Sư phục hồi chậm hơn của du lịch châu Á là do nhiều yếu tố như mở cửa thị trường du lịch theo giai đoạn, khôi phục dần tuyến bay và công suất bay. Bên cạnh đó, nhiều khách phương Tây lo ngại việc đi du lịch đến khu vực này rất phức tạp do các hạn chế Covid-19 vẫn đang được duy trì dù nhiều nước châu Á đã dỡ bỏ hầu hết chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Trong khi đó, người dân Trung Quốc, nguồn khách quốc tế hàng đầu của nhiều nước châu Á, bị giới chức trách hạn chế đi du lịch nước ngoài.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/08/Anh-bai-1-9.jpg)
*Khách du lịch thưa thớt ở khu đền đài cổ Angkor Wat của Campuchia. Ảnh: Getty*
**Đền cổ Angkor Wat vắng vẻ lạ thường**
Khi khách du lịch tìm cách lách qua đám đông để chụp ảnh ‘tự sướng’ tại Đài phun nước Trevi ở Rome (Ý), hoặc đổ xô đến Las Vegas Strip, một khu phố tập trung nhiều sòng bạc, khách sạn, khu nghỉ dưỡng vui chơi ở thành phố Las Vegas của Mỹ, thì nhiều điểm đến từng nhộn nhịn khách ở châu Á – Thái Bình Dương như Angkor Wat ở Campuchia vẫn yên tĩnh một cách kỳ lạ.
Huoch Yen đã phải rất nỗ lực mới có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch tại quần thể đền đài cổ Angkor Wat nổi tiếng của Campuchia ở tỉnh Siem Reap. Người đàn ông 43 tuổi này đã phải mất ba lần thi mới được cấp giấy phép hướng dẫn khách nói tiếng Tây Ban Nha quanh Siem Reap. Đó là chưa kể anh đã mất nhiều năm để học ngôn ngữ này.
Khi đại dịch Covid-19 làm đóng băng hoạt động du lịch vào năm 2020, Yen đã trở về quê ở tỉnh Kompong Cham, cách đó 5 giờ lái xe, nơi anh hiện đang làm giáo viên. Nhưng anh vẫn ước mơ trở lại với công việc hướng dẫn viên của mình.
Yen nói: “Tôi liên lạc với người bạn đang sống ở Siem Reap để hỏi về tình hình du lịch mỗi ngày. Anh ấy vẫn nói với tôi rằng mọi chuyện không suôn sẻ. Hiện tại, lượng khách vẫn rất ít, chứ không giống như trước đây”.
Trước khi đại dịch ập đến, Angkor Wat là một trong những điểm du lịch hút khách nhất thế giới. Hàng ngày, rất đông du khách từ nhiều nước đến khu đền này trước bình minh, chen lấn để giành lấy một vị trí nhìn qua một cái ao nhỏ trước khu đền chính. Ở đó, họ sẽ cố gắng chụp ảnh mặt trời mọc trong bầu không khí giống như một đám đông cuồng nhiệt trước sân khấu nhạc rock.
Những ngày này, cảnh tượng đó không còn. Campuchia kỳ vọng thu hút một triệu du khách quốc tế trong năm nay, một sự gia tăng lớn so với số lượng ít ỏi du khách mà nước này chào đón vào năm 2021, nhưng lại giảm mạnh so với con số 7 triệu lượt khách đến thăm quốc gia Đông Nam Á này vào năm 2019.
**Du lịch châu Á chưa thể trở về mức trước đại dịch cho đến 2025**
Đầu tháng này, các nhà khai thác tàu du lịch trên ở Phi Phi, quần đảo của Thái Lan, nơi trở nên nổi tiếng trên thế giới nhờ bộ phim The Beach của Hollywood, phàn nàn rằng số lượng du khách “không bằng một nửa” mức trước đại dịch. Ở đảo Phuket gần đó và ở thủ đô Bangkok, các hướng dẫn viên và tài xế nói cho biết họ mất thu nhập trong hơn hai năm.
Hồi tháng 6, những bãi biển cát trắng ở Boracay, hòn đảo nổi tiếng nhất ở quần đảo Philippines, hầu như không có người nước ngoài.
Tại Hồng Kông, có những lo ngại rằng dịch vụ Phà Ngôi sao (Star Ferry) mang tính biểu tượng của thành phố này, từng được bình chọn là “chuyến phà thú vị nhất” của thế giới, sẽ phá sản vì thiếu hành khách. Nhật Bản, nơi đón hơn 30 triệu khách quốc tế vào năm 2019, chỉ chào đón 1.500 khách nước ngoài đến du lịch và trong hai tháng 6 va tháng 7, vốn thường là mùa du lịch cao điểm. Vào tháng 4, các hướng dẫn viên lặn và nhân viên khách sạn ở Palau nói với tạp chí TIME rằng khách du lịch, vốn chiếm gần 50% GDP của quốc đảo Thái Bình Dương này trước đại dịch, vẫn chưa trở lại với những con số có ý nghĩa.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) của Liên Hợp Quốc, lượng khách quốc tế đến châu Á – Thái Bình Dương trong 5 tháng đầu năm 2022 thấp hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019, khiến nó trở thành khu vực hoạt động kém nhất trên toàn cầu. Nhiều chuyên gia dự đoán hoạt động du lịch quốc tế ở khu vực này sẽ tiếp tục tụt hậu.
Lượt khách du lịch trong nước và quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2022 dự kiến chỉ đạt 68% con số của năm 2019. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), du lịch trong khu vực sẽ chưa trở về mức trước đại dịch cho đến năm 2025, chậm hơn một năm so với phần còn lại của thế giới. Đối với một số điểm đến, sự phục hồi có thể mất nhiều thời gian hơn. Theo báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu kinh tế ứng dụng quốc gia Ấn Độ (NCAER), du lịch của Ấn Độ sẽ không phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2026.
**Nhiều yều tố khiến du lịch châu Á phục hồi chậm**
Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành Hiệp hội Lữ hành châu Á-Thái Bình Dương (PATA), cho rằng sự phục hồi chậm hơn của châu Á là do nhiều yếu tố như mở cửa thị trường du lịch theo giai đoạn, khôi phục dần tuyến bay và công suất bay cũng như “nhận thức sai của người tiêu dùng” ở phương Tây cho rằng việc đi du lịch đến khu vực này rất phức tạp do các hạn chế Covid-19 vẫn đang được duy trì.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/08/Anh-bai-2-9.jpg)
*Dịch vụ Phà Ngôi sao ở Hồng Kông có nguy cơ phá sản vì vắng khách. Ảnh: Getty*
Nhưng không thể phủ nhận rằng các quy tắc kiểm soát đại dịch Covid-19 của châu Á có thể làm hỏng tâm trạng kỳ nghỉ. Bhutan đóng cửa với du khách nước ngoài cho đến tháng 9. Singapore vẫn yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ở trong nhà ở các không gian công cộng và chỉ mới thông báo bỏ quy định này kể từ tuần tới. Hồng Kông vẫn yêu cầu sau khi nhập cảnh, du khách phải cách ly 3 ngày ở khách sạn với chi phí tự lo và sau đó là nhiều ngày giám sát y tế tại nhà, bao gồm kiểm tra nhiệt độ hai lần mỗi ngày, tải kết quả test nhanh kháng nguyên Covid-19 hàng ngày lên trang web của chính quyền và thực hiện 3 lần xét nghiệm Covid-19 theo phương pháp phân tử sinh học (PCR) trong khoảng thời gian 5 ngày.
Nhật Bản chỉ cho phép khách du lịch nước ngoài đến nước này theo các tour có tổ chức. Đó là điều khó khăn đối với hướng dẫn viên du lịch kiêm tài xế taxi, Hiroshi Yano ở Kyoto của Nhật Bản. Anh vẫn phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ và đưa đón người dân địa phương thay vì khách du lịch, để kiếm sống trong đại dịch Covid-19. Anh nói công việc ít hơn rất nhiều vì không có hàng triệu khách du lịch đã từng đổ xô đến Kyoto mỗi năm và đi bộ từ đền này sang đền khác để chụp ảnh trong trang phục kimono thuê.
“Không chỉ tôi, mà các doanh nghiệp quy mô nhỏ khác, như khách sạn và nhà hàng nhỏ, vẫn đang gặp khó khăn,” anh nói với TIME.
Sự vắng mặt của du khách Trung Quốc là một vấn đề đặc biệt lớn đối với khu vực châu Á. 13 quốc gia châu Á dựa vào Trung Quốc như là nguồn nguồn khách quốc tế hàng đầu của họ. Khách Trung Quốc cũng nguồn khách quốc tế ớn thứ hai cho sáu nền kinh tế khác trong khu vực, theo Chỉ số sẵn sàng du lịch của Economist Intelligence Unit. Vì lo ngại rằng sau khi du lịch nước ngoài, công dân Trung Quốc có thể trở về quê nhà với tình trạng nhiễm Covid-19, Bắc Kinh đã hạn chế việc người dân đi nước ngoài vì các mục đích “không cần thiết” như một phần của chính sách nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch. Sự mắc kẹt gần đây của hàng nghìn du khách trong nước tại hòn đảo nghỉ mát Hải Nam của Trung Quốc, sau khi Covid-19 bùng phát ở đó, cũng sẽ khiến nhiều dân không muốn mạo hiểm đi du lịch tại chính nước mình.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/08/Anh-bai-3-3.jpg)
*Các khu phố cổ ở Kyoto, Nhật Bản, vẫn đang ngóng chờ du khách quốc tế. Ảnh: Getty*
**Du lịch châu Á như “con rồng thức giấc theo từng giai đoạn”**
Một số điểm đến khác ở châu Á-Thái Bình Dương hoạt động tốt hơn. Quốc đảo Maldives, nơi tiếp nhận một phần lớn du khách đến từ nước Ấn Độ lân cận, là một trong những nơi chứng kiến đà phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch. Steven Schipani, chuyên gia du lịch tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nói rằng lượng khách quốc tế đến Maldives hiện đã đạt gần mức trước đại dịch, nhờ vào chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, kết nối hàng không tốt với các thị trường nguồn lớn và các yêu cầu nhập cảnh được đơn giản hóa.
Lượng khách đến quốc đảo Fiji trong tháng 6 bằng 73% so với cùng tháng trước đại dịch. Và dù các hạn chế về Covid-19 còn duy trì ở Indonesia, Andrew Roberts, người sở hữu trại lướt sóng Padang Padang ở đảo Bali của Indonesia, nói với TIME rằng anh đã chứng kiến một lượng khách nước ngoài ổn định quay trở lại để lướt con sóng “đẳng cấp thế giới” của hòn đảo. Lượng khách đặt chỗ tại trại lướt sóng của anh đã trở về mức trước đại dịch trong vài tuần qua.
Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành PATA ví du lịch châu Á – Thái Bình Dương như “con rồng đang thức dậy theo từng giai đoạn”. Bà nói: “Hiện tại, sự phục hồi rất không đồng đều, nhưng du lịch trong nước ở khu vực châu Á đã phát triển và du khách quốc tế cũng được được thu hút từ các thị trường nguồn mới. Các điểm đến ít được biết đến hơn đang được quảng bá”.
Bà cho rằng đây là thời điểm then chốt để chuyển hướng sang một ngành du lịch lành mạnh, bền vững hơn, và thực sự, nhiều người coi thời điểm này là cơ hội để loại bỏ du lịch quá mức (over-tourism)
Tuy nhiên, những người làm công tác du lịch ở tuyến đầu đang nuôi hy vọng du lịch phục hồi nhanh chóng. Yen, ở Campuchia, dự định trở lại Angkor Wat để làm hướng dẫn viên ngay khi có thể.
Anh nói: “Tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn với tư cách là một hướng dẫn viên du lịch, thay vì làm một giáo viên. Tôi có thể gặp gỡ nhiều người từ khắp nơi trên thế giới và có được những trải nghiệm mới”.
Ở Hồng Kông, Carrie Poon, 32 tuổi, nhớ cuộc sống cũ của mình. Trước đại dịch, cô đã dẫn các tour du lịch ẩm thực, đưa phần lớn du khách Mỹ và châu Âu đến các khu phố ít người biết để thử các món ngon của địa phương như cá viên và cơm cuộn, thậm chí cả súp rắn để trải nghiệm cảm giác phiêu lưu hơn. Nhưng khi Hồng Kông phong tỏa biên giới, cô mất thu nhập và quyết định mở một nhà hàng nhỏ.
“Tôi rất yêu cuộc sống hướng dẫn du lịch của mình. Nếu có thể chọn, tôi chắc chắn sẽ chọn công việc hướng dẫn viên”, cô nói.
*Theo TIME*
***[Chánh Tài](https://thesaigontimes.vn/vi-sao-du-lich-nhon-nhip-o-my-va-chau-au-nhung-cac-diem-den-chau-a-van-tram-lang/)***