Lạm phát tăng cao đang là vấn đề được quan tâm toàn cầu. Vào tháng 3/2022, thị trường Mỹ ghi nhận lạm phát ở mức 8,5%, tăng 327% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất từ năm 1981. Việt Nam không nằm trong ngoại lệ khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 cũng đã rục rịch tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính khiến lạm phát leo thang trong 2022 là do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào trong bối cảnh giá xăng dầu đi lên. Mặc dù lạm phát ở Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt, không ít nhà đầu tư đang lo ngại về sự sụt giảm mạnh của thị trường trái phiếu trong điều kiện lãi suất gia tăng. Trong khi đó, giá vàng trong nước đang giao dịch ở mức 68 triệu đồng/lượng, đã tăng khoảng 12% so với đầu năm.
Bài viết sau đây sẽ tìm hiểu về mối quan hệ giữa hai kênh đầu tư là trái phiếu và vàng trước nguy cơ lạm phát từ dữ liệu lịch sử trong giai đoạn 2010 – 2022. Trong đó lạm phát sẽ được đo lường bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lợi suất trái phiếu được đo lường bằng lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam (TPCP) 10 năm.
![image.png](file-guid:ea67a6aa-8795-4608-8ea9-c167d608f01c "image.png")
* Lạm phát ở Việt Nam cao nhất vào năm 2011 với đỉnh điểm ở mức 23%. Đây là khoảng thời gian khi giá xăng dầu, điện và tỷ giá USD/VND tăng mạnh lần lượt 20%, 15% và 9%. Kể từ sau năm này, lạm phát đã giảm đáng kể và lợi suất trái phiếu cũng giảm theo.
* Lạm phát và giá vàng có sự đồng thuận và đều có nhịp tăng nhẹ vào đầu năm 2022.
* Giá vàng vẫn đang trong xu hướng tăng sau sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 vào năm 2020. Ngược lại, lợi suất trái phiếu cho thấy sự sụt giảm nhẹ từ năm 2020 đến đầu năm 2022.
![image.png](file-guid:18b9fa3c-8079-4142-bac9-c95ab8173496 "image.png")
Kết quả kiểm định mối tương quan giữa 3 yếu tố CPI, lợi suất TPCP, và giá vàng (Hình 2) cho thấy:
**Lạm phát và lợi suất trái phiếu có tương quan dương tương đối mạnh (thể hiện ở chỉ số R²=0.56).** Trái phiếu là công cụ đầu tư tài chính với nguồn thu nhập cố định nên khi lạm phát lên cao, chi phí lãi vay sẽ tăng theo. Do đó để thu hút các nhà đầu tư mua trái phiếu phát hành mới, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi suất ở mức cạnh tranh hơn, điều này khiến cho các trái phiếu đã phát hành trước đó với lãi suất thấp hơn trở nên kém hấp dẫn, dẫn đến tình trạng giá các trái phiếu này giảm tương ứng.
**Lạm phát và thay đổi giá vàng có tương quan dương.** Khi giá trị của đồng tiền giảm, các nhà đầu tư sẽ tìm đến các loại tài sản trú ẩn, có thể giữ được giá trị trong đó phổ biến nhất là vàng. Tuy nhiên, mức độ tương quan giữa lạm phát và thay đổi giá vàng theo thống kê chỉ ở mức R²=0.21 do bên cạnh lạm phát, thay đổi giá vàng còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như rủi ro chính trị, thiên tai, ….
**Giá vàng và lợi suất trái phiếu có tương quan âm nhẹ.** Điều này phần nào phản ánh xu hướng chuyển dịch giữa 2 loại tài sản này. Khi rủi ro thị trường tăng, nhà đầu tư thường tìm đến vàng – là loại tài sản an toàn hơn so với trái phiếu. Ngược lại, khi rủi ro giảm xuống, các nhà đầu tư chuyển lại sang kênh trái phiếu nhờ lãi suất hấp dẫn hơn. Kết quả thống kê cũng chỉ ra rằng, mối liên hệ trực tiếp giữa giá vàng và lợi suất trái phiếu là không thực sự chặt chẽ, thể hiện ở R2 = 0.12.
**Kết luận:**
* Trong thời kỳ lạm phát, các kênh đầu tư thu nhập cố định như trái phiếu bị ảnh hưởng khi giá trị đồng tiền bị hao mòn. Để bù đắp cho việc chi phí lãi vay gia tăng, lợi suất trái phiếu phát hành mới sẽ ở mức cao hơn.
* Trong điều kiện lạm phát tăng cao, vàng là một kênh đầu tư tương đối để bảo toàn giá trị tài sản và tích lũy. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên xem xét toàn diện các yếu tố xã hội như rủi ro chính trị, thiên tai,..trước khi quyết định đầu tư.
* Trong thị trường kinh tế có nhiều biến động, vàng cũng có thể sử dụng như một công cụ phòng ngừa rủi ro. Do đó, nhà đầu tư có thể tối ưu hóa nguồn vốn khi mua vàng với tỷ trọng hợp lý để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.