Ở Phần 1 bài nghiên cứu về tính hiệu quả của tín hiệu tạo Khoảng trống tăng giá (Gap up) tại [https://iwealthclub.com.vn/content/perma?id=699068](https://iwealthclub.com.vn/content/perma?id=699068), chúng tôi đã rút ra kết luận: việc giải ngân ngay tại phiên tạo Gap có xác suất cao sẽ gây ra mức lỗ ngắn hạn cho nhà đầu tư (**xác suất gần 70% cổ phiếu sẽ quay về “lấp” Gap trong 5 phiên đầu tiên sau khi xuất hiện**)
![image.png](file-guid:887630ac-35c5-4d3c-89d7-4cf7ca3c805e "image.png")
![image.png](file-guid:ac2b5eab-74e0-4d95-825e-3d756a143813 "image.png")
Tuy vậy, sau quá trình nghiên cứu hơn 12,000 tín hiệu lấp gap của hơn 250 cổ phiếu trên sàn HOSE với thanh khoản ở mức khá (KLGD trung bình 50 phiên trên 200 nghìn cổ phiếu) trong vòng 10 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy việc **giải ngân tại các điểm lấp gap là một chiến lược tốt, có xác suất thành công và tỷ suất lợi nhuận tăng dần theo thời gian nắm giữ** (*như hình minh họa bên dưới*). Theo đó, xác suất thành công (tỷ lệ % giao dịch có lãi) tăng dần từ 46% (sau 5 phiên) lên hơn 51% (sau 60 phiên), đi cùng với đó là tỷ suất lợi nhuận bình quân cũng có xu hướng gia tăng (từ +5.5% lên mức +21.8%). Tỷ lệ Lãi/Lỗ cũng duy trì ở mức > 1 và tăng dần theo thời gian nắm giữ, cho phép nhà đầu tư (NĐT) tận dụng thứ mà Albert Einstein từng mô tả là “kỳ quan thứ 8” – lãi kép.
![image.png](file-guid:cc1cbb86-2320-4ae1-af15-99c7d5409422 "image.png")
Tuy vậy, liệu chúng ta có nên “nhắm mắt” giải ngân bất cứ khi cổ phiếu quay về lấp Gap. Và liệu rằng nền tảng doanh nghiệp có ảnh hưởng đến khả năng thành công của giao dịch hay không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu một số chỉ tiêu tài chính của Doanh nghiệp có tác động đến thị giá cổ phiếu. Mặc dù có rất nhiều yếu tố liên quan đến nền tảng cơ bản mà NĐT quan tâm khi lựa chọn cổ phiếu. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, để đơn giản hóa, chúng tôi chỉ lựa chọn 2 chỉ tiêu “phổ thông” nhất: **ROE 4 quý gần nhất** và **tăng trưởng EPS quý gần nhất**. Dựa trên 2 chỉ tiêu này, chúng tôi tiến hành phân loại các tín hiệu lấp gap theo từng nhóm như sau:
\+) Nhóm 1: Giao dịch lấp gap tại những cổ phiếu có ROE < 10% và tăng trưởng EPS quý gần nhất < 15% *(những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh ở dưới mức trung bình)*
\+) Nhóm 2: Giao dịch lấp gap tại những cổ phiếu có ROE từ 10% – 25% và tăng trưởng EPS quý gần nhất từ 15% – 25% *(những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh ở mức khá – tốt)*
\+) Nhóm 3: Giao dịch lấp gap tại những cổ phiếu có ROE > 25% và tăng trưởng EPS quý gần nhất > 25% *(những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh xuất sắc)*
Kết quả khá thú vị! Ở tất cả các khung thời gian (5-10-20-60 phiên sau khi lấp gap), **xác suất thành công có xu hướng tăng dần và tỷ lệ thuận với nền tảng cơ bản của doanh nghiệp**. Lấy ví dụ, với khung thời gian sau 20 phiên, xác suất thành công của nhóm 1 – 2 – 3 lần lượt là 48.5%, 55.8% và 56.6%. Cá biệt, khi giải ngân tại điểm lấp gap đối với doanh nghiệp có **nền tảng cơ bản xuất sắc** (thể hiện qua ROE > 25% và tăng trưởng EPS quý gần nhất > 25%), **xác suất thành công của những giao dịch này lên tới hơn 70%, đi kèm với đó là tỷ suất lợi nhuận bình quân lên tới 26% sau 3 tháng nắm giữ -** những con số khá ấn tượng!
**Nhóm 1: ROE < 10% & tăng trưởng EPS < 15%**
![Others.png](file-guid:4b4cda97-b493-4daa-84f6-85a85ecaa362 "Others.png")
**Nhóm 2: ROE từ 10 – 25% & tăng trưởng EPS từ 15 – 25%**
![ROE 10 -25%.png](file-guid:2be31185-8d47-41ea-8cf8-33fcb06dd9ac "ROE 10 -25%.png")
**Nhóm 3: ROE > 25% & tăng trưởng EPS > 25%**
![ROE over 25%.png](file-guid:a4062241-7918-4e73-ae65-b95e57a2e73e "ROE over 25%.png")
Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu tính hiệu quả của các giao dịch phân loại theo hình thức tạo Gap:
\+) Break-away Gap: Giá cổ phiếu có nhịp tăng dưới 10% trong vòng 20 phiên gần nhất trước khi tạo Gap
\+) Run-away Gap: Giá cổ phiếu có nhịp tăng từ 10% - 25% trong vòng 20 phiên gần nhất trước khi tạo Gap
\+) Exhaustion Gap: Giá cổ phiếu có nhịp tăng hơn 25% trong vòng 20 phiên gần nhất trước khi tạo Gap
Theo đó, giải ngân tại những điểm lấp Exhaustion gap có thể đem lại lợi nhuận trung bình ở mức cao (16.6%) nhưng tỷ lệ thành công (46%) và tỷ lệ Lãi/Lỗ (1.3) lại ở mức thấp nhất trong 3 phân nhóm. Điều này có nghĩa là **giải ngân tại điểm lấp Exhaustion Gap (những cổ phiếu đã có nhịp chạy nước rút)** **hàm chứa nhiều rủi ro cho NĐT**. Ở chiều ngược lại, mặc dù tỷ suất lợi nhuận trung bình chỉ ở mức 13%, nhưng giải ngân tại điểm lấp Runaway Gap (những cổ phiếu tăng giá vừa phải) đem đến xác suất thành công (51.2%) và tỷ lệ Lãi/Lỗ (1.5) ở mức cao nhất.
![image.png](file-guid:09115110-93fc-462b-9eeb-8b5a805e27c8 "image.png")
**Kết luận:**
\+) **Mua lại điểm lấp gap là một chiến lược tốt, có xác suất thành công và tỷ suất lợi nhuận tăng dần theo thời gian nắm giữ** => NĐT nên tiến hành giải ngân khi cổ phiếu quay về lấp gap, sau đó nắm giữ từ 2 – 3 tháng để đạt tỷ suất lợi nhuận tối ưu.
\+) Hiệu quả của chiến lược này đặc biệt được **cải thiện khi giải ngân tại những cổ phiếu có nền tảng cơ bản xuất sắc** (xác suất thành công xấp xỉ 70% và tỷ suất lợi nhuận bình quân lên tới 26% sau 3 tháng nắm giữ)
\+) NĐT nên **hạn chế giải ngân khi cổ phiếu đã có nhịp tăng mạnh trong thời gian ngắn**. Thay vào đó, nên giải ngân khi cổ phiếu quay về lấp gap, sau khi vừa trải qua một nhịp tăng giá ở mức vừa phải (10-25%).