Chiến tranh Nga và Ukraina diễn ra trong những ngày gần đây đã phả hơi nóng về áp lực lạm phát trên toàn cầu. Giá dầu thô thế giới liên tục được lập những đỉnh cao mới làm cho chi phí sinh hoạt của người dân trở nên đắt đỏ hơn. Giá của các nguyên liệu thô khác như than, sắt cũng tăng phi mã khiến cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp gia tăng. Lạm phát có thể đã ở gần chúng ta.
Tiếp nối phần 1 (link: [https://iwealthclub.com.vn/content/perma?id=1622437](https://iwealthclub.com.vn/content/perma?id=1622437)), trong phần 2, chúng tôi sẽ cùng bạn đọc nghiên cứu một cổ phiếu có quá khứ huy hoàng nhưng dường như đã bị bỏ quên trong thời gian gần đây - VNM. **Liệu VNM có phải là cổ phiếu tốt trong thời kỳ lạm phát?**
***Mối quan hệ giữa giá cổ phiếu VNM và lạm phát***
Chúng tôi xem xét mối quan hệ giữa diễn biến giá cổ phiếu VNM với chỉ số CPI trong đó: (i) Diễn biến giá cổ phiếu VNM được tính bằng phần trăm thay đổi giá của cổ phiếu VNM trong 1 năm trong giai đoạn từ 2006 – 2021; (ii) Chỉ số CPI là chỉ số giá tiêu dùng được Tổng Cục thống kê công bố giai đoạn 2006 – 2021
*Hình 1: Mối quan hệ giữa giữa Diễn biến giá cổ phiếu VNM và Chỉ số CPI giai đoạn 2006 - 2021*
![image.png](file-guid:179cbe63-6d77-471b-8cdd-e0fcf5bf7f81 "image.png")
*Nguồn: TCData, TCBS*
Đồ thị có độ dốc thấp với hệ số tương quan chỉ là 1.45% phản ánh diễn biến giá của cổ phiếu VNM dường như ít phụ thuộc vào lạm phát.
***Vì sao cổ phiếu VNM liên tục điều chỉnh giảm trong thị trường cổ phiếu giá lên?***
Có 2 nguyên nhân chính dưới đây:
*Ảnh hưởng Covid-19 làm tốc độ tăng trưởng của thị trường sữa Việt Nam giảm trong năm 2020 – 2021:*
Theo nghiên cứu của *Euromonitor*, thị trường sữa Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 4.4% trong năm 2020 – 2021. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng hàng năm sẽ đạt mức 5.1%/năm giai đoạn 2022 – 2026.
*Giá sữa nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao trong năm 2021 (+35% YoY) ăn mòn lợi nhuận của VNM:*
Trong cơ cấu chi phí của VNM, chi phí sữa nguyên liệu đầu vào nhập khẩu chiếm khoảng 20%. Do đó, khi giá sữa nguyên liệu tăng, biên lợi nhuận gộp của VNM sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, sữa nguyên liệu là hàng hóa thô và giá hàng hóa thô thường dao động quanh mức trung bình của nó (mean-reverting level).
*Hình 2: Biến động giá sữa nguyên liệu giai đoạn 2011 - 2021*
![image.png](file-guid:fb5b7876-1961-4f1a-8b9f-4624f19e874b "image.png")
*Nguồn: TradingEconomics, TCBS tổng hợp*
Chúng ta nhận thấy giá sữa nguyên liệu luôn biến động quanh mức trung bình 10 năm là khoảng 17.5 USD/tạ. Trong năm 2021 và 2 tháng đầu 2022, giá sữa đã tăng lên tới hơn 22 USD/tạ, tiến sát mức đỉnh 10 năm là 25 USD/tạ. Vì vậy, khi dịch Covid-19 được kiểm soát và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được giải quyết, có nhiều khả năng giá sữa sẽ giảm để hướng tới mức giá trung bình.
***Mối quan hệ giữa chỉ số P/E và tốc độ tăng trưởng EPS của VNM***
Từ phân tích trên, chúng ta kỳ vọng lợi nhuận của VNM sẽ tăng trưởng trong thời gian tới, qua đó cải thiện chỉ số EPS (lợi nhuận thuần trên 1 cổ phiếu). Trong quá khứ, khi EPS cải thiện, chỉ số P/E của cổ phiếu VNM có xu hướng tăng. Giai đoạn 2011 – 2017, tốc độ tăng trưởng EPS cao nên chỉ số P/E có xu hướng tăng dần và đạt đỉnh lên tới 32.8x vào năm 2017 phản ánh kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư. Từ năm 2018 -2021, tăng trưởng EPS giảm dần, thậm chí có năm tăng trưởng âm nên P/E thấp dần theo thời gian.
*Hình 3: Biểu đồ nhiệt Tăng trưởng EPS và Chỉ số P/E của VNM giai đoạn 2011 – 2021*
![image.png](file-guid:654b5012-d27c-4ae9-a01b-5cd359878ccb "image.png")
*Nguồn: TCData, TCBS*
**Kết luận**
Với sự phục hồi của ngành sữa và sự hạ nhiệt của giá sữa nguyên liệu, nhiều khả năng lợi nhuận trong năm 2022 của VNM sẽ tăng trưởng. Với chỉ số P/E hiện tại là 15.5x, thấp hơn mức trung bình 10 năm 19.9x, cổ phiếu VNM có thể sẽ được các nhà đầu tư nhìn nhận lại với một mức định giá cao hơn. Do đó, VNM sẽ là khoản đầu tư có tiềm năng tăng giá trong năm 2022.