[![](https://kinhtechungkhoan.vn/stores/news_dataimages/2022/082022/26/11/a5f04efadb611ac4c53b832957e500a3.jpg?rt=20220826110310)](https://fireant.vn/charts)
*Ảnh minh họa*
Theo Mirae Asset, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của các ngân hàng có nhiều phân hóa. NPL trung bình của nhóm ngân hàng niêm yết tăng 0,2 điểm % lên mức 2,1% cuối quý II/2022.
Cụ thể, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt như VCB, TCB, và ACB, vẫn duy trì được tỷ lệ NPL thấp, trong khi các ngân hàng nhỏ lại ghi nhận NPL tăng đáng kể.
Đáng lưu ý, nợ xấu của NVB vượt ngưỡng 10%, cũng dẫn đến một vài quan ngại về tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng nhỏ.
Ngoại trừ trường hợp cá biệt này, thì nhìn chung tỷ lệ nợ xấu mở rộng không ghi nhận chuyển biến xấu. Nói cách khác, một vài ngân hàng cũng đã cải thiện được tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn (nợ nhóm 2).
![](https://kinhtechungkhoan.vn/stores/news_dataimages/2022/082022/26/10/a106ad677814a7ffe566bc320d93eec5.png?rt=20220826105448)
Mirae Asset nhận định, tỷ lệ nợ xấu vẫn có thể tăng trong giai đoạn còn lại của năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng của các ngân hàng gần đây là do các khoản nợ tái cơ cấu đang dần hết thời gian ân hạn.
Theo các thông tin của Ngân hàng Nhà nước nhằm ứng phó với tác động COVID-19 lên hệ thống ngân hàng như 01/2020, 03/2021,14/2021, các khoản cho vay khách hàng sẽ được phép tái cơ cấu và được giữ nguyên nhóm nợ (nợ nhóm 1).
Đến hết thời gian ân hạn, nếu khoản nợ tái cơ cấu không được trả đúng định kỳ, thì sẽ ngay lập tức trở thành nợ xấu (bỏ qua bước chuyển sang nợ nhóm 2), và các khoản nợ khác của cá thể đi vay đó tại cùng hoặc các tổ chức tín dụng khác sẽ cùng bị xếp hạng tại nhóm nợ thấp nhất.
Tuy nhiên, nếu “khoản nợ tái cơ cấu” có thể hoàn thành giai đoạn thử thách – trả nợ gốc và lãi phát sinh đầy đủ trong 3 tháng liên tiếp sẽ được chuyển lại về nợ nhóm 1 sau khi kết thúc thời gian ân hạn.
Mặc dù vậy, xu hướng chung của nợ xấu vẫn có thể tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2022 vì đa phần nợ tái cơ cấu phát sinh trong quý III/2021.
Nhưng tình trạng nợ xấu sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy thuộc vào tính chất tập khách hàng của từng ngân hàng cũng như các yếu tố vĩ mô như sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.
![](https://kinhtechungkhoan.vn/stores/news_dataimages/2022/082022/26/10/a2758258a5b1bc266577b67da9afc2cf.png?rt=20220826105630)
Theo báo cáo của Mirae Asset, tỷ lệ dự phòng nợ xấu giữa các ngân hàng vẫn tiếp tục phân hóa trong nửa đầu năm 2022. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tiết giảm chi phí dự phòng ngay trong bối cảnh các khoản nợ tái cấu trúc đang dần kết thúc thời gian ân hạn, đi kèm với tỷ lệ nợ xấu tăng.
Như vậy, có thể tỷ lệ nợ tái cấu trúc chuyển thành nợ xấu đang diễn biến tốt hơn dự báo, qua đó cho phép các ngân hàng hoàn nhập dự phòng hay hạ thấp tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Do các tình hình kinh tế chung vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, Mirae Asset khuyến nghị khách hàng lựa chọn cổ phiếu của các ngân hàng có chiến lược phòng thủ tốt. Trong đó, các ngân hàng sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao có khả năng duy trì mục tiêu kép là duy trì tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản tốt. Các cái tên tiêu biêu như: VCB, ACB, và MBB.
Mirae Asset nêu quan điểm, tại thời điểm cuối quý I, nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn (bao gồm cả nợ đã bán cho VAMC, nợ tái cơ cấu, và nợ nhóm 2) trung bình ngành rơi vào khoảng 5.8%. Trong đó khoảng 4% là nợ tiềm ẩn/ngoại bảng.
Với tỷ lệ thu hồi vào khoảng 65%, phần còn lại khoảng 35% “có thể” trở thành nợ xấu sẽ không phải là một áp lực quá lớn đối với các ngân hàng thương mại lớn có chất lượng tài sản tốt được liên tục duy trì trong nhiều năm trở lại đây.
**[Thu Thủy](https://kinhtechungkhoan.vn/ty-le-no-xau-co-the-tang-trong-giai-doan-con-lai-cua-nam-2022-145968.html)**