\
![](https://photo-cms-viettimes.zadn.vn/666x374/Uploaded/2022/bgtjae/2022_08_27/ts-can-van-luc-1007.jpg)
*TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia*
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cho đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nới room tăng trưởng tín dụng là do hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước lo ngại vấn đề về lạm phát có khả năng tăng cao trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Nguyên nhân thứ hai là do hiện nay vốn huy động chủ yếu của các ngân hàng là vốn ngắn hạn và cho vay trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất cân đối về dòng vốn.
Tuy nhiên, với hai lý do này, ông Lực cho rằng, rủi ro đối với hệ thống tài chính vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Ông Lực nhìn nhận trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu Chính phủ có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá thịt heo thì hoàn toàn có cơ sở để kiểm soát được lạm phát dưới 4% trong năm 2022.
Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát, Việt Nam đã kiểm soát được, nên không quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường vốn, bỏ lỡ các cơ hội phục hồi. Trái lại, đó là một cơ hội rất tốt để thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của cả hệ thống ngân hàng đang ở mức 25,2% trong khi ngưỡng cho phép của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu từ 1/10 năm nay là 34%. Như vậy, tỷ lệ này vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo quan sát của ông Lực, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống ngân hàng đã và đang mạnh hơn, đặc biệt là từ tháng 5-7 vừa qua. Tín hiệu tích cực là tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay đã khác, không còn ở mức 20% - 80% như trước đây mà đã cải thiện hơn rất nhiều.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm xem xét việc nới room tín dụng trong tháng 9 tới. Nếu chờ đợi đến quý IV sẽ là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. Nếu không được khơi thông sớm về nguồn vốn, nợ đọng lẫn nhau của các doanh nghiệp tăng cao sẽ cực kỳ nguy hiểm, cùng với đó là nợ xấu ngân hàng cũng tăng mạnh.
"Cần lưu ý thêm rằng, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với giai đoạn trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động", ông Lực nhấn mạnh.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa: "Tăng trưởng tín dụng của Mỹ bình quân trong vòng 3 năm vừa qua là 14%. Với mức tăng của Mỹ như vậy, tín dụng Việt Nam tăng 15-16% là chấp nhận được.
Do vậy, nếu Chính phủ thận trọng kiểm soát được lạm phát thì Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể nới nới rộng room tín dụng khoảng 15% hoặc 16%".
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ông Lực cho rằng cần sớm nới room tín dụng bất động sản là do đây là lĩnh vực có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế. Bất động sản là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị.
Năm 2021, ngành kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% GDP; xây dựng 5,95%. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kinh doanh bất động sản đóng góp 3,32% GDP; xây dựng 5,44% GDP.
Vai trò thu hút vốn của thị trường bất động sản rất quan trọng bởi nó liên quan đến khoảng 35 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan nhiều là xây dựng (5,94% GDP), du lịch (9,2% GDP), lưu trú (3,8% GDP), tài chính – ngân hàng 5,32%) – tổng 24,3% năm 2019. Và hệ số lan tỏa của bất động sản đối với những ngành nghề này 0,5 – 1,7 lần.
Ngoài ra, bất động sản là lĩnh vực xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm. Trong năm nay, khi tín dụng ngân hàng được kiểm soát, phát hành trái phiếu giảm đi thì FDI là kênh cứu cánh cho thị trường. Lũy kế đến hết tháng 7/2022; vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 66 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn FDI đăng ký.
Mặt khác, khi nhắc đến bất động sản là nhắc đến tứ giác liên thông ngân hàng – bảo hiểm – bất động sản – chứng khoán. Theo ông Lực, ngân hàng cho vay bất động sản khoảng 20%, trong khi đó, 60 – 65% bất động sản thế chấp tại các ngân hàng là bất động sản. Ngân hàng cũng tham gia quản lý tài sản trong những lần doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu.
Doanh nghiệp bất động sản đứng thứ 2 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán chiếm khoảng 17 - 18% tổng lượng vốn hóa, đứng thứ hai trong khối các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Nhiều quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng đầu tư vào bất động sản. Hai năm dịch bệnh vừa qua, nhiều người đem tiền lãi chứng khoán để đầu tư bất động sản.
Chính vì vai trò quan trọng của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế, nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường. Thực tế cũng cho thấy, thị trường đang chậm lại, lượng giao dịch sụt giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, mất cân đối cung – cầu bất động sản (cung không thể tăng, cầu không giảm) đang tăng mạnh. Thanh khoản giảm khiến dự án khó bán hàng, nợ xấu tăng, gây rủi ro cho cả hệ thống tín dụng ngân hàng. Trong trường hợp thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài sẽ làm giảm đà phục hồi của cả nền kinh tế.
"Nếu không có giải pháp thận trọng và hợp lý trong điều tiết nguồn vốn, Việt Nam rất có thể sẽ đi theo vết xe đổ của Trung Quốc khi siết chặt quá nguồn vốn tín dụng và trái phiếu bất động sản khiến thị trường lao dốc nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề.
Hiện Chính phủ Trung Quốc đã phải ban hành nhiều giải pháp để "giải cứu" thị trường bất động sản, trong đó có việc nới lỏng vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp", ông Lực chia sẻ.
*Theo TheLeader*
***[An Chi](https://viettimes.vn/vi-sao-co-the-som-noi-room-tin-dung-post160024.html)***