Vừa qua với những thông tin tiêu cực về tình hình dịch bệnh trong nước, thị trường đã có những biến động mạnh giảm điểm từ vùng 1400 về vùng 1270 như hiện tại, có không ít cổ phiếu đã có những nhịp giảm rất sâu. Điển hình là những cổ phiếu thuộc dòng ngân hàng, chứng khoán, điều này khá dễ hiểu khi 2 dòng này là 2 dòng cổ phiếu tăng khá nóng giai đoạn trước. Tuy nhiên, trước sự hoảng loạn của thị trường, có khá nhiều cổ phiếu tốt thuộc các ngành nghề kinh doanh khác cũng bị bán tháo. Trong nguy có cơ, do đó thời điểm này cũng là thời điểm được nhiều nhà đầu tư coi là cơ hội vàng để tìm những cổ phiếu tốt với mong muốn đầu tư trung và dài hạn. Theo quan điểm của tôi, FPT là một trong những cơ hội tốt như vậy dựa trên những lý do sau đây:
\- **Ngành nghề kinh doanh ổn định, ít mang tính chu kỳ**, thậm chí theo đánh giá của cá nhân tôi, **FPT còn đang được hưởng lợi** vì dịch Covid 19 đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi số đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Theo theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng qua, cả nước có 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; Đây chủ yếu là những doanh nghiệp SME. Cũng theo tổng cục thống kê thì 98% số doanh nghiệp ở Việt Nam là những doanh nghiệp SME. Theo dự báo của IDC, hãng cung cấp dữ liệu thị trường về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, [đầu tư](https://baodautu.vn/) vào chuyển đổi số vẫn đang tăng với CAGR dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 - 2023, dự kiến đạt 6.800 tỷ USD khi nhiều công ty đang tận dụng các chiến lược và đầu tư hiện có với sự trợ giúp của công nghệ để trở thành doanh nghiệp số tương lai
\- **Tốc độ tăng trưởng bền vững ở mức 2 con số.** Nếu chỉ nói riêng về tốc độ tăng trưởng trong thời gian gần đây (Ví dụ như nửa đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng của FPT ở mức 19-20%) thì FPT khó có cửa có thể so sánh được với nhiều doanh nghiệp khác, khi có những doanh nghiệp (đặc biệt là trong ngành tài chính/ngân hàng/chứng khoán) báo lãi tăng trưởng trên 50%, cá biệt có những công ty có mức tăng trưởng gấp đôi, gấp ba cùng kỳ. Tuy nhiên điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là sự tăng trưởng bền vững đến từ ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Không nhiều doanh nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 2 con số trong nhiều năm trở lại đây, và FPT là một trong số ít những doanh nghiệp làm được điều đó.
\- **Luôn duy trì được chính sách cổ tức bằng tiền và cổ phiếu ổn định.** Bên cạnh việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, FPT luôn duy trì được chính sách trả cổ tức bằng tiền \~1/4 lợi nhuận hàng năm. Mặc dù tỷ lệ cổ tức bằng tiền so với thị giá cổ phiếu hiện tại của FPT không cao nhưng điều này cho thấy một sự phát triển bền vững, quan tâm đến lợi ích cổ đông. Không nhiều doanh nghiệp trên thị trường vừa có thể giữ được tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn như thế.
Tôi cũng tiến hành khảo sát biến động giá cổ phiếu của công ty trong khoảng thời gian theo tháng (từ năm 2018-thời điểm công ty thoái vốn bởi mảng bán lẻ đến hiện tại) và theo năm (từ năm 2011 đến hiện tại). Một số phát hiện thú vị cũng được gửi đến các bạn như sau:
**Biến động giá theo tháng:**
![image.png](file-guid:7f7a7e47-d3b6-4529-b300-0b1d209e00fa "image.png")
***Nguồn: TCdata, TCBS***
Chúng ta có thể thấy dường như cổ phiếu tăng ở tất cả các tháng trong năm, ngoại trừ những đợt biến động mạnh của thị trường chung như T3/2020, Q2/2018, điều này cũng dễ hiểu khi FPT là một trong những mã cổ phiếu công bố kết quả kinh doanh theo tháng, và mỗi khi công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng bền vững, việc giá tăng gần như là một hiệu ứng theo sau Tuy nhiên giá cổ phiếu có xu hướng biến động tăng mạnh hơn từ vào các tháng 4,5, và 8-đây thường là thời điểm công ty thực hiện việc chia cổ tức bằng tiền trong năm.
**Biến động giá theo năm:**
![image.png](file-guid:78b9a499-c104-4e86-8670-4c7c513244c7 "image.png")
***Nguồn: TCdata, TCBS***
Nếu nhìn theo năm có thể thấy cuối năm 2017, sau khi thoái vốn phần lớn và thành công ở mảng thương mại, FPT đều có tỷ suất sinh lời khá cao (cá biệt như năm 2019, 2021) Điều này đến từ việc giới đầu tư đánh giá rất cao việc FPT thay đổi chiến lược để định hình trở thành một tập đoàn về công nghệ đúng nghĩa.
**Quay trở lại với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của công ty, mặc dù chưa công bố báo cáo, nhưng công ty cũng đã đưa một số thông điệp đến với cổ đông như sau:**
6 tháng đầu năm 2021, FPT ghi nhận doanh thu 16.228 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.936 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,2% và 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả kinh doanh duy trì tăng trưởng hai con số với động lực chính tới từ nhu cầu gia tăng mảng công nghệ và cải thiện biên lợi nhuận tại mảng viễn thông. Như vậy, sau nửa đầu năm, Công ty đã hoàn thành gần 50% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm, bám sát kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Điểm đáng chú ý ở đây, bên cạnh con số về tăng trưởng của công ty, thì chúng ta nên để ý về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đang cao hơn tốc độ tăng trưởng về doanh thu, điều này hàm ý việc công ty đang chuyển dịch một cách có hiệu quả, khiến biên lợi nhuận mở rộng hơn. Điều này chúng tôi đánh giá là rất tích cực, đặc biệt là với những công ty có quy mô lớn như FPT. Nhớ lại chia sẻ của anh Trương Gia Bình tại ĐHĐCĐ 2021 của FPT, anh cho biết FPT đang chuyển mình để trở thành một tập đoàn cung cấp một giải pháp toàn diện về mặt công nghệ, bao gồm cả những công việc như tư vấn, chuyển đổi có biên lợi nhuận tốt hơn, thay vì chỉ tập trung vào việc gia công phần mềm như trước đây.
Bên cạnh đó, Tập đoàn thu về 11 dự án lớn có quy mô trên 5 triệu USD/dự án trong nửa đầu năm 2021, tăng mạnh so với 2 dự án cùng kỳ năm 2020. Việc này đảm bảo về tốc độ tăng trưởng cho công ty trong thời gian tới.
Với những nhận định trên chúng tôi duy trì khuyến nghị **MUA** với mã cổ phiếu này. Nhà đầu tư có thể canh những nhịp điều chỉnh sâu của thị trường chung để gia tăng tỷ trọng nắm giữ với mã cô phiếu này.