**1. Tổng quan**
Chiến lược buy and hold (mua và nắm giữ) là một trong những chiến lược lâu đời trên thị trường chứng khoán, được sử dụng bởi những nhà đầu tư nổi tiếng như Warren Buffett hay Jack Bogle. Đây được xem là chiến lược thụ động, bởi nhà đầu tư sẽ chọn mua cổ phiếu tốt, phù hợp để nắm giữ lâu dài trong nhiều năm. Một số ưu điểm của chiến lược buy and hold bao gồm:
\- Đơn giản và hiệu quả: Buy and hold là chiến lược tương đối dễ hiểu – cổ phiếu phổ thông là nhóm tài sản có mức độ rủi ro cao, tuy nhiên trong dài hạn luôn có xu hướng tăng giá.
\- Tiết kiệm thời gian: Đặc biệt đối với những nhà đầu tư không làm trong ngành tài chính hoặc không có nhiều thời gian theo dõi diễn biến thị trường.
\- Giảm thiểu chi phí: Khi nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn, chi phí giao dịch và thuế sẽ thấp hơn so với việc giao dịch thường xuyên.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng có một số nhược điểm như sau:
\- Chôn vốn: Để phát huy hiệu quả của chiến lược, nhà đầu tư cần phân bổ vốn vào một danh mục trong thời gian dài, vì vậy dòng vốn không thực sự linh hoạt.
\- Chờ đợi lâu: Do tiềm năng của chiến lược được tính bằng nhiều năm, có thể cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ sẽ không nhanh chóng tăng giá, đòi hỏi tính kiên nhẫn nhất định.
\- Giai đoạn biến động mạnh: Thị trường đôi khi trải qua những giai đoạn biến động mạnh, gây ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của danh mục.
Trên thị trường chứng khoán, chiến lược buy and hold nhận được nhiều luồng quan điểm khác nhau. Việc nắm giữ cổ phiếu qua nhiều giai đoạn thị trường khó khăn là không dễ dàng, nhất là ở những thời điểm nhà đầu tư nhận thấy số tiền lãi mà họ khó lòng đạt được nhanh chóng biến mất trong một vài phiên. Vì vậy, chiến lược này không được ưa chuộng bởi những nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Quả thực, nếu thành công trong việc “mua đáy bán đỉnh” nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận lớn hơn gấp nhiều lần so với việc nắm giữ một danh mục nhất định trong suốt giai đoạn đó.
Ngược lại, nhiều nhà đầu tư theo trường phái buy and hold tin rằng hiệu quả của chiến lược này đã được thời gian kiểm chứng. Một trong những lập luận thường xuyên được sử dụng khi bảo vệ chiến lược này là nếu bạn bỏ lỡ một số phiên tăng giá tốt nhất (best days) trên thị trường, mức lợi nhuận của bạn sẽ giảm đi đáng kể. Qua bài viết này, chúng tôi kiểm chứng sự hợp lý của lập luận đó trong hơn 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
**2. Hiệu quả của chiến lược Buy and Hold**
Trong nghiên cứu này, chúng tôi tổng hợp và phân tích biến động từng phiên của VN-Index từ ngày đầu thành lập, để đánh giá tác động của việc bỏ lỡ những phiên tăng giá tốt nhất đối với lợi nhuận của danh mục (giả định nhà đầu tư mua và nắm giữ VN-Index ngay từ thời điểm ban đầu). 20 phiên tăng điểm tốt nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán, theo thống kê của chúng tôi, là như sau:
![image.png](file-guid:6c0462fc-f205-4832-988b-015c75887b7c "image.png")
*Nguồn: TCBS, Fiinpro*
Khác với thị trường chứng khoán nước ngoài, đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam (cụ thể trong nghiên cứu này là sàn HOSE), đó là giới hạn biên độ dao động +/- 7% trong mỗi phiên. Do vậy, mức tăng điểm 6.9% có thể được hiểu là mức tăng tối đa trong 1 phiên của VN-Index. Có thể thấy, phần lớn những phiên tăng mạnh như vậy tập trung ở những ngày đầu thành lập chị trường chứng khoán, khi trên thị trường chưa có nhiều mã cổ phiếu như hiện nay.
Sau khi đã xác định được những phiên giao dịch với mức tăng lớn nhất, chúng tôi xem xét 4 trường hợp giả lập với cùng số vốn khởi điểm là 100 triệu đồng như sau:
(i) nhà đầu tư mua và nắm giữ từ ngày đầu
(ii) nhà đầu tư mua và nắm giữ từ ngày đầu, tuy nhiên bỏ lỡ 5 phiên tăng giá tốt nhất
(iii) nhà đầu tư mua và nắm giữ từ ngày đầu, tuy nhiên bỏ lỡ 10 phiên tăng giá tốt nhất
(iv) nhà đầu tư mua và nắm giữ từ ngày đầu, tuy nhiên bỏ lỡ 20 phiên tăng giá tốt nhất
![image.png](file-guid:17f6bf61-fe73-4d41-b7a8-e2afcaa99d74 "image.png")
*Nguồn: TCBS, Fiinpro*
Theo dõi kết quả thu được, chúng tôi nhận thấy lập luận bảo vệ trường phái buy and hold là tương đối chính xác. Bởi lẽ trong trường hợp (i), khi nhà đầu tư nắm giữ chỉ số từ ngày đầu thành lập, số vốn 100 triệu bỏ ra lên tới gần 1,5 tỷ đồng vào cuối năm 2021, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 13.4%. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư bỏ lỡ chỉ 5 phiên tăng giá mạnh nhất, giá trị danh mục giảm xuống còn gần 1.1 tỷ đồng (CAGR 11.6%). Tương tự, nếu bỏ lỡ 20 phiên tăng giá mạnh nhất, nhà đầu tư chỉ thu được lợi nhuận mỗi năm 7.5%, gần như tương đương với lãi suất tiết kiệm tại một số thời điểm.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng lật ngược vấn đề và đánh giá trường hợp còn lại: nếu việc bỏ lỡ những phiên tăng mạnh nhất khiến lợi nhuận của nhà đầu tư suy giảm đáng kể, thì việc tránh được những phiên giảm mạnh nhất có tác động thế nào tới danh mục? Chúng tôi thống kê 20 phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử như sau:
![image.png](file-guid:7a9916cd-a07c-4dfc-a40f-ed4359369e79 "image.png")
*Nguồn: TCBS, Fiinpro*
Theo đó, chúng tôi cũng xem xét 4 trường hợp tương tự phía trên, tuy ở chiều ngược lại:
(i) nhà đầu tư mua và nắm giữ từ ngày đầu
(ii) nhà đầu tư mua và nắm giữ từ ngày đầu, tuy nhiên tránh được 5 phiên giảm điểm mạnh nhất
(iii) nhà đầu tư mua và nắm giữ từ ngày đầu, tuy nhiên tránh được 10 phiên giảm điểm mạnh nhất
(iv) nhà đầu tư mua và nắm giữ từ ngày đầu, tuy nhiên tránh được 20 phiên giảm điểm mạnh nhất
![image.png](file-guid:141a072d-d3a1-4a0a-9b0e-37ba5c7cda07 "image.png")
*Nguồn: TCBS, Fiinpro*
Tác động của việc tránh được những phiên giảm điểm mạnh nhất lên danh mục cũng đáng kể như việc bỏ lỡ những phiên tăng điểm tốt nhất. Ở trường hợp khả quan mà nhà đầu tư tránh được 20 phiên giảm mạnh nhất, số vốn 100 triệu có thể được nhân lên hơn 50 lần trong \~20 năm, với mức CAGR 20.6%, vượt trội 7.2% so với mức lợi nhuận trung bình của thị trường.
Tại đây, có thể nhà đầu tư sẽ thắc mắc rằng khả năng xảy ra những trường hợp kể trên là không cao, do ít ai thoát khỏi thị trường chỉ trong một vài phiên đơn lẻ. Trong thực tế, trường hợp thường xảy ra hơn là việc nhà đầu tư lo ngại rằng thị trường có khả năng biến động mạnh và chọn cách đứng ngoài, qua đó có thể bảo toàn vốn nhưng đôi khi cũng bỏ lỡ những phiên tăng điểm tích cực.
Để giải đáp thắc mắc này, chúng tôi nhìn lại lịch sử biến động giá của VN-Index và nhận thấy, trong các năm 2001, 2007, 2018, 2020, thị trường có sự biến động mạnh nhất, bao gồm cả những giai đoạn tăng và giảm. Chúng tôi tạo một danh mục mô phỏng với giả định rằng trong tất cả những năm này, nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán và gửi tiết kiệm với lãi suất 7%/năm, và so sánh hiệu quả đầu tư với VN-Index như bên dưới.
![image.png](file-guid:df20a78c-ec79-4b69-b076-03c3b2bea1a8 "image.png")
*Nguồn: TCBS, Fiinpro*
Có thể thấy, nếu đứng ngoài thị trường trong những giai đoạn này, nhà đầu tư có thể tránh được sự giảm giá đáng kể, tuy nhiên cũng đánh đổi bằng tiềm năng gia tăng lợi nhuận cho danh mục. Xét tổng thể giai đoạn 2000-2021, việc tránh những năm thị trường biến động mạnh không đem lại lợi nhuận cao bằng việc mua và nắm giữ xuyên suốt (CAGR 12.6% so với CAGR 13.4%)
**3. Lời kết**
Trong nghiên cứu này, chúng tôi kiểm chứng tính hợp lý của chiến lược buy and hold, một chiến lược lâu đời trên thị trường chứng khoàn và được thử thách qua nhiều giai đoạn thị trường khác nhau. Sau hơn 20 năm hoạt động, thị trường trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, tuy nhiên vẫn duy trì được tỷ suất lợi nhuận CAGR tương đối hấp dẫn 13.4%/năm. Nếu tránh được những phiên giảm giá mạnh nhất của thị trường, nhà đầu tư có thể gia tăng đáng kể mức lợi nhuận này, tuy nhiên điều này là không dễ.
Trường hợp thường xảy ra hơn là khi nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh. Phương pháp này có thể giúp giảm thiểu rủi ro thua lỗ cho danh mục tại thời điểm đó, tuy nhiên tiềm năng gia tăng lợi nhuận là không rõ ràng trong dài hạn, bởi thị trường chứng khoán thường cho lợi nhuận trung bình tốt hơn các kênh thu nhập cố định khác. Nhà đầu tư có thể cân nhắc số liệu chúng tôi đã phân tích để lựa chọn phương án đầu tư phù hợp nhất với mình.