![image.png](file-guid:d9a7c217-44ce-45c6-9f16-778171b2823a "image.png")
Vừa qua, chúng tôi đã tham gia ĐHCĐ của CTCP Tập đoàn PC1. Cho năm tài chính 2022, Về mục tiêu kế hoạch năm 2022, PC1 đặt mục tiêu doanh thu trên 11,000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế 657 tỷ đồng, trả cổ tức 15%.
Tại ĐHCĐ năm nay, HĐQT Tập đoàn PC1 cũng công bố Báo cáo chiến lược Tập đoàn giai đoạn 2021-202. Theo đó, mục tiêu của PC1 trong giai đoạn 5 năm tiếp theo là đạt doanh thu 1 tỷ USD, tương ứng mức tăng trưởng 25%/năm. Với tầm nhìn 2030, BLĐ đặt kế hoạch vốn hóa và doanh thu 2 tỷ USD.
Ban lãnh đạo đánh giá triển vọng dài hạn trong các trụ cột kinh doanh của doanh nghiệp là tương đối tích cực. Theo đó, quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ được phê duyệt vào giữa năm 2022 sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đầu tư lưới truyền tải theo hình thức BOO. Đây là cơ hội chiến lược đầu tư, hợp tác đầu tư của PC1 với các dự án năng lượng và lưới truyền tải điện.
Về kết quả kinh doanh QI/2022, doanh thu ước đạt 20% kế hoạch năm, LNST ước đạt 23% kế hoạch năm. Như vậy, LNST QI/2022 dự kiến đạt 150 tỷ đ (tương ứng mức tăng trưởng 94% so với cùng kỳ).
Chi tiết về triển vọng các mảng kinh doanh cốt lõi:
**Lĩnh vực tổng thầu EPC và xây lắp:**
Để cải thiện biên lợi nhuận của khối EPC là tương đối khó khăn, BLĐ chia sẻ PCC2,3,4 (những đối thủ cạnh tranh) năm vừa qua biên lợi nhuận còn đi lùi hoặc lỗ. Tập đoàn tiếp tục định hướng tỷ trọng xây lắp cho EVN khoảng 30%, bên ngoài khoảng 70% để tối ưu hóa biên lợi nhuận. Tổng backlog tính đến quý I/2022 là khoảng hơn 6,000 tỷ. Trong thời gian tới sẽ ký thêm với EVN đường dây 500 Kv nên backlog dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
**Lĩnh vực BĐS KCN**
Vừa qua, PC1 đã chính thức gia nhập mảng bất động sản công nghiệp thông qua việc hợp tác đầu tư 30% vốn vào CTCP Western Pacific. Theo BLĐ chia sẻ, Western Pacific có 3 lợi thế, một là quỹ đất vị trí tốt, hai là có thương hiệu về logistics, và ba là có nhiều đối tác lớn ở nước ngoài. Còn PC1 có lợi thế trong quản lý đầu tư, năng lực tổng thầu, khả năng tiếp cận vốn và quản trị. Liên quan đến KCN Yên Phong 2A, tiến độ tương đối khả quan, đã có khách hàng đặt chỗ 100%. Tập đoàn dự kiến ghi nhận lợi nhuận từ mảng BĐS KCN từ năm 2022. Điểm rơi lợi nhuận sẽ từ năm 2023 – 2026, dự kiến khoảng 300 tỷ/năm
**Lĩnh vực BĐS nhà ở**
Tập đoàn dự kiến hoàn thành 2 dự án thấp tầng là 192 Định Công (100 căn) và Yên Thường (40 căn). Tổng doanh thu dự kiến là 1,000 tỷ, lợi nhuận dự kiến đem lại khoảng 200 tỷ.
**Lĩnh vực khoáng sản**
Dự án mỏ Niken – Đồng có trữ lượng khoảng 7.5 – 8 triệu tấn, được quyền khai thác và tuyển quặng tinh Nickel và Đồng trong vòng 15 – 20 năm. Công nghệ sử dụng đến từ Trung Quốc. BLĐ đánh giá công nghệ này còn tốt hơn công nghệ được sử dụng ở Châu Âu với máy móc tự động hóa từ Tập đoàn Siemen (Đức). Về hiệu quả hoạt động, dự án được tính toán với IRR ban đầu ở mức 17-18%, tương ứng với giá Nickel dự kiến là 18,000 USD/tấn. Tuy nhiên, giá Nickel hiện tại đã tăng lên mức 35,000 USD/ton (đã có thời điểm tăng lên ấp xỉ 50,000 USD/ton).
![image.png](file-guid:a8c4b515-adfc-4be1-8b27-8c140bff7482 "image.png")
*Nguồn: TradingEconomics*
**Lĩnh vực năng lượng**
BLĐ đánh giá triển vọng thị trường tương đối khả quan nhờ tốc độ bổ sung nguồn điện mới vào lưới điện quốc gia dự kiến đạt 10% và chủ trương hạn chế phát thải của chính phủ. Tập đoàn dự kiến nghiên cứu bổ sung 400MW cả onshore và offshore. Hiện tại, Tập đoàn đang vận hành 7 dự án thuỷ điện và 3 dự án điện gió. 3 dự án điện gió hiện đang hoạt động vượt công suất thiết kế trong 2 tháng cuối 2021 và quý I/2022 từ 5-10%.