Trước tình hình phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đã tăng với biên độ lớn kể từ đáy 2020 và đang trong một nhịp điều chỉnh mạnh, một câu hỏi nhiều nhà đầu tư quan tâm là cổ phiếu ngân hàng hiện tại đã được coi là đắt và đã được định giá với đúng vị thế của mình? Bài viết này sẽ hỗ trợ trả lời câu hỏi đó bằng việc tìm hiểu lịch sử định giá của ngành ngân hàng Việt Nam từ năm 2015 đến nay và thống kê lợi nhuận khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng tại các mức định giá khác nhau.
Kết quả thống kê cho thấy các mức định giá cần lưu ý là ở mức P/E \~10 lần và P/B \~1.5 lần, theo đó khi giao dịch tại các P/E trung bình ngành nhỏ hơn 10 lần thì lợi nhuận trung bình sau 1 năm đầu tư lên tới mức 89% và khi P/B trung bình ngành nhỏ hơn 1.5 lần thì lợi nhuận trung bình sau một năm đầu tư đạt mức 54%. **Tại mức giá đóng cửa ngày 14/7/2021, ngành ngân hàng đang được giao dịch tại mức P/E fw 2021 bằng 10.9 lần và P/B 2021 fw bằng 2 lần, từ bài viết này chúng tôi hy vọng nhà đầu tư có thể có thêm thông tin để đưa ra quyết định đầu tư thời điểm hiện tại.**
**1. Tổng quan ngành ngân hàng**
Quy mô và số lượng các ngân hàng niêm yết có sự tăng trưởng vượt bậc từ năm 2015. Cụ thể năm 2015 Việt Nam chỉ có 10 ngân hàng niêm yết thì đến cuối năm 2020 con số này là 26 ngân hàng. Vốn hóa của các NH niêm yết đã tăng 6 lần từ mức khoảng 310,000 tỷ cuối năm 2015 lên ngưỡng 1.7 triệu tỷ đồng tại thời điểm hiện tại.
**2. Định giá và lợi nhuận khi đầu tư vào ngân hàng:**
Chúng tôi đã thu thập số liệu định giá hàng quý của ngành ngân hàng từ 2015 đến Q12021 để phân tích. Số liệu thống kê cho thấy trong lịch sử của mình, ngành ngân hàng được định giá với mức P/E từ khoảng 8 đến 19 lần và mức P/B từ khoảng 1.2 lần đến 2.6 lần. Ngành ngân hàng được định giá rẻ nhất vào thời điểm Q1 năm 2020 và cao nhất vào thời điểm Q1 năm 2018.
**Biểu đồ lịch sử P/E và tỷ suất lợi nhuận (%) khi đầu tư vào ngành Ngân hàng**
![image.png](file-guid:251e2328-6139-45de-bb5d-e0e7f7b058fb "image.png")
**Biểu đồ lịch sử P/B và tỷ suất lợi nhuận (%) khi đầu tư vào ngành Ngân hàng**
![image.png](file-guid:8d2dc5f0-414e-44ba-a8bf-b64cde063fca "image.png")
Thống kê cho thấy, lợi nhuận khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng tỷ lệ nghịch với mới mức định giá P/E và P/B, khi mức định giá càng rẻ thì mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận càng lớn. Cụ thể, khi P/E trung bình ngành nhỏ hơn 10 lần thì lợi nhuận trung bình sau 1 năm là 89% và khi P/B trung bình ngành nhỏ hơn 1.5 lần thì lợi nhuận trung bình sau một năm là 54%.
**3. Khoảng thời gian đầu tư nào đem lại tỷ suất lợi nhuận cao?**
Theo thống kê, **nhà đầu tư có xu hướng kiếm được lợi nhuận trong dài hạn (1 năm) với tỷ suất cao hơn rất nhiều so với thời gian đầu tư ngắn hạn hơn 1 quý khi mức định giá trở nên hấp dẫn**. Ví dụ, khi định giá trở về mức P/E < 10 lần, lợi nhuận mang lại cho nhà đầu tư trung bình là 89% sau 1 năm đầu tư trong khi trung bình quý là 13.2%, tương đương tỷ lệ \~64% quy đổi ra năm (annualized).
Ngược lại**, khi định giá cao thì điều thú vị là đầu tư 1 năm lại đem lại mức lợi suất thấp hơn đầu tư 1 quý**. Ví dụ, khi 14<P/E< 16 thì lợi nhuận mang lại cho nhà đầu tư trung bình là 4.7% sau 1 năm đầu tư trong khi trung bình quý là 5.2%, tương đương tỷ lệ \~22% quy đổi ra năm (annualized), cao gấp 4 lần mức đầu tư theo năm.
Chi tiết về mức sinh lời khi đầu tư vào ngành ngân hàng sau 1 quý và 1 năm tại các mức định giá khác nhau được được thể hiện trong bảng dưới.
![image.png](file-guid:b59a2866-bdd3-4843-859e-ccee699dae0f "image.png")
**4. Định giá ngành ngân hàng hiện tại liệu có đắt?**
Tại mức giá đóng cửa ngày 14 tháng 7 năm 2021, ngành ngân hàng đang được giao dịch tại mức P/E tương đối thấp so với lịch sử ngành và so với mức định giá trong các thương vụ bán vốn điển hình.
Cụ thể, tại ngày 14/7/2021, vốn hóa toàn ngành ngân hàng là 1.7 triệu tỷ đồng trong khi lợi nhuận dự kiến toàn ngành ngân hàng theo kế hoạch được phê duyệt bởi ĐHĐCĐ năm 2021 là 135 ngàn tỷ đồng (theo FinnGroup).
Tuy nhiên chúng tôi cũng lưu ý kế hoạch này tương đối thận trọng so với KQKD thực tế của các ngân hàng. Cụ thể, CTG đặt kế hoạch LNTT 2021 là 16,800 tỷ đồng trong khi LNTT Q1 2021 đã là 8,000 tỷ đồng tương đương hoàn thành 48% kế hoạch năm hay, tương tự, VCB kết quả LNTT Q1 2021 cũng hoàn thành 34% kế hoạch năm. Chúng tôi ước tính LNTT của ngành ngân hàng 2021 có thể tăng trưởng 20%, với ước tính này thì P/E dự phóng (P/E forward) cho năm 2021 bằng \~10.9 lần và P/B 2021 dự phóng (P/B forward) bằng \~2 lần.
Theo số liệu nghiên cứu của chúng tôi trong quá khứ, mức P/E forward này được coi là tương đối hấp dẫn (do đang tiệm cận vùng dưới 11, nơi có điểm mua tạo tỷ suất lợi nhuận cao nhất), tuy nhiên P/B forward đang ở mức tương đối cao so với lịch sử của ngành. **Điểm thú vị là, điều này phần nào đến từ viêc ngành ngân hàng đang sử dụng tài sản hiệu quả hơn để đem lại mức tỷ suất lợi nhuận cao hơn, nên giá trị sổ sách duy trì (dẫn đến P/B cao) nhưng giá trị sinh lời lại tốt hơn (dẫn đến P/E thấp).**
Để cung cấp thêm thông tin về định giá ngành ngân hàng cho bạn đọc, chúng tôi cũng thống kê một số thương vụ nổi bật trong ngành ngân hàng trong giai đoạn này, phần lớn những thương vụ này có mức định giá P/E > 14 lần và P/B > 2 lần, đặc biệt thương vụ bán vốn TCB năm 2018 có mức định giá cao nhất với P/E 16 lần và P/B 4 lần.
*Bảng: Các giao dịch bán vốn ngành ngân hàng điển hình*
| **NH**<br><br> | **Đối tác**<br><br> | **Năm**<br><br> | **Giá trị giao dịch (tỷ)**<br><br> | **P/E**<br><br> | **P/B**<br><br> | **Giá bán**<br><br> |
| -- | ------- | --- | ---------------------- | --- | --- | ------- |
| VCB<br><br> | Mizuho<br><br> | 2019<br><br> | 6,200<br><br> | 13.3<br><br> | 3.1<br><br> | 55,801<br><br> |
| BID<br><br> | KEB<br><br> | 2019<br><br> | 20,295<br><br> | 20.9<br><br> | 2.5<br><br> | 33,565<br><br> |
| TCB<br><br> | IPO<br><br> | 2018<br><br> | 21,000<br><br> | 16.6<br><br> | 4.0<br><br> | 128,000<br><br> |
| VPB<br><br> | IPO<br><br> | 2017<br><br> | -<br><br> | 15.4<br><br> | 2.2<br><br> | 39,000<br><br> |
***Triển vọng đầu tư***
LNTT ngành ngân hàng của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ít nhất 10%/năm dựa trên các giả định về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo ở mức 7%/năm và mức tăng trưởng tín dụng ở mức 12%/năm. Tại mức này, chúng tôi đánh giá cổ phiếu ngân hàng hoàn toàn xứng đáng với mức định giá P/E ít nhất 12 lần. Hiện tại ngành ngân hàng ở Việt Nam cũng đã thay đổi hoàn toàn so với cách đây 10 năm về cả chất và lượng.
Hiện tại sau một nhịp điều chỉnh mạnh trong những tuần đầu tháng 7 đã đưa PE fw 2021 của ngành ngân hàng tại giá đóng cửa ngày 14/7/2021 về 10.9. Cả thực tế và lý thuyết đều chứng minh rằng khi P/E ngành ngân hàng về dưới 12 là một cơ hội tuyệt vời để đưa ra các quyết định đầu tư MUA với mức sinh lời hấp dẫn.
Đặc biệt với một số cổ phiếu đầu ngành và chất lượng tài sản tốt như TCB, ACB. Tại mức giá đóng cửa ngày 15/7/2021, TCB đang được định giá ở mức P/E fw 2021 10.2 lần và P/B 2021 fw 1.9 lần, thấp hơn trung bình ngành và thấp hơn so với mức định giá của chính TCB trong thương vụ IPO gần nhất, ACB đang được định giá ở P/E fw 2021 8.9 lần và P/B 2021 fw 1.9 lần.
Thực tế, 2 cổ phiếu ngân hàng này đã kín room ngoại và khối ngoại luôn phải mua bán thỏa thuận ở một mức thặng dư (premium) cao hơn nhiều so với giá giao dịch trên sàn để sở hữu các cổ phiếu này.
*Biểu đồ định giá P/E và tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào ACB*
![image.png](file-guid:3373ab1a-3553-4de5-b0a2-e86907b17c28 "image.png")
*Biểu đồ định giá P/B và tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào ACB*
![image.png](file-guid:ad33bc6b-d58e-4c99-a722-74f5b42e3f07 "image.png")
**5. Kết luận:**
\- Lợi nhuận khi đầu tư vào ngành ngân hàng tỷ lệ nghịch với mức định giá. Lịch sử cho thấy mức định giá P/E < 12 lần được coi là hấp dẫn với mức lợi nhuận đầu tư trên 1 năm trung bình trên 30%
\- Khi mức định giá trở nên hấp dẫn thì đầu tư dài hạn với thời gian 1 năm có xu hướng mang lại lợi nhuận cao hơn mức đầu tư ngắn hạn trong 1 quý.
\- Tại mức giá đóng cửa ngày 14 tháng 7 năm 2021, ngành ngân hàng đang được giao dịch tại mức P/E fw 2021 bằng 10.9 lần và P/B 2021 fw bằng 2 lần. Mức P/E này vẫn được coi là tương đối thấp so với lịch sử ngành và so với mức định giá trong các thương vụ bán vốn điển hình.
\- Một số cổ phiếu đầu ngành với chất lượng tài sản vượt trội đang được định giá hấp dẫn như TCB và ACB. Nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn giải ngân ở các nhịp điều chỉnh của các cổ phiếu này với mục tiêu nắm giữ trung và dài hạn.