Chiều 26-8, Bộ NN-PTNT cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp trong cả nước đã xuất khẩu cá tra trên 1,52 tỷ USD, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, cả năm 2022 xuất khẩu cá tra có thể vượt mốc 2,26 tỷ USD. Đây là một trong những lĩnh vực xuất khẩu trên một tỷ USD.
![](https://photo-cms-sggp.zadn.vn/w570/Uploaded/2022/duxredwsxr/2022_08_27/ca-tra_vwjx.jpg)
*Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang*
Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL, giá trung bình xuất khẩu mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh sang thị trường Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm dao động khoảng 2,45 USD/kg, tăng 37% so với cùng kỳ; trong khi giá xuất vào thị trường Hoa Kỳ đạt khoảng 4,66 USD/kg, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái… Nhờ xuất khẩu được giá nên từ tháng 2 đến tháng 5-2022, các doanh nghiệp thu mua cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL với giá khá cao, bình quân hơn 30.000 đồng/kg, giúp nông dân lãi khoảng 5.000 đồng/kg. Từ tháng 6 đến nay, giá cá tra dao động khoảng 27.500- 28.500 đồng/kg, vẫn cao hơn 7.000-8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021 và người nuôi có lãi.
Các nhà chuyên môn dự báo, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, có thể nhu cầu cá tra không cao như các tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nga, khả năng vẫn còn triển vọng. Dự báo, thị trường EU có khả năng thiếu nguyên liệu cá thịt trắng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp tại Đông Âu và lạm phát tăng ở EU, tạo cơ hội cho cá tra Việt Nam xuất khẩu vào cuối năm 2022. Tại Hoa Kỳ, người nuôi cá da trơn gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, chi phí thức ăn, nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận và nguồn cung cấp cá da trơn nội địa tại Hoa Kỳ. Còn tại Trung Quốc, sau gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dự đoán các doanh nghiệp có khả năng duy trì lượng hàng nhập như năm 2021, dù họ đang đàm phán giá để nhập thêm cá tra Campuchia...
**[Ngọc Dân](https://www.sggp.org.vn/xuat-khau-ca-tra-dat-hon-152-ty-usd-837489.html)**