**Giới thiệu về MACD**
MACD (Moving Average Convergence/ Divergence) là đường trung bình động hội tụ, phân kỳ. Chỉ báo này sử dụng các đường trung bình động để xác định xu hướng của một cổ phiếu cũng như độ mạnh/yếu của xu hướng đó.
Chỉ báo MACD cấu thành từ 4 phần khác nhau. Mỗi phần đều mang đặc điểm và ý nghĩa riêng, cụ thể:
* **Đường MACD** (đường màu xanh): Được tính bằng hiệu giữa trung bình hàm mũ 13 kỳ (EMA13) và trung bình hàm mũ 26 kỳ (EMA26). Đường MACD dương cho thấy xu hướng tăng trong ngắn hạn của thị trường và ngược lại.
* **Đường tín hiệu** (đường màu đỏ): Là trung bình hàm mũ 9 kỳ (EMA9) của đường MACD.
* **Biểu đồ Histogram**: Thể hiện sự hội tụ và phân kỳ, đây là sự chênh lệch của MACD và đường tín hiệu.
* **Đường Zero** đóng vai trò là đường tham chiếu để đánh giá độ mạnh của một xu hướng.
![image.png](file-guid:50080074-c40c-4d6a-aef3-9193b40135b6 "image.png")
***Cách sử dụng MACD***
Có nhiều phương pháp sử dụng biểu đồ MACD khác nhau, ở mức độ cơ bản nhất nhà đầu tư có thể chú ý vào hai trường hợp:
· Khi đường MACD cắt đường tín hiệu theo hướng từ dưới lên (tín hiệu MACD BUY) cho thấy xu hướng tăng đã được hình thành trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể thực hiện MUA vào.
· Khi đường MACD cắt đường tín hiệu theo hướng từ trên xuống (tín hiệu MACD SELL) cho thấy xu hướng giảm đã được hình thành trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể vào lệnh BÁN ra.
![image.png](file-guid:3d2da25d-93bd-4ea9-8fbc-a9d6c808705c "image.png")
**Chiến lược MACD có áp dụng được cho thị trường Việt Nam?**
Chúng tôi thắc mắc liệu phương pháp xác định xu hướng giá dựa vào MACD có thật sự hiệu quả tại thị trường Việt Nam? Và quyết định tiến hành kiểm định hiệu quả của phương pháp này trên các cổ phiếu của Việt Nam từ đầu năm 2019 đến thời điểm 30/03/2022 dựa trên dữ liệu TCData-TCBS. Để giảm bớt các tín hiệu nhiễu (đặc biệt trong trường hợp các cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp hoặc có biên độ giao động lớn), chúng tôi lựa chọn các mã cổ phiếu nằm trong VN100. VN100 là nhóm cổ phiếu của 100 mã có khả năng thanh khoản cao và có giá trị vốn hóa hàng đầu trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX).
Theo thống kê, chúng tôi có 84,156 dữ liệu giao dịch cho 100 mã chứng khoán tuy nhiên chỉ có tổng cộng 5,482 tín hiệu MACD (chiếm 6.5%; trong đó 2,747 tín hiệu MACD BUY và 2,735 tín hiệu MACD SELL). Điều này cho thấy đây, các tín hiệu này thường xuất hiện trong giai đoạn đầu của một xu hướng hay khi có sự đảo chiều trong ngắn hạn.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục đo lường mức độ biến động giá của các cổ phiếu tại các tín hiệu MACD BUY và MACD SELL sau các khoảng thời gian T3, T5, T10, T20, T30, T40, T50, T60 để xem liệu cổ phiếu có dịch chuyển theo xu hướng tăng/giảm như lý thuyết đã đề cập hay không.
![image.png](file-guid:ee916781-348f-4bfb-a2b6-2fdfeb9e81ce "image.png")
Biểu đồ trên cho thấy với cả 2 loại tín hiệu MACD BUY và SELL thì sau các khung thời gian T3 đến T60 thì các cổ phiếu đều có xu hướng tăng giá (hình hộp lệch sang phía phải so với điểm 0, và có điểm trung vị tăng dần khi thời gian nắm giữa càng lâu); điều này ngược lại với kỳ vọng và lý thuyết là giá giảm với tín hiệu MACD SELL; chúng ta sẽ phân tích sâu hơn với Hình 4, Hình 5 và đi tìm nguyên nhân của quan sát trên.
![image.png](file-guid:acb2a240-01c5-4f63-bec1-8d1f89819303 "image.png")
\+) Đối với tín hiện MACD BUY, việc mua cổ phiếu mang lại hiệu quả tương đối tốt cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, cụ thể trong tất cả các khung thời gian cổ phiếu đều có xác suất tăng cao hơn xác suất giảm; lợi nhuận trung bình cũng tăng theo thời gian nắm giữ từ 2.8% đến 20.5%. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy rằng ra tín hiện MACD BUY khá hiệu quả trong trường hợp thị trường có xu hướng chuyển động rõ ràng, tuy nhiên khi thị trường đang side-way tín hiện sẽ bị nhiễu và không còn chính xác nữa.
+) Đối với tín hiệu MACD SELL, kết quả mang lại khá bất ngờ khi ở tất cả các khung thời gian, xác suất cổ phiếu tăng giá đều cao hơn giảm giá và mức độ tăng giá cũng nhiều hơn đáng kể. Đặc biệt là khung thời gian T60, thì tỷ lệ giá cổ phiếu giảm so với tăng là xấp xỉ 40 – 60 và mức tăng giá trung bình đạt khoảng 21% trong khi mức giảm giá chỉ có 11%. Tương tự như nhận định đối với tín hiệu MACD BUY, tín hiệu MACD SELL tương đối chính xác khi thị trường đã xác định xu hướng rõ ràng, và sẽ đưa ra tín hiệu nhiễu khi thị trường trong trạng thái side-way.
**Như vậy, tương tự như các thị trường khác, đối với thị trường Việt Nam, mức độ chính xác tín hiện MACD phụ thuộc vào thị trường đã xác định xu hướng chuyển động rõ ràng hay đang side-way.**
Cụ thể, **khi thị trường đang trong xu hướng tăng hay giảm mạnh thì tín hiện BUY/SELL MACD cho kết quả khá chính xác**. Ví dụ như với mã TCB, tín hiệu MACD gợi ý BUY vào 04/05/2021 tại giá 42,000 đ/cp và gợi ý SELL vào ngày 07/06/2021 với giá 54,700 đ/cp ngay sát với vùng giá đỉnh.
Tuy nhiên **khi thị trường chưa xác định được xu hướng, các tín hiệu MACD nhanh chóng thay đổi** từ BUY sang SELL, thậm chỉ chỉ sau 2, 3 phiên; tín hiệu này dễ gây “nhiễu” cũng như làm giảm tính hiệu quả. Để minh họa cho trường hợp này, chỉ trong giai đoạn ngắn từ 15/07/2021 tới 30/11/2021 đã xuất hiện tới 12 tín hiệu BUY/SELL với mã TCB, bất chấp giá cổ phiếu không có sự biến động đáng kể.
![image.png](file-guid:f608e9fd-b52a-47c4-8c3f-f356bc56da93 "image.png")
**Do vậy, chúng tôi cho rằng ở thị trường Việt Nam, khi các cổ phiếu đang trong xu hướng tăng/giảm rõ ràng; nhà đầu tư hoàn toàn có thể sử dụng tín hiệu gợi ý từ MACD, cụ thể là MUA với tín hiện MACD BUY và BÁN với tín hiệu MACD SELL; tuy nhiên khi thị trường chưa xác định xu hướng cụ thể, nhà đầu tư không nên sử dụng tín hiệu từ MACD.**
Bên cạnh đó, chỉ báo MACD có khá nhiều chiến lược nâng cao khác khi sử dụng kết hợp với diễn biến giá hoặc các chỉ số phân tích kỹ thuật khác như RSI, Bollinger Band, SAR … Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm định các chiến lược này và gửi đến nhà đầu tư trong những phần tiếp theo.