
Nhân dịp CTCP Dầu thực vật Tường An công bố kết quả kinh doanh Q3/2021, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện công ty. Doanh thu đạt 1.594 tỷ đồng (+14%yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 33 tỷ đồng (-57%yoy). Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh xuống còn \~4% so với mức \~16% cùng kỳ năm ngoái. Tình hình tài chính ổn định với D/E \~1.6x.
Lũy kế 9T/2021, lợi nhuận sau thuế đạt 118 tỷ đồng, giảm \~20% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do giá vốn tăngkhi hơn \~70% nguyên liệu đầu vào là nguyên liệu nhập khẩu (dầu nành, dầu cọ,…). Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, giá dầu cọ và dầu nành đã tăng 50.5% và 65.8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, TAC đã không tăng giá bán tương ứng.
TAC có **dự án đầu tư mở rộng nhà máy Dầu Phú Mỹ và Dầu Vinh** với tổng giá trị là 625 tỷ đồng và 292 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có, vốn vay và phát hành cổ phiếu. Công ty dự kiến phát hành 16,9 triệu cổ phiếu với giá 40.000 đ/cp và 1,7 triệu cổ phiếu ESOP giá 15.000 đ/cp. Tổng số tiền thu về khoảng 702 tỷ đồng. Hiện tại, sản lượng của TAC tập trung tại từ Quy Nhơn trở vào miền Nam. Với dự án mở rộng nâng công suất nhà máy Dầu Vinh từ 40.000 tấn/năm lên 150.000 tấn/năm, TAC sẽ tiết giảm chi phí sản xuất, vận chuyển và gia tăng năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường miền Bắc và miền Trung.
Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi khuyến nghị **CHỜ BÁN** với TAC do kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng giảm \~20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xu hướng tăng giá của nguyên vật liệu dự kiến kéo dài đến cuối năm. Kế hoạch sáp nhập vào KDC đã trì hoãn hơn hai năm nhưng vẫn chưa có động thái được triển khai. Mặc dù vậy, TAC có thể vẫn có tiềm năng trong dài hạn với kế hoạch nâng công suất.
