2021 đang dần khép lại, đánh dấu một năm giao dịch đầy biến động. Sau khi tăng mạnh ở thời điểm nửa đầu năm (từ 1,103 lên 1,408), VN-Index đã có nhịp điều chỉnh mạnh lên tới hơn 200 điểm (tương ứng mức sụt giảm gần 15%). Chỉ số nỗ lực phục hồi và chính thức vượt mốc 1,400 vào ngày 27/10, trước khi cán mốc 1,500 vào những ngày cuối tháng 11.
Tuy nhiên, dưới góc độ Phân tích kỹ thuật, VN-Index đã cho tín hiệu đảo chiều với phân kỳ âm từ thời điểm 26/11/2021, giảm mạnh 2 phiên về vùng giá 1,400 trước khi phục hồi trở lại. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ cung cấp cho thêm cho nhà đầu tư một số góc nhìn về tín hiệu đảo chiều với phân kỳ âm.
![image.png](file-guid:8db79846-92bc-4362-a320-9b352049478a "image.png")
Về định nghĩa, phân kỳ âm là hiện tượng giá tăng tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, tuy nhiên chỉ báo kỹ thuật lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước (như hình minh họa phía dưới). Về mặt công thức, RSI được tính như sau:
RSI = 100 – 100/(1+RS), với RS (Relative Strength) được tính bằng: RS = AvgU/AvgD, trong đó:
AvgU là giá trị trung bình của % thay đổi giá đóng cửa của tất cả cây nến tăng trong vòng 14 ngày trước đó.
AvgD là giá trị trung bình của % thay đổi giá đóng cửa của tất cả cây nến giảm trong vòng 14 ngày trước đó.
Như vậy, khi RSI giảm nghĩa là trung bình % tăng của những phiên tăng đang thấp hơn trung bình % giảm của những phiên giảm. Điều này hàm ý rằng, xu hướng hiện tại đang dần suy yếu, do đó chỉ số tiềm ẩn khả năng đảo chiều giảm điểm.
Chúng tôi đã tiến hành thống kê các tín hiệu phân kỳ của VN-Index trong lịch sử hình thành 20 năm và đi đến kết luận: Tín hiệu đảo chiều phân kỳ âm giữa giá cổ phiếu và chỉ báo RSI là một tín hiệu đáng tin cậy. Theo đó, có xác suất cao VN-Index sẽ điều chỉnh giảm sau khi xuất hiện tín hiệu phân kỳ. Cụ thể, **trong vòng 10 phiên sau khi xuất hiện tín hiệu phân kỳ, có xác suất hơn 75% VN-Index sẽ điều chỉnh giảm.** Ngoài ra, % giảm của VN-Index theo khung thời gian có đồ thị hình chữ V, nghĩa là **VN-Index có xu hướng tạo đáy sau khoảng 10 – 15 phiên sau khi xuất hiện tín hiệu phân kỳ âm,** sau đó sẽ dần phục hồi sau khoảng thời gian 20 – 30 phiên.
![image.png](file-guid:640eac2e-0539-48f3-a066-c37ec5535ca9 "image.png")\
Nhìn vào biểu đồ Boxplot, có thể thấy rằng, biên độ dao động của VN-Index sau khi xuất hiện tín hiệu phân kỳ là tương đối rộng, cho dù % giảm bình quân chỉ khoảng 3%. Lấy ví dụ, sau khi xuất hiện tín hiệu phân kỳ âm tại ngày 02/07/2021, VN-Index đã có nhịp giảm tới 14% sau 10 phiên.
![image.png](file-guid:1ddea4dc-6282-486e-a43f-51ce5b23b34a "image.png")
Khi phân tích tín hiệu phân kỳ âm dưới góc độ cổ phiếu riêng lẻ, với việc VN-Index là chỉ số đại diện cho tất cả cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên HoSE, chúng tôi nhận thấy việc VN-Index giảm 3-4% hoàn toàn có thể khiến cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ “bốc hơi” từ 8 - 10% (thậm chí 15% – 20%). Nhìn chung, tín hiệu này hiệu quả nhất ở những năm 2012 và 2015 – những giai đoạn có những sóng tăng/giảm đan xen nhau sau nhịp điều chỉnh mạnh. Sự biến động thị trường trong những năm này tạo điều kiện thuận lợi để giao dịch đảo chiều với tín hiệu phân kỳ. Ngược lại, chúng tôi nhận thấy, % giảm bình quân được ghi nhận thấp nhất, do đó, kém hiệu quả nhất ở những năm 2017, 2020 – những năm ghi nhận những nhịp tăng mạnh nhất của TTCK.
**Phần trăm giảm giá bình quân của cổ phiếu sau khi xuất hiện tín hiệu phân kỳ âm**
![image.png](file-guid:4a44836b-a927-408f-96d6-a3226a0d7d2e "image.png")
**Kết luận:**
\+) Tín hiệu đảo chiều với phân kỳ âm là một tín hiệu đảo chiều tương đối hiệu quả (có xác suất trên 75% VN-Index sẽ điều chỉnh sau khi xuất hiện tín hiệu phân kỳ âm)
\+) **VN-Index có xu hướng tạo đáy sau khoảng 10 phiên sau khi xuất hiện tín hiệu phân kỳ âm,** sau đó sẽ dần phục hồi sau khoảng thời gian 20-30 phiên.
\+) Với những nhà đầu tư theo trường phái buy-and-hold, việc giao dịch năng động theo tín hiệu đảo chiều phân kỳ có thể không cần thiết do những **nhịp điều chỉnh chỉ mang tính tạm thời**, cổ phiếu có triển vọng tốt sẽ nhanh \*\*\*ng lấy lại đà tăng và hướng đến những đỉnh cao mới.