Chúng tôi đã có buổi cập nhật với đại diện CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau về lịch trình bảo dưỡng nhà máy. Theo đó, DCM chính thức dừng máy bảo dưỡng tổng thể từ ngày 08/11 đến 23/11/2021. Công ty cho biết đây là đợt bảo dưỡng hàng năm thường kéo dài từ 13 – 15 ngày. Công ty đã chủ động lập kế hoạch, nắm bắt thị trường và linh hoạt triển khai các giải pháp kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh. Do đó, trong 2 tuần nhà máy bảo dưỡng, DCM vẫn đảm bảo được nguồn cung phân bón cho bà con canh tác vụ Đông Xuân.
![image.png](file-guid:c97faaef-03ec-4f7b-89b7-2b15a394e0c8 "image.png")
![image.png](file-guid:1eb7dc21-61d6-48fa-bbfd-a368095afb1b "image.png")
Thực tế, với lượng hàng tồn kho cuối quý III lên tới 1,500 tỷ (tương đương hơn 200 nghìn tấn Ure), cùng với vòng quay hàng tồn kho ở mức 60 ngày, việc lịch trình bảo dưỡng chỉ kéo dài 15 ngày không gây khó khăn cho công tác bán hàng, công ty vẫn đảm bảo đủ lượng hàng.
Dự kiến đợt bảo dưỡng này bao gồm hơn 1700 hạng mục. Công ty cũng cho biết luôn triển khai đồng bộ, nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ, chủ động xây dựng nhiều kịch bản nhằm kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế thấp nhất các nguy cơ liên quan đến dịch Covid-19, bảo đảm sức khỏe của người lao động, duy trì liên tục, thường xuyên các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tại công trường bảo dưỡng Nhà máy. Công ty dự kiến chạy lại máy vào ngày 23/11, hoàn thành bảo dưỡng đúng kế hoạch và tái cung ứng dồi dào Urea.
Luỹ kế 9T/2021, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Theo đó, doanh thu đạt 6,048 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 819 tỷ đồng (tăng trưởng lần lượt 14% và 78% so với cùng kỳ). Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tác động lớn tới Trung Quốc – quốc gia chiếm thị phần xuất khẩu phân bón lớn nhất vào Việt Nam , chúng tôi kỳ vọng giá phân bón sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Do đó, chúng tôi khuyến nghị CHỜ MUA đối với DCM, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân trong những nhịp rung lắc của cổ phiếu.