**MSN – Tài liệu ĐHCĐ năm 2022: Mảng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng mạnh**
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) đã công bố tài liệu ĐHCĐ năm 2022, bao gồm các chủ đề chính như sau:
* Đối với năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 90/100 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 4,8/6,2 nghìn tỷ đồng lần lượt trong kịch bản thận trọng/khả quan của MSN. Các dự báo của chúng tôi nhìn chung phù hợp với vùng thấp trong kế hoạch của công ty khi chúng tôi hiện dự báo doanh thu đạt 91,2 nghìn tỷ đồng (+24% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 4,7 nghìn tỷ đồng (+49% YoY). Chúng tôi lưu ý rằng mức tăng trưởng trên dựa theo cơ sơ so sánh tương đương, trong đó không bao gồm đóng góp từ mảng thức ăn chăn nuôi đã thoái vốn. Nếu bao gồm mảng kinh doanh này, mục tiêu doanh thu của công ty là 90/100 nghìn tỷ đồng (+2%/+13% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS là 4,8/6,2 nghìn tỷ đồng (-44%/-28% YoY). Ngoài ra, mục tiêu LNST sau lợi ích CĐTS của công ty cao hơn 21%-38% kế hoạch đã được công bố trước đây tại cuộc họp gặp gỡ NĐT của MSN diễn ra vào ngày 09/02/2022.
Ngoài ra, kế hoạch chi tiết theo từng mảng được công bố trong báo cáo thường niên năm 2021 và tài liệu ĐHCĐ của từng công ty con như sau:
* MCH (Masan Consumer Holdings): Doanh thu đạt 34/40 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của MSC (CTCP Hàng tiêu dùng Masan) dự kiến đạt 32,5/38 nghìn tỷ đồng (+17%/+37% YoY), và LNST sau lợi ích CĐTS dự kiến đạt 5,8/6,7 nghìn tỷ đồng (+7%/+23% YoY). Mục tiêu này tương ứng MSC sẽ đóng góp 5,3/6,2 nghìn tỷ đồng LNST sau lợi ích CĐTS cho MCH, theo ước tính của chúng tôi. Chúng tôi hiện dự báo MSC sẽ đóng góp 5,8 nghìn tỷ đồng LNST sau lợi ích CĐTS cho MCH.
* WCM (WinCommerce): Doanh thu đạt 38/40 nghìn tỷ đồng.
* Phúc Long: Doanh thu đạt 2,5/3 nghìn tỷ đồng.
* MML (Masan MEATLife - không còn đóng góp từ mảng thức ăn chăn nuôi): Doanh thu đạt 5/6,5 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 500/670 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với kỳ vọng trước đây của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết hơn.
* MHT (Masan High-Tech Materials): Doanh thu đạt 14,5/15 nghìn tỷ đồng.
* Cổ tức tiền mặt: 1.200 đồng/CP cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2021 đã được thanh toán vào năm 2021 – tương ứng lợi suất cổ tức 0,8%. Đối với năm tài chính 2022, MSN sẽ tạm ứng cổ tức, số tiền và thời gian sẽ được HĐQT quyết định.
* ESOP: tối đa 0,5% số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ được phát hành với mức giá 10.000 đồng/CP và thời gian hạn chế giao dịch là 1 năm.
* Phát hành riêng lẻ: MSN đề xuất phương án chào bán riêng rẻ cổ phần phổ thông lên tới 12% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, trong đó tối đa 99 nhà đầu tư (bao gồm nhà đầu tư chiến lược và chứng khoán chuyên nghiệp) sẽ tham gia. Nếu được thực hiện, kế hoạch này sẽ được thực hiện vào năm 2022 hoặc trước ĐHCĐ năm 2023. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Chúng tôi lưu ý rằng trong ĐHCĐ 2020 và 2021, MSN cũng đã đưa ra đề xuất tương tự nhưng đến nay vẫn chưa có giao dịch nào xảy ra. Chúng tôi tin rằng việc nhận được sự chấp thuận của cổ đông đối với kế hoạch phát hành riêng lẻ này sẽ giúp MSN linh hoạt hành động nhanh chóng khi tới thời điểm thích hợp
* Phát hành trái phiếu chuyển đổi trên thị trường quốc tế: tối đa 500 triệu USD với kỳ hạn 5 năm, trong đó thị trường phát hành, lãi suất, điều khoản chuyển đổi và các điều kiện khác sẽ được HĐQT quyết định. Đợt phát hành này dự kiến được thực hiện trong năm 2022 và/hoặc 2023. MSN cũng đề xuất kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để chuyển đổi trái phiếu với tỷ lệ tối đa 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty sau khi chuyển đổi.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị MUA cho MSN với giá mục tiêu là 189.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 28%.
Vũ Quốc Tuấn ·
Lê Trần Tiến Đạt ·