Sau VCB, BID là SOBs tiếp theo được NHNN chấp thuận cho chia cổ tức bằng cổ phiếu. Mặc dù chưa có thời gian phát hành cụ thể nhưng chúng tôi cho rằng việc chia cổ tức sẽ diễn ra trong quý 1 hoặc đầu quý 2/2022.
Có thể thấy hành động của NHNN trong thời gian qua là muốn giúp tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng quốc doanh đặc biệt về vấn đề quanh câu chuyện cải thiện lớp đệm vốn chủ.
Vấn đề này càng trở nên quan trọng hơn khi việc tăng vốn thông qua phát hành mới gặp khá nhiều khó khăn trong khi việc tăng vốn điều lệ của các SOBs là nhu cầu cực kỳ cấp thiết trong bối cảnh các ngân hàng tư nhân liên tục có kế hoạch tăng vốn lớn và đang dần tiệm cận với quy mô vốn của các SOBs. Cụ thể trong trường hợp phát hành tăng vốn mới, nếu phát hành riêng lẻ cho đối chiến lược thì lợi ích của phần vốn sở hữu Nhà nước lại bị pha loãng còn nếu phát hành cho cổ đông hiện hữu thì Ngân hàng Nhà nước lại phải tìm nguồn để góp thêm vốn.
Do đó, chúng tôi đánh giá việc chấp thuận giữ lại lợi nhuận chưa phân phối và chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là một bước đi khá hợp lý. Một điểm lưu ý nữa là ngành ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi số, cải thiện mô hình kinh doanh và có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Với ROE trung bình ngành quanh mức 15 - 20%, việc chia cổ tức bằng tiền mặt làm giảm giá trị doanh nghiệp chúng tôi cho rằng là không cần thiết, khiến giảm nguồn lực phát triển của ngân hàng trong khi lợi ích mang lại cho cổ đông lại không quá lớn.
**Tổng kết lại, chúng tôi nhận thấy Ngân hàng nhà nước, thông qua các chính sách và hành động trong thời gian vừa qua đã giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các ngân hàng song song với kiểm soát được chất lượng tài sản ở mức an toàn, tránh vào những vết xe đổ như giai đoạn bong bóng bất động sản 2011 - 2013. Với định giá nhiều ngân hàng vẫn ở mức hợp lý, tiềm năng tăng trưởng tích cực, ngành ngân hàng trong 2022 sẽ có rất nhiều cơ hội cho nhà đầu tư**