Hủy niêm yết chứng khoán là việc chấm dứt giao dịch một mã cổ phiếu niêm yết tại một sở giao dịch chứng khoán. Theo quy định luật chứng khoán, cổ phiếu sẽ bị buộc hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: sản xuất, kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp; lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; tổ chức niêm yết không đáp ứng được điều kiện niêm yết (vi phạm công bố thông tin, chậm nộp BCTC,...)... Có những trường hợp doanh nghiệp tự nguyện hủy niêm yết do sáp nhập, hợp nhất, tuy nhiên nhìn chung thông tin hủy niêm yết thường đem lại rủi ro và lo ngại cho các nhà đầu tư. Nếu đã nắm giữ một cổ phiếu có kế hoạch hủy niêm yết, nhà đầu tư nên làm gì?
Chúng tôi lấy dữ liệu lịch sử giá của 30 cổ phiếu đã hủy niêm yết trong giai đoạn từ 2011 đến 2021 trên hai sàn HOSE và HNX (Sàn UPCOM là ngoại lệ do các cổ phiếu sau khi hủy niêm yết trên hai sàn kia thường được đăng ký giao dịch trên UPCOM để duy trì thanh khoản của cổ phiếu). Dựa trên các dữ liệu này, chúng tôi tính biến động giá cổ phiếu trung bình nếu nhà đầu tư nắm giữ 10, 20, 60, 120 và 180 phiên trước phiên giao dịch cuối cùng (sau đây được gọi là phiên T) của cổ phiếu hủy niêm yết. Biến động giá được tính theo công thức: **(Giá đóng cửa trung bình của n phiên trước đó/Giá đóng cửa tại phiên T) - 1**, trong đó n là số phiên nhà đầu tư nắm giữ trước khi bán cổ phiếu vào ngày hủy niêm yết.
Hình 1 cho thấy các nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu lên tới 180 phiên trước ngày hủy niêm yết có cơ hội lãi rất cao nhưng cũng có thể lỗ rất lớn. Ví dụ: Giá trung bình của VPK trong 180 phiên trước ngày T đang thấp hơn 75% so với giá tại phiên giao dịch cuối cùng. Do đó, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này đang có lãi. Ngược lại, giá trung bình của YSC trong 180 phiên trước ngày T đang cao hơn 154% so với giá tại phiên giao dịch cuối cùng. Vì vậy, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này đang chịu lỗ. **Nhìn chung, biến động trung bình chỉ ra rằng hầu hết các nhà đầu tư sẽ chịu lỗ dù nắm giữ một cổ phiếu hủy niêm yết ở bất cứ khung thời gian nào.**
![image.png](file-guid:afcc6466-6f99-4cb9-a36a-0da5adc8a75f "image.png")
![image.png](file-guid:f05c65e9-8b40-4b09-996d-47cdfd47be7e "image.png")
Hình 2 cho thấy giá cổ phiếu có biến động cao hơn ở các phiên xa ngày T và có xu hướng giảm dần khi đến các phiên gần ngày giao dịch cuối cùng. Biểu đồ cũng thể hiện biến động càng cao (thân hộp kéo dài) thì tỷ suất lợi nhuận cũng tăng nhưng tỷ suất lợi nhuận trung bình (đường nằm ngang giữa thân hộp) lại giảm dần. Điều này một lần nữa chứng minh rằng **mặc dù số ít nhà đầu tư có lãi lớn nhưng đa phần đều ghi nhận lỗ khi cầm cổ phiếu hủy niêm yết trong thời gian dài**.
Để phân tích thêm về mức độ rủi ro của cổ phiếu hủy niêm yết, chúng tôi xem xét dữ liệu độ lệch chuẩn của các cổ phiếu này
![image.png](file-guid:651cf160-5ce7-4268-a73c-c1a99be4b0f6 "image.png")
Kết quả độ lệch chuẩn được chia theo từng sàn cho thấy các mã cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE có biến động giá cao hơn sàn HNX trong các phiên giao dịch trước ngày hủy niêm yết. Các đường radar màu đỏ nghiêng về các phiên xa trên biểu đồ cho thấy độ lệch chuẩn cao hơn ở các phiên này, đồng nghĩa với việc **rủi ro cho các nhà đầu tư càng cao nếu nắm giữ các cổ phiếu càng lâu.**
**Kết luận:**
* Nhà đầu tư **KHÔNG NÊN** đầu tư vào các mã sẽ hủy niêm yết. Trong trường hợp công ty dự kiến hủy niêm yết do sáp nhập, nhà đầu tư nên biết trước giá mua lại của Công ty mẹ và/hoặc tỷ lệ hoán đổi trước khi giải ngân.
* Cổ phiếu hủy niêm yết có rủi ro càng cao nếu nắm giữ trong khung thời gian càng dài, vì thế các nhà đầu tư thận trọng nên cân nhắc chốt lời/lỗ sớm nhất đối với loại cổ phiếu này.
Ngoài ra, trước khi đầu tư một cổ phiếu, nhà đầu tư nên nắm bắt rõ tình hình kinh doanh, sức khỏe tài chính cũng như tình hình quản trị để giảm nguy cơ đầu tư vào một cổ phiếu có thể hủy niêm yết. Để thuận tiện, các nhà đầu tư có thể tham khảo thêm “Danh sách không khuyến nghị” của TCBS trong đó chúng tôi đã phân loại các nhóm cổ phiếu có các dấu hiệu như tình hình kinh doanh và tài chính yếu kém, có vấn đề về quản trị doanh nghiệp…
![image.png](file-guid:65bbefb8-6e8b-4e1c-9132-9aa59e841eb0 "image.png")