Chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) để cập nhật một số thông tin liên quan đến báo cáo tài chính quý III/2021 của Công ty. Theo đó, doanh thu quý III/2021 đạt 1812 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 377 tỷ đồng (lần lượt giảm 10% và tăng 273% so với cùng kỳ). Công ty cho biết, kết khả kinh doanh tích cực đạt được nhờ giá các loại phân bón tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng xấp xỉ 65%).
Hàng tồn kho và khoản mục người mua trả tiền trước có sự gia tăng mạnh. ĐIều này chủ yếu đến từ việc cuối quý III/2021 Công ty chưa thể kịp giao đơn đặt hàng trước của khách hàng do ảnh hưởng của giãn cách xã hội kéo dài theo CT-16 của Chính phủ. Ngoài ra, trong quý III/2021, Công ty cũng tiến hành tích trữ thêm hàng tồn kho để chuẩn bị cho vụ Đông Xuân (vụ trọng điểm) và chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng hàng năm dự kiến kéo dài 13 ngày, diễn ra trong tháng 11/2021
![image.png](file-guid:4c9e428d-24d5-4885-b15b-091f58bddb2b "image.png")
Công ty cho biết, hiện tại hợp đồng giá khí của PVN hiện đang tính theo công thức 0.46MFO (46% \* giá FO trung bình giao dịch trên thị trường Singapore). Hiện tại, giá Ure đang tăng với tốc độ nhanh hơn so với giá khí đầu vào (giá FO tăng 67% trong khi giá phân Ure tăng >100% kể từ đầu năm). Ngoài ra, giá khí đầu vào chỉ chiếm khoảng 60% tỷ trọng chi phí đầu vào. Do đó, chúng tôi đánh giá, rủi ro liên quan đến biến động giá NVL đầu vào là không đáng lo ngại.
![image.png](file-guid:2a902be8-d330-4c24-986c-961c1bb64c7a "image.png")
![image.png](file-guid:335a4992-ee8b-4d32-a15b-136dd96d9e89 "image.png")
Một điểm sáng trong bức tranh tài chính của DCM đó là lượng tiền mặt và tiền gửi tăng mạnh lên mức gần 4,100 tỷ đồng (tương đương 43% tổng tài sản). Cùng với đó là tổng các khoản vay ngắn và dài hạn chỉ còn gần 400 tỷ (giảm gần 450 tỷ so với thời điểm đầu năm). Điều này cho phép DCM duy trì một cấu trúc tài chính rất lành mạnh, và khả năng gia tăng các khoản doanh thu tài chính từ lượng tiền mặt dồi dào.
**Khuyến nghị:**
Giá phân bón thế giới liên tục lập đỉnh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động tiêu cực đến Trung Quốc - quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới và chiếm tới hơn 40% thị phần phân bón ở Việt Nam. Việc thiếu hụt nguồn cung đáng kể từ Trung Quốc sẽ giúp giá phân bón nội địa duy trì ở mức cao trong thời gian tới, đặc biệt khi vụ Đông Xuân đang tới gần. DCM là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất Phân bón với cấu trúc tài chính vô cùng lành mạnh cùng hiệu quả kinh doanh ở mức khá cao (hình dưới ). Triển vọng dài hạn khả quan nhờ đưa vào nhà máy sản xuất Phân bón NPK với công suất thiết kế hơn 300 nghìn tấn/năm. Do đó, nhà đầu tư có thể CHỜ MUA và cân nhắc giải ngân trong những nhịp điều chỉnh của cổ phiếu.
![image.png](file-guid:7a4e945a-f47a-4080-8d93-846e4e70792f "image.png")