phiếu quay về lấp Gap.** Một thống kê đáng lưu ý!
Tiếp theo, chúng tôi tiến hành phân loại những trường hợp tạo Gap theo 3 loại Gap ở trên: Break-away Gap, Run-away Gap và Exhaustion Gap, theo tiêu chí như sau:
\+) Break-away Gap: Giá cổ phiếu có nhịp tăng dưới 10% trong vòng 20 phiên gần nhất trước khi tạo Gap
\+) Run-away Gap: Giá cổ phiếu có nhịp tăng từ 10% - 25% trong vòng 20 phiên gần nhất trước khi tạo Gap
\+) Exhaustion Gap: Giá cổ phiếu có nhịp tăng hơn 25% trong vòng 20 phiên gần nhất trước khi tạo Gap
Biểu đồ tròn số 1 dưới đây thể hiện phần trăm theo số lượng của các loại Gap. Biểu đồ tròn số 2 thống kê tỷ lệ trường hợp lấp Gap chia theo từng loại. Chúng ta có thể thấy phần lớn trường hợp tạo Gap và lấp Gap rơi vào phân loại Break-away Gap – nghĩa là giá cổ phiếu đang ở đầu xu hướng tăng.
![image.png](file-guid:63e72d04-a19b-40e3-9cdc-e06dae356eb1 "image.png")
Bảng dưới đây thống kê xác suất lấp Gap theo từng loại Gap, cho thấy rằng tín hiệu tạo Gap không thực sự mạnh như chúng ta nghĩ. **Trung bình có đến 75% trường hợp tạo ra Khoảng trống giá nhưng cổ phiếu không tiếp tục tăng mà quay lại điểm xuất phát trong vòng 30 phiên**. Riêng Exhaustion Gap có tỷ lệ lấp lên đến hơn 80% do cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong những phiên trước đó (>25% trong vòng 20 phiên gần nhất). Khi giá cổ phiếu dần đi về cuối xu hướng tăng mạnh là khi những nhóm những người mua cuối cùng mất kiên nhẫn và quyết định “mua đuổi”. Đây là lúc dòng tiền lớn thoát khỏi thị trường và nhường miếng bánh cuối cho những kẻ đến muộn.
![image.png](file-guid:217ce180-e9e4-4f27-a252-60c0a04c2562 "image.png")
Tiếp theo, chúng tôi thống kê tỷ lệ lấp Gap phân chia theo từng năm. Có thể thấy, những năm có tỷ lệ lấp Gap thấp nhất là 2016, 2017 và 2020 - nằm quanh mức 65% (so với trung bình là 75%). Điều này tương đối hợp lý do 3 năm này đều chứng kiến những cơn “sóng thần” – những nhịp tăng rất mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, tỷ lệ % cổ phiếu quay về lấp Gap thấp hơn so với những năm còn lại. Ngược lại, năm 2018 và 2019 chứng kiến những nhịp sụt giảm mạnh, thị trường ở trạng thái dễ “tổn thương” nên tỷ lệ lấp Gap luôn duy trì ở mức rất cao (trên 80%).
![image.png](file-guid:78d4f630-9cbe-4689-be64-f3371aa96908 "image.png")
Cuối cùng, chúng tôi nghiên cứu về phân bổ tỷ lệ lấp gap theo số ngày. Ở đồ thị dưới, trục hoành hiển thị số phiên sau khi xuất hiện tín hiệu tạo Gap còn trục tung nêu lên số trường hợp bị lấp gap trong phiên hôm đó. Điểm thú vị là có tới **66% cổ phiếu quay lại lấp Gap trong vòng 5 phiên đầu tiên và 84% cổ phiếu quay lại lấp gap trong 10 phiên đầu tiên**. Điều này có nghĩa là các **khoảng trống giá bị lấp rất sớm, và nếu Gap không bị lấp trong vòng 10 phiên đầu tiên thì xác suất cao là sẽ không bị lấp trong vòng 20 ngày tiếp sau đó.**
\
![image.png](file-guid:b699db75-bd88-47a1-b037-a61336c0212f "image.png")
**Kết luận:** Qua quá trình phân tích, chúng tôi đưa ra một số nhận định như sau:
\+) Mua vào phiên tăng mạnh khi giá cổ phiếu tạo Khoảng trống giá không phải là một chiến lược đầu tư khôn ngoan do xác suất giá cổ phiếu quay lại lấp gap ở mức rất cao (trung bình 75%). Do đó, việc **mua vào tại phiên tạo khoảng trống giá có xác suất cao sẽ gây ra mức lỗ ngắn hạn cho nhà đầu tư.**
\+) Xác suất lấp Gap có sự thay đổi phụ thuộc vào xu hướng của thị trường chung: Trong 1 thị trường uptrend mạnh, xác suất lấp Gap thấp hơn. Và ngược lại.
\+) Có xác suất tới **hơn 80% cổ phiếu sẽ bị lấp gap trong vòng 10 phiên đầu tiên**. Nếu cổ phiếu không bị lấp Gap trong khoảng thời gian này, tỷ lệ lấp Gap sẽ giảm mạnh, mở ra cơ hội kiếm lời. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân.
Trong bài phân tích tiếp theo, chúng tôi sẽ gửi đến nhà đầu tư **chiến lược giao dịch với Khoảng trống giá** và cách để **tối ưu hóa lợi nhuận khi giao dịch với Khoảng trống giá**. Chúc nhà đầu tư giao dịch thành công!