![image.png](file-guid:dc3588c2-0de7-4085-849e-68f948bb0620 "image.png" =400x)
Tại ĐHĐCĐ 2022 của VEA ngày hôm nay, TGĐ VEAM cho biết, các tồn tại hạn chế của những giai đoạn trước vẫn chưa được giải quyết nên sẽ cần tiếp tục khắc phục trong năm 2022.
Bên cạnh đó, công ty xác định dịch bệnh, chiến sự,… cũng là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó, năm 2022 sẽ có nhiều khó khăn hơn năm 2021. Năm 2022, VEAM đăt tổng doanh thu hợp nhất (đã bao gồm phần được chia từ các công ty liên doanh) khoảng 9.573 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần so với thực hiện cả năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 5.137 tỷ đồng, giảm 11,3%.
**Một số thảo luận đáng chú ý:**
***Kế hoạch lợi nhuận năm 2022 giảm 25% so với năm 2021, ngoài lý do trích lập dự phòng còn lý do nào khác?***
Lãnh đạo VEA cho biết, ngoài lý do trích lập dự phòng, năm 2022 kế hoạch lợi nhuận của VEAM giảm 25% chủ yếu do doanh thu tài chính từ lợi nhuận của các công ty liên doanh, liên kết dự kiến sụt giảm khoảng 900 tỷ so với năm ngoái.
Về kế hoạch trích lập dự phòng của các khoản hỗ trợ vốn từ gốc và lãi dự kiến khoảng 607 tỷ đồng. Việc này ban điều hành cũng đang xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Mặc dù kế hoạch lợi nhuận suy giảm như vậy, nhưng kết quả SXKDh của công ty mẹ cũng như các công ty con trong thời gian vừa qua vẫn đảm bảo sự tăng trưởng.
***Ban lãnh đạo công ty có kế hoạch gì đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM Motor để vượt khỏi mức đang rất khiêm tốn là sản xuất 475 ô tô trong năm 2021?***
Tổng giám đốc VEAM cho biết, trong năm 2020 và 2021, công ty chủ yếu vào xử lý số lượng ô tô tồn kho tồn tại từ nhiều năm trước để lại. Khi có các đơn hàng từ các đại lý chúng tôi cũng sẽ tiếp tục sản xuất. Đặc biệt, trong thời gian tới công ty sẽ tập trung vào việc sản xuất dòng xe Euro 5 và có kế hoạch hợp tác với tất cả những đối tác có uy tín trong lĩnh vực cùng ngành để ngoài việc tiêu thụ hàng tồn kho, đồng thời xây dựng, phát triển duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy.
***Về kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại VEAM? Những ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương về kế hoạch thoái vốn tại VEAM?***
Ông Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết, ngày 29/6/2020 Thủ tướng đã ban hành quyết định giao Bộ Công Thương xây dựng phương án sắp xếp thoái vốn cụ thể đối với VEAM, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. VEAM cũng thuộc danh sách các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp thoái vốn theo phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Như vậy trường hợp thoái vốn do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp quyết định.
Tháng 6/2020, VEAM cũng đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về phương án sắp xếp thoái vốn. Theo đó, VEAM đề xuất xem xét giữ nguyên hiện trạng hiện nay với phần cổ phần Nhà nước chiếm chi phối, cụ thể là chiếm 88,47%. Nếu cần thiết phải thoái vốn đề nghị vẫn giữ tỷ lệ Nhà nước chiếm cổ phần chi phối.
Sau đó, Bộ Công thương cũng đã có văn bản trình Thủ tướng xem xét đúng như những kiến nghị mà VEAM đưa ra. Đến nay, Thủ tướng chưa ra văn bản liên quan đến việc thoái vốn tại VEAM.
Ngoài ra, ngày 17/3/2022, Thủ tướng đã ban hành văn bản về thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2022. Về nội dung này, hiện nay ban lãnh đạo của VEAM cũng đang xây dựng đề án tái cơ cấu. Tiếp đây những thông tin về việc thoái vốn sẽ được cập nhật trên website của công ty.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết, Bộ Công Thương với tư cách chủ sở hữu (chiếm 88,47% cổ phần tại VEAM), cũng đã đề xuất và xác định trước mắt chưa có cổ phần hóa gì thêm tại VEAM, còn nếu có sẽ xem xét đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định. Từ nay đến năm 2025, nếu có cổ phần hóa thì phương án 1 là giữ nguyên, phương án 2 nếu bắt buộc phải cổ phần hóa thì vẫn phải giữ được cổ phần chi phối của Nhà nước.
***Sau 3 năm kể từ 2019, VEAM vẫn chưa giải quyết được ý kiến loại trừ trên báo cáo tài chính, các năm đều trình kế hoạch niêm yết cổ phiếu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vậy kế hoạch cụ thể của ban điều hành trong năm nay thế nào?***
Ông Nguyễn Khắc Hải cho biết, vướng mắc của vấn đề chủ yếu là do trong báo cáo tài chính còn một số ý kiến loại trừ. Ban lãnh đạo xác định niêm yết trên sàn chứng khoán là mục tiêu dài hạn nên sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu này.
Lý do chưa niêm yết là do các nội dung vướng mắc là tồn tại lâu năm, việc giải quyết các ý kiến loại trừ trên báo cáo tài chính phải có thời gian, không thể nóng vội được, khi triển khai giải quyết phải hết sức chặt chẽ và đúng quy định. Hiện nay VEAM vẫn đang rất quyết liệt xử lý các tồn tại này.