![A77D5D33-6A3E-4C9A-85BA-4B394E28DA5C.jpeg](file-guid:de1f3533-69a9-4556-9ab8-18f7f28e9d6a "A77D5D33-6A3E-4C9A-85BA-4B394E28DA5C.jpeg")
*Ảnh: Ngọc Nhi*\
Sáng ngày 30/06/2021, Công ty CP Gemadept (GMD) đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên 2021. Cho năm tài chính 2021, Gemadept đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên 2 kịch bản:
Với kịch bản lạc quan, Công ty dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 2,800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất đạt 700 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 7% và 37% so với thực hiện 2020. Với kịch bản trung bình, doanh thu hợp nhất đạt 2,700 tỷ đồng, LNTT đạt 630 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 4% và 23% so với cùng kỳ. Công ty cũng công bố kết quả kinh doanh dự kiến cho nửa đầu năm 2021. Theo đó, **doanh thu 1H2021 dự kiến đạt 1,439 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 388 tỷ đồng (tăng trưởng lần lượt 19% và 38% so với cùng kỳ)**
Ban lãnh đạo cũng xác định, 2021 sẽ là năm bản lề trong chiến lược 5 năm, với **mục tiêu tới năm 2025, lợi nhuận trước thuế gấp 3 lần so với 2020 (tương ứng mức tăng trưởng kép hàng năm xấp xỉ 25%).**
Công ty dự kiến tiếp tục đầu tư 3 dự án trọng điểm:
\+) Dự án Cảng nước sâu Gemalink – giai đoạn 2 (39 ha), tổng mức đầu tư gần 4,500 tỷ đồng, công suất thiết kế 900,000 Teus/năm dự kiến sẽ triển khai trong quý IV/2021, kỳ vọng đưa vào khai thác từ năm 2023.
\+) Dự án cảng Nam Đình Vũ – Giai đoạn 2 (20 ha), tổng mức đầu tư 1,700 tỷ đồng, công suất 500,000 Teus/năm, thời gian triển khai dự kiến quý III/2021, mục tiêu đưa vào khai thác từ năm 2023.
\+) Dự án Trung tâm Logistics và ICD phía Nam, quy mô \~ 10 ha. TMĐT dự kiến 1,200 tỷ đồng
Trong phần thảo luận, các câu hỏi của cổ đông chủ yếu xoay quanh 2 dự án trọng điểm là Gemalink và Nam Đình Vũ cũng như phương án huy động vốn,…
**Tình hình hoạt động của Gemalink trong nửa đầu 2021?**
Trong nửa đầu năm 2021, Gemalink đã đạt sản lượng xấp xỉ 300 nghìn TEUs (trong đó, quý 1 khoảng 100 nghìn và quý 2 khoảng 200 nghìn TEUs). Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, sản lượng thông qua Gemalink sẽ tăng trưởng mạnh, kỳ vọng 600 nghìn – 650 nghìn TEUs. Như vậy, **tính đến hết năm 2021, dự kiến sản lượng khai thác của Gemalink sẽ đạt gần 1 triệu TEUs.** Công ty kỳ vọng **doanh thu sẽ đạt khoảng 40 triệu $, lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 1.7 – 2 triệu $**
**Về tỷ lệ sở hữu tại Gemalink?**
Vị thế hiện tại của Gemalink đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm cách đây 5-7 năm. Với vị thế hiện tại, có rất nhiều đối tác muốn hợp tác với Gemalink. Do đó, Công ty sẽ để mở phương án tìm kiếm đối tác để thoái vốn một phần vốn góp tại Gemalink nhằm gia tăng nguồn hàng, đảm bảo hiệu quả.
**Tổng sản lượng Container tăng trưởng qua Hải Phòng?**
Công ty ước tính trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng khai thác tại cụm cảng Hải Phòng của GMD là khoảng 500 nghìn TEUs, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Công ty dự kiến 6 tháng cuối năm sản lượng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với những hợp đồng đã ký với những hàng tàu.
**Cạnh tranh giữa cụm cảng Lạch Huyện với cảng Nam Dình Vũ. Ngoài ra, trong thời gian tới , Cảng Hải Phòng sẽ tiếp tục xây dựng bến số 3-4 khu vực Lạch Huyện với công suất 1.1 triệu TEU, dự kiến đi vào hoạt động năm 2022. Công ty đánh giá thế nào về áp lực cạnh tranh này?**
Cảng Lạch Huyện và Đình Vũ là 2 phân khúc với cơ sở hạ tầng khác nhau. Cụ thể, đối với phân khúc tàu lớn sang Châu Âu, thị phần hiện tại của cụm cảng Đình Vũ và Lạch Huyện đang có sự chênh lệch lớn (90% so với 5-10%). Đối với những tàu có công suất thiết kế 1000 – 2000 TEUs, cảng Nam Đình Vũ vần là sự lựa chọn tốt nhất với lợi thế vị trí và phí dịch vụ thấp hơn 30%. Ngoài ra, cụm cảng Lạch Huyện có sự khác biệt lớn giữa thiết kế và thực tế: cụ thể hiện tại cảng Lạch Huyện đang gặp nhiêu vấn đề về luồng và độ sâu trước bến, do đó ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch của những hàng tàu lớn. Thực tế thời gian gần đây một số hãng tàu lớn đã phải chuyển sang Nam Đình Vũ hoặc thay đổi hình thức chuyển tải
**Về triển vọng cụ thể của cảng Nam Đình Vũ – giai đoạn 2?**
Hiện Hải Phòng có 16 cảng trong đó phân bổ như sau: thượng lưu (8 cảng – chiếm 25% thị phần), hạ lưu (7 cảng, chiếm 60% thị phần). Còn lại là cảng Lạch Huyện với 15% thị phần. Trong tương lai, với bất lợi về vị trí và áp lực cạnh tranh, những cảng ở khu vực thượng lưu sẽ dần chuyển đổi công năng sử dụng, tạo ra dư địa lớn cho cảng Nam Đình Vũ – là cửa ngõ thông ra biển gần nhất, có vị trí ngay cửa sông Bạch Đằng với mớn nước sâu và vũng quay tàu rộng. Do đó, ban lãnh đạo đặt quyết tâm nhanh chóng triển khai giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ để nắm bắt sự tăng trưởng sản lượng khai thác ở Hải Phòng. Ngoài ra, cảng Nam Đình Vũ còn tạo ra sự cộng hưởng trong hệ sinh thái của GMD, tạo ra nguồn hàng ổn định, mở rộng việc hợp tác với các đối tác ở khu vực khác.
**Kế hoạch huy động vốn cho các dự án?**
GMD có điểm tín dụng tốt, được các tổ chức tín dụng đánh giá cao. Do đó, phương án huy động vốn sẽ tương đối linh hoạt . Dự án Gemalink đã được thu xếp vốn khoảng 220 triệu $ dưới hình thức cho vay hợp vốn với Ngân hàng đầu mối là Vietcombank. Trong tương lai, Công ty cũng có thể cân nhắc phương án tìm các đối tác chiến lược, vừa gia tăng nguồn hàng, vừa đảm bảo chi phí sử dụng vốn (như đã làm với Gemalink), trên cơ sở đảm bảo điều kiện hợp tác tốt nhất.
**Kế hoạch của Công ty với mảng cao su?**
Công ty xác định sẽ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là Logistics. Đối với lĩnh vực cao su, Công ty vẫn tiếp tục chăm sóc tối thiểu để đảm bảo tốt chất lượng cây cao su . Song song với đó là tìm kiếm đối tác để thoái vốn khi có cơ hội phù hợp.
**Khuyến nghị:**
Chúng tôi đánh giá cao GMD với vị trí đầu ngành trong lĩnh vực khai thác dịch vụ Cảng biển. Với mạng lưới 8 cảng trải dài từ Bắc tới Nam với tổng công suất khai thác hơn 3 triệu TEUs, GMD sẽ được hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Kết quả kinh doanh nửa sau năm 2021 dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh, thậm chí dự kiến vượt mức tăng trưởng 38% trong nửa đầu năm. Về mặt kỹ thuật, hiện cổ phiếu vẫn đang duy trì xu hướng tăng trong trung-dài hạn với các đường MA xếp trên nhau từ ngắn đến dài hạn (MA10>20>50>100>200). Chỉ báo DMI cũng tương đối tích cực khi ADX đang ở vùng 40 với DI+ nằm trên DI-, cho thấy xu hướng tăng giá vẫn còn mạnh. Hiện cổ phiếu cũng được sự trợ giúp tốt từ khối ngoại khi họ đã mua hơn 10 triệu cổ trong vòng gần 2 tháng gần đây. Với triển vọng dài hạn khả quan cùng sự xác nhận từ tín hiệu kỹ thuật, chúng tôi tiếp tục bảo lưu khuyến nghị **MUA** đối với GMD.
![image.jpg](file-guid:b4ffe8cc-5cb5-4f87-be36-807ade946740 "image.jpg")
![image.png](file-guid:7c586242-db04-48b8-a92e-98bb9764c082 "image.png")