**1. Tổng quan**
Từ đầu tháng 07/2021, thị trường chứng khoán bắt đầu xuất hiện những nhịp rung lắc mạnh trong thời gian ngắn. Trong khoảng 2 tuần, VN-Index đã có thời điểm đánh mất tới 13% từ đỉnh ngắn hạn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 liên tục diễn biến phức tạp, song song với việc chỉ số đã có giai đoạn tăng tương đối dài từ đáy tháng 03/2020, cũng dễ hiểu khi nhiều nhà đầu tư có tâm lý lo ngại và mong muốn chốt lời, hiện thực hóa lợi nhuận đã đạt được trong thời gian trước đó. Nhìn lại lịch sử giá của VN-Index, nhà đầu tư có thể thấy sự tương đồng trong đợt sụt giảm vừa rồi với đợt sụt giảm giữa tháng 01/2021, khi một làn sóng COVID-19 mới quay trở lại Việt Nam. Nhìn rộng hơn, không loại trừ kịch bản chỉ số đã tạo đỉnh và chuyển sang thị trường giá xuống như năm 2018.
Ít ai trong chúng ta có thể khẳng định chắc chắn hướng đi của thị trường trong giai đoạn tiếp theo. Trong kịch bản tốt, VN-Index sẽ lặp lại xu hướng trong tháng 01/2021, điều chỉnh mạnh trong thời gian ngắn rồi đảo chiều để tiếp tục tăng và có thể lập đỉnh mới. Trong kịch bản xấu hơn, có thể VN-Index đã xác nhận đỉnh tại vùng giá 1,400, giống như đỉnh 1,200 điểm như năm 2018, và sẽ tạm thời không quay trở lại xu hướng tăng trong ngắn hạn. Hoặc có thể chỉ số sẽ tạo điểm cân bằng và đi ngang trong biên độ nhất định như năm 2019.
Ở [bài viết](https://iwealthclub.com.vn/content/perma?id=626531) trước, chúng tôi đã nghiên cứu thị trường giá xuống trong trong những giai đoạn 2007, 2018, 2020. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ nghiên cứu một số giai đoạn mà thị trường đi ngang (sideways). Bởi lẽ, trong một thị trường tăng giá (uptrend), đặc biệt là giai đoạn từ tháng 04/2020 cho tới gần đây, việc kiếm lời tương đối dễ khi đa phần các cổ phiếu trên thị trường đều tăng. Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn sắp tới thị trường chuyển sang trạng thái đi ngang, xác suất để nhà đầu tư kiếm lời sẽ như thế nào?
**2. Lợi nhuận cổ phiếu trong thị trường đi ngang**
Nhìn lại lịch sử giá 20 năm của thị trường chứng khoán, chúng tôi nhận thấy một số giai đoạn xu hướng thị trường không rõ rệt, có kể kéo dài tới hàng năm. Ngoài một số thị trường tăng giá rõ ràng vào năm 2006 / 2017 / cuối 2020, và một số thị trường giảm giá vào năm 2008 / 2018 / đầu 2020, trong một số giai đoạn thị trường có thể dao động trong một khoảng thời gian dài quanh một vùng giá nhất định như những năm 2014 / 2015 / 2019:
\- Năm 2014: VN-Index bắt đầu tại 505, kết thúc tại 546, tăng 8%.
![](https://i.ibb.co/1nMgyXt/image.png)
\- Năm 2015: VN-Index bắt đầu tại 545, kết thúc tại 579, tăng 6%.
![](https://i.ibb.co/9gLBsH4/2015-Chart.jpg)
\- Năm 2019: VN-Index bắt đầu tại 892, kết thúc tại 961, tăng 8%.
![](https://i.ibb.co/QMr1hj4/2019-Chart.jpg)
Đặc điểm của những giai đoạn này đó là trong một thời gian dài chỉ số đa phần dao động trong một biên độ nhất định, với những đợt trồi sụt đan xen và về tổng thể không tăng / giảm quá nhiều. Vậy trong những giai đoạn này, mức lợi nhuận của các cổ phiếu trong thị trường như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi nghiên cứu biến động giá của tất cả cổ phiếu trong các giai đoạn trên (bao gồm tất cả các sàn HOSE / HNX / UpCom, đáp ứng các tiêu chí về vốn hóa trên 500 tỷ đồng và thanh khoản trung bình mỗi ngày trên 5,000 cổ phiếu). Khối lượng giao dịch trung bình và mức lợi nhuận của cổ phiếu được thể hiện trên các đồ thị bên dưới.
![](https://i.ibb.co/CJzNGrT/2014-PBI.jpg)
![](https://i.ibb.co/CJPGp5m/2015-PBI.jpg)
![](https://i.ibb.co/55T8rTL/2019-PBI.jpg)
Có thể thấy, trong các giai đoạn thị trường đi ngang, phần lớn các cổ phiếu sẽ tập trung xung quanh mức lợi nhuận 0%, đặc biệt là những mã có vốn hóa lớn, thuộc dòng cổ phiếu trụ cột. Những mã đạt mức lợi nhuận vượt trội thường là những mã có vốn hóa nhỏ, có câu chuyện riêng, vì vậy ít được thị trường chú ý hơn. Mặc dù vậy, ở mỗi giai đoạn đều có những cơ hội nhất định, dù không nhiều, đối với những tên tuổi lớn, được nhiều người biết đến như:
\- Năm 2014, **[HPG](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=HPG)** tăng 52%, **[VCB](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=VCB)** tăng 43%, **[FPT](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=FPT)** tăng 32%.
\- Năm 2015, **[BID](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=BID)** tăng 77%, **[VNM](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=VNM)** tăng 69%, **[VCB](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=VCB)** tăng 41%, **[CTG](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=CTG)** tăng 40%.
\- Năm 2019, **[VCB](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=VCB)** tăng 70%, **[FPT](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=FPT)** tăng 62%, **[BID](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=BID)** tăng 42%, **[MWG](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=MWG)** tăng 36%.
Ngoài ra, ở top những mã tăng trưởng vượt trội cũng một số tên tuổi nổi bật, tuy không nằm trong VN30:
\- Năm 2014, **[NT2](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=NT2)** tăng 247%, **[HDG](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=HDG)** tăng 161%, **[VHC](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=VHC)** tăng 154%, **[DHC](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=DHC)** tăng 152%.
\- Năm 2015, **[VCS](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=VCS)** tăng 204%, **[CTD](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=CTD)** tăng 187%, **[VSC](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=VSC)** tăng 91%, **[DGC](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=DGC)** tăng 88%.
\- Năm 2019, **[CTR](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=CTR)** tăng 132%, **[D2D](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=D2D)** tăng 131%, **[NTC](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=NTC)** tăng 131%, **[HDC](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=HDC)** tăng 93%.
Để có một bức tranh toàn cảnh hơn, chúng tôi thống kê tỷ lệ mã tăng giá / giảm giá cùng mức lợi nhuận trung bình của 2 nhóm cổ phiếu này trong bảng dưới:
![image.png](file-guid:71864d69-47aa-40ce-88f4-4a6c662876e3 "image.png")
Bảng thống kê này cho thấy một số dữ liệu đáng lưu ý:
\- Về tỷ lệ số mã tăng giá / giảm giá, năm 2014 số mã tăng giá chiếm đa số; năm 2015 và năm 2019, tỷ lệ này tiến tới mốc cân bằng hơn 51%/49% và 54%/46%.
\- Về mức lợi nhuận trung bình, có thể thấy tiềm năng từ cổ phiếu tăng giá áp đảo rủi ro từ cổ phiếu giảm giá, cho thấy tỷ lệ lợi nhuận / rủi ro của thị trường chứng khoán nói chung vẫn tương đối hấp dẫn khi thị trường đi ngang.
**3. Lời kết**
Qua nghiên cứu trên, chúng tôi nhận định rằng thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn trong thị trường đi ngang. Mặc dù tỷ lệ mã tăng giá/giảm giá trong những thị trường như vậy gần như là 50/50, mức lợi nhuận có thể đạt được vẫn khá hấp dẫn khi so sánh tương quan với mức rủi ro. Điều đáng chú ý hơn cả là trong những giai đoạn VN-Index chỉ tăng 6-8%, vẫn có những cổ phiếu trụ cột đạt được mức lợi nhuận 40-50% và những cổ phiếu midcap tăng trưởng ba chữ số. Tuy nhiên về tổng thể, trong kịch bản thị trường đi ngang hoặc giá xuống ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên cân nhắc giảm tỷ trọng ở những mã bluechip và VN30, do đây là những cổ phiếu đã tăng mạnh trong thị trường giá lên trước đó. Do vậy, việc lựa chọn được những cổ phiếu như **[VCB](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=VCB)** hay **[FPT](https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price/tc-analysis?ticker=FPT)** trong thị trường năm 2019 tương đối khó. Thay vào đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc nhóm cổ phiếu midcap có câu chuyện riêng và chưa tăng quá nhiều trong một số ngành nghề như sau:
\- Xây dựng và Vật liệu xây dựng: Trong bối cảnh giải ngân đầu tư công đang được Nhà nước thúc đẩy quyết liệt, phấn đấu đạt ít nhất 60% vào cuối quý 3, nhóm Xây dựng và Vật liệu xây dựng có khả năng hưởng lợi từ những dự án được triển khai.
\- Bất động sản: Chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục thúc đẩy dòng tiền tìm đến bất động sản, từ đó tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu Bất động sản. Ngoài ra, đây là nhóm ngành lớn mà trong giai đoạn vừa rồi chưa tăng mạnh như các ngành Ngân hàng, Chứng khoán, Thép.
\- Xuất khẩu (dệt may, thủy sản, gỗ, ..): Mặc dù nhu cầu nội địa chưa có sự tăng trưởng mạnh, hiện tại nhiều thị trường nước ngoài đã và đang có sự phục hồi nhất định khi việc tiêm vaccine COVID-19 được triển khai trên diện rộng. Vì vậy, những ngành nghề có yếu tố xuất khẩu có thể hưởng lợi, là một trong những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng GDP trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, quản trị rủi ro vẫn sẽ là yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu, với những biện pháp như yêu cầu biên an toàn cao hơn, duy trì tỷ trọng tiền mặt phù hợp và đa dạng hóa danh mục.